Hãng truyền thông Versia.ru của Nga đưa tin, các chuyên gia Nga lo ngại rằng việc giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến các công nghệ quân sự của Nga bị rò rỉ sang phương Tây.
Theo đó, nhà sản xuất Nga đang cố gắng bảo vệ các công nghệ của mình bằng cách giữ lại tài liệu về dữ liệu sản xuất trong quá trình chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này không thể truy cập vào các hệ thống S-400. Hơn nữa, thỏa thuận quy định rằng Thổ Nhĩ Kỳ không được tháo rời hoặc sửa đổi các tổ hợp.
Tuy nhiên, Versia.ru cũng cảnh báo về những sự kiện trong quá khứ đã chứng minh rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẵn sàng chuyển từ bạn sang thù đối với Nga.
Nói với Versia.ru, Giám đốc Trung tâm Dự báo Quân sự Anatoly Tsyganok cho rằng, sau khi giao S-400 cho một quốc gia NATO như Thổ Nhĩ Kỳ, điều này có nguy cơ khiến Mỹ phát hiện ra các bí mật về hệ thống phòng không của Nga và gây nguy hiểm cho năng lực phòng thủ của chính Nga sau này.
Vì sao Nga vội vàng chuyển S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ?
Nga đã bắt đầu chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với Moscow, đây là một sự kiện quan trọng và là biểu tượng chiến thắng ngoại giao. Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhìn thấy những yếu tố hoài nghi trong thương vụ này.
Trong đó, có các câu hỏi đáng lưu ý nhất được đặt ra đó là: Các cuộc đàm phán bán S-400 đã mất đến vài năm, nhưng tại sao chúng lại được nhanh chóng chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng máy bay?
Các điều kiện về cách thức Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng hệ thống tại sao không rõ ràng, mặc dù chúng có thể đe dọa trực tiếp máy bay Nga ở Syria? Và quan trọng nhất là, bí mật quân sự-kỹ thuật Nga liệu có bị rò rỉ?
Các tổ hợp S-400 đầu tiên được Nga giao cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng máy bay, mặc dù ban đầu người ta cho rằng thiết bị hạng nặng như vậy nên được vận chuyển bằng đường biển thì sẽ rẻ hơn.
Tuy nhiên, lựa chọn đắt nhất đã được đưa ra. Nga quyết định sử dụng máy bay An-124 'Ruslan' để vận chuyển - loại máy bay duy nhất trên thế giới có khả năng chở hàng hóa cồng kềnh và quá khổ như vậy.
Có đáng để Nga phải vội vàng như vậy hay không? Giám đốc Trung tâm Dự báo Quân sự Anatoly Tsyganok cho rằng, điều này là có lý do.
"Công chúng có thể nhớ lại câu chuyện về việc vận chuyển hệ thống phòng không S-300 tới đảo Síp vào năm 1996. Chúng được vận chuyển bằng tàu đổ bộ lớn. Tuy nhiên, khi đang vận chuyển trên biển, Mỹ, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia có tranh cãi lãnh thổ với Síp, phản đối việc thực hiện hợp đồng. Kết quả là thỏa thuận này sau đó đã gặp nhiều vướng mắc”, ông nhấn mạnh.
"Một câu chuyện khác xảy ra với việc giao S-400 cho Trung Quốc gần đây. Vào tháng 1/2018, một con tàu chở các thành phần của hệ thống này đã rời khỏi Leningrad và bị cuốn vào một cơn bão ở khu vực La Manche; Một phần thiết bị đã bị hư hại nghiêm trọng. Để tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng, Nga phải sản xuất lại các tên lửa để giao cho khách mua. Có vẻ như Moscow quyết định không chấp nhận rủi ro trong thương vụ mới nhất”, chuyên gia Tsyganok cho hay.
S-400 có thể rơi vào tay Mỹ
Với việc chuyển giao bằng máy bay, Moscow có thể hoàn toàn đạt được những gì mình muốn mà không sợ gặp phải những rủi ro khách quan.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra lo ngại, gọi hợp đồng này là một thỏa thuận đáng ngờ nhất liên quan đến việc giữ bí mật về công nghệ, kỹ thuật.
Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ muốn có S-400 mà còn muốn có cả công nghệ về sau này. Điều này rất quan trọng vì tổ hợp công nghiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn độc lập phát triển vũ khí hiện đại và muốn giảm thiểu sự phụ thuộc vũ khí ở thị trường nước ngoài.
Các nhà sản xuất Nga cho biết, không có tài liệu nào về dữ liệu sản xuất được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó Ankara, hay xa hơn là người Mỹ, sẽ không thể truy cập vào các hệ thống S-400.
Trong trường hợp ai đó cố gắng vượt qua hàng rào mật khẩu hoặc hack vào hệ thống, S-400 sẽ tự động hủy toàn bộ dữ liệu. Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ không có quyền tháo rời các tổ hợp và sửa đổi chúng. Điều này sẽ đảm bảo rằng các hệ thống S-400 của Nga được bảo vệ một cách đáng tin cậy đối với bất kỳ hành vi sao chép nào.
Ngoài ra, việc bảo trì vũ khí cũng sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia Nga, những người có thể bảo đảm các con tem sản xuất đi kèm không bị xâm phạm.
Không chỉ vậy, mỗi bộ phận của S-400 đều có các cảm biến đặc biệt truyền tín hiệu đến kênh liên lạc quân sự vệ tinh nếu có ai đó tiến hành mổ xẻ trái phép.
Ngay cả khi khách hàng cố tình đặt tổ hợp vào trong một nhà chứa đặc biệt để cản trở việc truyền tín hiệu, tất cả các bộ phận S-400 sẽ bị khóa ngay lập tức. Cùng với đó, để đảm bảo độ tin cậy, các hệ thống đều được trang bị hệ thống nhận dạng “bạn-thù”.
"Tất cả điều này chắc chắn mang đến sự yên tâm. Tuy nhiên, những sự kiện đây cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có thể đột ngột chuyển từ bạn sang kẻ thù với Moscow”, chuyên gia Tsyganok nhấn mạnh.
“Và không có gì đảm bảo rằng sau những tranh cãi với Nga trong tương lai, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng. S-400 rất có thể sẽ rơi vào tay người Mỹ, quốc gia vốn được trang bị rất tốt để xâm nhập hệ thống máy tính. Do đó, NATO có thể truy cập vào các công nghệ bí mật của Nga và học cách chống lại vũ khí này”.
Việc bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ là cơ hội kiếm lợi nhuận và quảng cáo có một không hai cho vũ khí Nga, một minh chứng rằng ngay cả các nước NATO cũng phải khao khát hệ thống của Moscow.
Nhưng có một nhược điểm rõ ràng là nguy cơ rò rỉ thông tin. Sau khi S-400 được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ, nguy cơ phát sinh là nhân viên kỹ thuật của Mỹ có thể tiếp cận các tổ hợp này.
Mặc dù các phiên bản xuất khẩu của S-400 đã được tiết giảm nhiều công nghệ, nhưng về cơ bản các nước NATO vẫn có thể nhận được những thông tin hữu ích.
Các nước này cũng sẽ có cơ hội thực hiện các chiến thuật chống lại S-400 trong các cuộc tập trận chung. Ngoài ra, nếu S-400 triển khai ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, về mặt lý thuyết có thể gây nguy hiểm cho máy bay Nga.