Thổ Nhĩ Kỳ vừa có động thái thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất trong tuần này, đưa tranh cãi với Mỹ lên đến đỉnh điểm.
Washington từ lâu đã lập luận rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga có thể tạo điều kiện cho Moscow có được thông tin tình báo về các máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất, vốn được bán cho các nước đồng minh và thành viên NATO.
Trong khi một số chuyên gia cho rằng sự phản đối của Washington đối với thương vụ chỉ đơn thuần là vấn đề lợi ích chính trị và tài chính, Mỹ lại một mực cho rằng có vấn đề liên quan đến an ninh.
Vậy việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu đồng thời cả S-400 và F-35 có thực sự là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ và các nước NATO khác hay không?
Chuyên gia Owen LeGrone từ Diễn đàn Buôn bán Vũ khí, một diễn đàn thảo luận về các khía cạnh nhân văn và kinh tế của việc bán vũ khí, cho rằng Washington có quyền lo lắng về điều này.
Hai hệ thống vũ khí được thiết kế cùng thời điểm vào đầu những năm 2000 và "có thể được coi là thù địch tự nhiên", LeGrone nói với Middle East Eye.
"S-400 rõ ràng được thiết kế để có thể tiêu diệt máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hiện đại của Mỹ như F-35", nhân vật này cho biết.
Đồng thời, chương trình F-35 có một bộ hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến được chế tạo để vượt mặt các radar phòng không của Nga, LeGrone nói thêm.
Với chi phí hơn một nghìn tỷ USD để phát triển, F-35 được coi là hệ thống vũ khí quân sự đắt nhất trong lịch sử.
S-400 thu thập dữ liệu như thế nào?
Hệ thống S-400 có thể sử dụng radar để theo dõi, ghi lại và phân tích cách thức bay của các máy bay trên không, NR Jenzen-Jones, giám đốc Dịch vụ Nghiên cứu Vũ khí, một tổ chức theo dõi vũ khí toàn cầu cho biết.
Jenzen cho biết, khi có đủ thời gian hoạt động cùng với tiêm kích tàng hình F-35, S-400 sẽ có thể ghi lại các khuôn mẫu và học cách phân tích các bộ dữ liệu của nó. Việc thu thập dữ liệu như vậy có thể cho phép S-400 xác định mục tiêu F-35 trên radar và phát hiện các máy bay chiến đấu Mỹ ngày càng dễ dàng hơn.
"Tạo ra một khối lượng dữ liệu lớn bằng cách đánh giá càng nhiều hoán vị khác nhau của một kịch bản là rất quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống phòng không”, Jenzen nói thêm.
Thỏa thuận mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đi kèm với hợp đồng 5 năm hỗ trợ kỹ thuật từ Nga. Do đó, Moscow có thể cử các chuyên gia đến giúp đào tạo và bảo trì.
"Điều này có thể cung cấp cho các nhà hoạt động tình báo Nga quyền truy cập dễ dàng hơn vào dữ liệu liên quan trong mạng lưới phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả dữ liệu trên máy bay", Jenzen nói.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã hành động rất ít để công khai xóa tan mối lo ngại này.
Ảnh hưởng với NATO?
F-35 vẫn là mẫu tiêm kích tương đối mới và ít kinh nghiệm chiến trường.
Vào tháng 5/2018, Israel trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng F-35 trong chiến đấu. Israel cho biết vào thời điểm đó, những chiếc F-35 của họ đã bay "khắp Trung Đông" và đã thực hiện một số cuộc tấn công, có thể là ở Syria.
Vào tháng 6, Vương quốc Anh cũng xác nhận thực hiện các nhiệm vụ F-35 đầu tiên tại Syria và Iraq như một phần của các hoạt động chống lại khủng bố IS.
Do một số tổ hợp S-400 được cho là đã thiết lập ở Syria vào thời điểm đó, hệ thống Nga dường như đã bắt đầu thu thập dữ liệu về năng lực của F-35.
Tuy nhiên, Jenzen nói rằng các cuộc chạm trán giữa hai hệ thống trong kịch bản như vậy ở Syria sẽ chỉ thu thập được một phần dữ liệu so với việc cả hai vũ khí hoạt động song song ở Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian dài.
"Nó giống như thể tôi chụp một bức ảnh độ phân giải thấp về một thứ gì đó và yêu cầu bạn xây dựng lại nó so với việc scan lại ảnh 3-D với vật thể đang tồn tại; có sự khác biệt rất lớn về số lượng và chất lượng dữ liệu được thu thập", Jenzen nói.
Ông nói thêm rằng S-400 cũng có thể là mối đe dọa đối với các hệ thống khác của NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ - với tư cách là thành viên của liên minh - đang sử dụng.
Trò chơi chính trị
Mặc dù sự phản đối của Mỹ đối với thương vụ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là có lý do an ninh thực sự, nhưng bên cạnh đó vẫn là các tính toán chính trị, Frank Slijper, lãnh đạo dự án của Arms Trade at Pax, một nhóm phi lợi nhuận vì hòa bình có trụ sở tại Hà Lan, cho biết.
"Bất kể tất cả những cân nhắc kỹ thuật đó, toàn bộ cuộc đụng độ với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề S-400 cũng xoay quanh lý do Mỹ sử dụng liên minh NATO làm phương tiện bán vũ khí cho các quốc gia thành viên và tức giận nếu họ đi theo nguồn cung vũ khí khác", Slijper nói .
Mỹ với lực lượng quân sự lớn nhất thế giới đang nắm trong tay khoảng 36% doanh số bán vũ khí của thế giới, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).
Mỹ bán vũ khí cho ít nhất 98 quốc gia và các khách hàng lớn nhất chính là thành viên NATO.
Năm ngoái, Nga đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu vũ khí chiếm 9,5% doanh số bán hàng toàn cầu, theo SIPRI.
Nga đã nỗ lực nghiêm túc để thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của mình, đưa ra các thỏa thuận cạnh tranh đối với các vũ khí tân tiến, bao gồm cả S-400.
Trung Quốc đã mua S-400 và Moscow đang tiến hành mời chào Ấn Độ, Saudi Arabia, Qatar và Iran, cùng nhiều quốc gia khác. Nga cũng tuyên bố sẽ mở bán hệ thống phòng thủ cho Mỹ.
Nhưng theo Đạo luật chống đối thủ thông qua trừng phạt của Mỹ (CAATSA) năm 2017, các quốc gia có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ vì tham gia vào các thỏa thuận vũ khí với Nga.
Năm ngoái, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt với Trung Quốc do mua hệ thống S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 do Nga sản xuất. Gần đây nhất, Ai Cập cũng đã mua Su-35 từ Nga, khiến bộ Ngoại giao Mỹ đe dọa sẽ không nương tay với đồng minh thân thiết.
Quốc hội Mỹ cũng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ bằng các biện pháp trừng phạt dựa trên CAATSA.
Theo Slijper: "CAATSA không chỉ là các lệnh trừng phạt chống lại Nga, mà còn là một công cụ hữu ích để ngăn chặn sự cạnh tranh của Nga trong thị trường mua bán vũ khí".