Hai động thái mới nhất của Moscow – đầu tiên là tuyên bố quy trách nhiệm lên Israel về vụ máy bay trinh sát bị bắn nhầm ở Syria và thông báo về việc chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho chính quyền Assad – đã không làm ngạc nhiên bất cứ ai ở Israel ngoại trừ một số người ủng hộ Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Cho dù mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin tốt đẹp như thế nào, nhà lãnh đạo Israel dường như cũng không thể xóa bỏ vấn đề này theo ý mình, tờ Haaretz nhận định.
Nga đã đón nhận một cú sốc muối mặt khi hỏa lực phòng không của Assad bắn hạ máy bay hôm 18/9, trong lúc Moscow vẫn đang trong quá trình phô diễn sức mạnh ở Syria. Rõ ràng sự cố này sẽ dẫn đến việc Nga lên án Israel – quốc gia đã thực hiện nhiều phi vụ tấn công vào lãnh thổ Syria trong thời gian qua.
Dù quyết định cuối cùng sẽ còn phụ thuộc vào Tổng thống Putin - người đã đưa ra phản ứng khá thận trọng sau khi vụ việc xảy ra - nhưng hiện tại có vẻ như các bước đi tiếp theo của Nga sẽ hạn chế đáng kể quyền tự do hành động của Israel ở Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hôm 24/9 thông báo, Nga sẽ cung cấp cho Syria hệ thống tên lửa không đối không S-300. Bên cạnh đó, Moscow cũng kích hoạt các vũ khí tác chiến điện tử nhằm ngăn chặn hệ thống theo dõi vệ tinh dọc theo bờ biển của Syria, khiến Israel khó tiến hành các cuộc không kích.
Nga cũng sẽ trang bị các vũ khí chống máy bay cho Syria với các hệ thống theo dõi và dẫn đường của Nga để ngăn chặn những rủi ro trong đó Syria có thể bắn nhầm máy bay nước này.
Bình luận về vấn đề này, tờ Haaretz cho rằng, động thái chuyển giao tên lửa S-300 sang Syria, cùng với các hệ thống tiên tiến hơn (như S-400) mà người Nga đang triển khai gần căn cứ của mình ở phía tây bắc Syria, không hẳn sẽ tạo thành một rào cản chặn lại hoàn toàn các cuộc tấn công của Israel.
Theo các phương tiện truyền thông nước ngoài, Không quân Israel đã được huấn luyện với các nhiệm vụ đối mặt với hệ thống S-300 mà Hy Lạp đang sở hữu. Đây được coi là lý do hợp lý để giả định rằng lực lượng không quân nước này có thể tìm ra cách để thoát khỏi hệ thống của Nga một khi giáp mặt thực tế.
Tuy nhiên, với động thái tăng cường khả năng phòng thủ của Syria, các cuộc tấn công của Israel giờ đây có thể sẽ phải hạn chế lại, thậm chí là tìm một hướng đi khác nhằm tránh rủi ro.
Vào tháng 4 vừa qua, sau khi Mỹ tiến hành không kích và đi kèm với một số cuộc tấn công của Israel, Moscow thông báo rằng họ sẽ bán hệ thống S-300 cho Syria, nhưng cuối cùng không có thỏa thuận nào được đưa ra.
Lần này người Nga dường như quyết tâm hơn để tăng cường khả năng phòng thủ cho đồng minh, mặc dù có nhiều người hoài nghi rằng S-300 sẽ khó giao hàng sớm trong hai tuần tới theo cam kết của ông Shoigu, và có thể người Syria sẽ phải mất thêm khoảng thời gian nữa để học cách vận hành.
Những tình huống thử thách quan hệ giữa Israel và Nga chắc chắn sẽ sớm xuất hiện khi một thông tin tình báo mới đây đã báo cáo về nỗ lực của Iran nhằm chuyển vũ khí vào Lebanon trên một tuyến đường gần các căn cứ của Nga ở tây bắc Syria.
Với việc Iran quyết tâm tiếp tục giao vũ khí cho Hezbollah, trong khi Israel luôn khăng khăng đòi quyền tấn công các đợt giao vận như vậy, Tel Aviv sẽ phải đối mặt với tình huống khó xử.
Liệu nước này sẽ tấn công một lần nữa vào các mục tiêu nằm gần vị trí của người Nga ở Syria và có nguy cơ làm trầm trọng thêm khủng hoảng hay không? Hay thậm chí là cố tình liều lĩnh để đối mặt với nguy cơ máy bay của mình bị bắn hạ?
Động thái của Nga mang ý nghĩa gì?
Thông báo của Nga về quyết định cung cấp S-300 và báo cáo về nguyên nhân máy bay Il-20 bị bắn nhầm hôm 23/9 đã nhấn mạnh một điều: Moscow không thể buộc tội thủ phạm chính chịu trách nhiệm về vụ việc - đồng minh của mình, chính quyền Assad. (Trên thực tế, không có bất kỳ lời quy trách nhiệm nào cho lực lượng phòng không Syria trong tuyên bố chính thức của bộ Quốc phòng nước này).
Do đó, có một thực tế rõ ràng ngay từ đầu mà Nga hướng tới là đẩy trách nhiệm về phía Israel.
Một điều đáng thú vị khác là tất cả mọi lời đổ lỗi đều hướng vào quân đội Israel, những người mà Nga cáo buộc là không chuyên nghiệp hoặc "cẩu thả". Lãnh đạo chính trị của Israel không hề được đề cập, ngoại trừ một tuyên bố chung về việc chính sách của Israel ở Syria là nguy hiểm.
Cuộc điều tra của Nga cùng những lời cáo buộc cho đến lúc này vẫn chưa thực sự làm sáng tỏ vụ việc. Theo các phi công Israel giàu kinh nghiệm, cáo buộc của Nga về việc Israel cố tình nấp sau máy bay trinh sát của Nga là không hợp lý và không phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, với việc Nga-Israel đã có các hoạt động phối hợp quân sự thành công trong ba năm nay, trong đó có hàng trăm cuộc tấn công của Israel đã diễn ra, thật khó để tin rằng hai bên có thể xảy ra sai lầm cơ bản như vậy.
Tuy nhiên, tờ Haaretz cho rằng, tất cả những điều trên không quan trọng. Moscow đã không bỏ lỡ cơ hội mà mình có thể khai thác lợi ích trong vụ việc máy bay bị bắn nhầm. Có vẻ như Tổng thống Putin đã chờ đợi một sai lầm của Israel để đưa Tel Aviv vào tròng và buộc nước này phải chơi theo luật của mình.
Đây không phải là kết thúc cho kỷ nguyên hoạt động quân sự tự do của Israel tại Syria, nơi nước này đã tiến hành hàng trăm vụ tấn công ở miền Bắc trong sáu năm qua. Nhưng hiện tại, có vẻ như tình hình đang không thực sự khả quan cho Israel.
Israel đã hoạt động tự do ở miền Bắc Syria trong nhiều năm nhờ quan hệ ngoại giao tốt với người Nga. Về cơ bản, nhờ vào hành động khôn ngoan của mình, Israel đã đạt được nhiều mục tiêu đáng kể.
Nhưng trong những tháng gần đây, Israel đã thể hiện sự tự tin quá mức ở Syria. Người Nga chắc chắn sẽ khó có thể hài lòng với thông báo của quân đội Israel trong tháng này về việc họ đã tiến hành hơn 200 vụ tấn công tại Syria kể từ đầu năm ngoái.
Dường như Tel Aviv đã không nắm bắt đầy đủ tầm ảnh hưởng lớn của chính quyền Assad hiện tại, với sự giúp đỡ của người Nga, đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước, bao gồm cả khu vực giáp Israel.
Israel không phải là siêu cường và không phải là thế lực bất khả chiến bại. Nước này sẽ phải tính đến những cân nhắc của Nga và thậm chí có thể sẽ phải thay đổi mô hình tấn công của mình.