Vũ khí Nga dường như đang trở thành công cụ trong các chiến thuật đe dọa mà cả hai phía Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp áp dụng. Đây là kết luận mà giới quan sát rút ra khi xem xét những thông tin trên truyền thông hai nước trong vài tuần qua.
Hai đối thủ – vốn đều bị coi là gây ra sự phá vỡ đoàn kết của NATO bằng cách mua vũ khí Nga - đang đưa ra những lời đe dọa chiến tranh trong những tranh cãi hàng hải ở phía Đông Địa Trung Hải.
Đại diện tiêu biểu cho vũ khí Nga ở đây là Hy Lạp có hệ thống phòng không S-300 và Thổ Nhĩ Kỳ có hệ thống phòng không S-400. Theo Al-Monitor, có lẽ Nga phải cảm thấy tự hào khi nước này bằng cách nào đó vẫn có ảnh hưởng gián tiếp đến cuộc đối đầu Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp.
Nga đi đâu cũng có phần?
Vào giữa tháng 9, truyền thông Hy Lạp đưa tin nước này đang tổ chức các cuộc đàm phán với Moscow về việc nâng cấp hệ thống phòng không S-300PMU-1 thành phiên bản S-300PMU-2 Favorit.
Những ngày này, báo chí Hy Lạp cũng viết rằng Athens có thể tổ chức các cuộc tập trận đầu tiên sau 15 năm với S-300 trên đảo Crete. Mặc dù các quan chức vẫn chưa xác nhận những tin đồn đó, nhưng thời điểm thông tin được đưa ra ngay khi tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên nóng hơn đã khiến công chúng lưu ý. Động thái này cho thấy rằng, những tin đồn có thể cố tình rò rỉ để gửi thông điệp tới Ankara.
Rõ ràng, lý do Hy Lạp cân nhắc tổ chức tập trận là do mối đe dọa từ hoạt động tìm kiếm dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng cuộc tập trận của Hy Lạp có thể là đòn đáp trả cho các cuộc thử nghiệm gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ với S-400.
Với bối cảnh trên, Hy Lạp có thể tăng cường các liên lạc về hợp tác vũ khí với Nga. Điều này được cho là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì lợi ích trong đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp sẵn sàng làm ăn với Moscow dẫu cho có thể làm mích lòng phương Tây.
Minh chứng rõ ràng nhất là vào năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos thông báo Hy Lạp đang đàm phán với Nga về việc mua tên lửa mới cho S-300 và phục vụ các hệ thống phòng không hiện có được triển khai đến quốc gia Địa Trung Hải, bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine đang âm ỉ và các lệnh trừng phạt mới áp đặt của phương Tây đối với Moscow.
Vào thời điểm đó, Hy Lạp là quốc gia duy nhất triển khai đồng thời tên lửa đánh chặn Patriot PAC-2 của Mỹ cùng với S-300PMU của Nga, tất cả được tích hợp vào một mạng lưới. Ngoài ra, Hy Lạp cũng có hai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn do Liên Xô sản xuất là Osa-AKM và Tor-M1.
Khó nghĩ
Về lý thuyết, Moscow có thể quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận với Hy Lạp trong nâng cấp S-300. Điều này sẽ cho phép Nga tăng thêm cổ phần trong cuộc chơi với Thổ Nhĩ Kỳ tại đấu trường Trung Đông, cũng như trong bối cảnh xung đột Nagorno-Karabakh đang diễn ra.
Mặc dù có giọng điệu ôn hòa trước công chúng, nhưng Moscow rõ ràng không hài lòng với hoạt động của Ankara ở Nam Caucasus. Bên cạnh đó, Tổng thống Síp Nicos Anastasiades chính thức yêu cầu nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin can thiệp vào tranh cãi Địa Trung Hải và can ngăn Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế của Síp.
Tuy nhiên, nếu đi theo yêu cầu của Hy Lạp, Moscow nhận thấy mình đang ở một vị thế khó quyết. Vấn đề phức tạp là bởi Síp, Hy Lạp và Israel đang xúc tiến dự án đường ống EastMed, một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với dự án đường ống Turkish Stream do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác.
Các chuyên gia Nga tỏ ra thận trọng khi phản ánh viễn cảnh thay đổi trong quan hệ Moscow-Athens. Nhà báo Nga Igor Subbotin nói với Al-Monitor rằng, mặc dù Nga không có chiến lược dứt khoát đối với Hy Lạp, nhưng nước này sẽ khó bỏ lỡ cơ hội nâng cao ảnh hưởng của mình trong bối cảnh mâu thuẫn gia tăng giữa một bên là các thế lực ở Địa Trung Hải và một bên là Mỹ.
Síp gần đây từ chối thông qua các lệnh trừng phạt đối với Belarus trừ khi Liên minh châu Âu cứng rắn lập trường trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được coi là bằng chứng mới nhất cho thấy Điện Kremlin có khả năng khai thác các cuộc tranh cãi ở phương Tây để khẳng định ảnh hưởng của mình.
Căng thẳng ở Địa Trung Hải có thể làm tăng thêm lợi ích của Nga. Trước hết, những căng thẳng đó làm tăng rủi ro thương mại liên quan đến các dự án khí đốt cạnh tranh với các dự án đường ống do Nga hậu thuẫn.
Thứ hai, căng thẳng khiến Mỹ và NATO phải trả giá, khiến họ không muốn tiến hành một chính sách cứng rắn hơn chống lại Nga ở khu vực Biển Đen và Syria.