Sabeco tăng trưởng nhờ Vũ Quang Hải hay nhờ người Việt?

Sabeco tăng trưởng nhờ Vũ Quang Hải hay nhờ người Việt?

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 6, 30/12/2016 14:50

Trước khi Bộ Công thương thông báo thu hồi hàng loạt quyết định bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải tại Sabeco, vị lãnh đạo trẻ này đã kịp viết đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT.

Ngày 28/12, Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định thu hồi việc bổ nhiệm không đúng quy định hàng loạt nhân sự, căn cứ theo Thông báo số 138 ngày 27/10 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương và ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Trong đó, hai nhân sự nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận thời gian vừa qua tại Tổng công ty CP Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn ( Sabeco) là ông Vũ Quang Hải – con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và ông Võ Thanh Hà – từng là thư ký của nguyên Bộ trưởng Hoàng. Đây là lần đầu tiên Bộ Công thương thu hồi hàng loạt quyết định bổ nhiệm sau một thời gian dài khẳng định các quyết định đó đều “đúng quy trình”. 

Cụ thể, đối với trường hợp ông Võ Thanh Hà (sinh năm 1974), từng được nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, nay Bộ thu hồi quyết định này.

Đối với trường hợp ông Vũ Quang Hải, Bộ Công thương thu hồi Quyết định bổ nhiệm Kiểm soát viên kiêm nhiệm tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - Vinataba; Quyết định bổ nhiệm Hàm Phó Vụ trưởng; Quyết định đồng ý điều động ông Vũ Quang Hải đến nhận công tác tại Sabeco và đề cử tham gia Hội đồng quản trị Sabeco.

Đồng thời, Bộ giao bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco báo cáo Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông Sabeco xem xét miễn nhiệm theo trình tự luật định các chức danh Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Sabeco của ông Vũ Quang Hải.

Đầu tư - Sabeco tăng trưởng nhờ Vũ Quang Hải hay nhờ người Việt?

Ông Vũ Quang Hải chia sẻ về việc gửi đơn từ nhiệm ngay trước khi có quyết định thu hồi của Bộ Công thương: "Tôi xin rút thì ít nhất cũng phải ngẩng cao đầu". 

Ngay trước khi có quyết định “truất quyền” của Bộ Công thương, ông Vũ Quang Hải cũng đã kịp có đơn xin rút khỏi HĐQT Sabeco và đăng đàn tự hào về những thành tích đã đóng góp tại đây tuy nhiên không hề nói đến các vị trí lãnh đạo khác trong ban điều hành doanh nghiệp nghìn tỷ này do ông Hải kiêm nhiệm.

Ông Vũ Quang Hải cho hay: "Tôi đã có ý định xin rút từ trước, nhưng thời điểm này mới nộp đơn, vì tôi muốn chứng minh, mình là người làm được việc chứ không phải là con ông nọ ông kia".

Theo lời ông Hải, "kế hoạch năm 2016 của Sabeco đã hoàn thành, các công việc cần làm thuộc trách nhiệm của tôi cũng đã xong. Tới thời điểm này, Sabeco đã lên sàn và cổ phiếu SAB đã trở thành một trong những cổ phiếu được săn đón nhất những ngày cuối năm. Sabeco cũng sắp có một năm lịch sử khi lãi kỷ lục, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tôi xin rút thì ít nhất cũng phải ngẩng cao đầu".

Tuy nhiên, nếu nhìn về mặt kinh tế thị trường, những thành tích mà Sabeco đạt được trong thời gian qua lại nhờ thói quen tập tục của người Việt, nhờ những bợm nhậu trong các quán bình dân, nhờ những nam thanh nữ tú mượn rượu bia gắn kết mỗi khi gặp mặt… hơn là nhờ vị lãnh đạo trẻ “tài năng xuất chúng” làm sếp lớn doanh nghiệp nghìn tỷ khi mới 28 tuổi.

Trong một hội thảo do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) tổ chức hồi đầu tuần, cơ quan này cho biết: “Sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động, xét trên bình diện lượng cồn nguyên chất tiêu thụ hàng năm, Việt Nam đứng thứ hai trong số 11 quốc gia khu vực Đông - Nam Á, đứng thứ 10 trong số 57 quốc gia châu Á và đứng thứ 29 trong số 192 quốc gia thuộc Liên hợp quốc”.

Sản lượng rượu, bia được sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng, trong giai đoạn 2020 - 2015, sản lượng tiêu thụ bia đã tăng khá mạnh, từ mức 2.336 triệu lít bia năm 2010 lên 3.627 triệu lít năm 2015. Trong đó, các phân khúc từ giá rẻ cho tới cao cấp đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trên 50%.

Kết quả nghiên cứu của Canadean - công ty khảo sát thị trường bia hàng đầu thế giới, cho thấy thị trường bia của Việt Nam có mức tăng trưởng kép hàng năm trong 10 năm qua là 6,4% và 5 năm qua là 5,7%. Bia cũng là thức uống chiếm đến 94% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở Việt Nam.

Điều không thể phủ nhận là Sabeco có thị phần lớn nhất trên thị trường tiêu thụ bia đầy tiềm năng của Việt Nam nhờ hệ thống nhà máy, đại lý phân phối - mạng lưới này được hình thành từ vài thập kỷ trước khi vị phó Tống giám đốc 30 tuổi tham gia ban lãnh đạo Sabeco mới được ba năm.

Không chỉ có Sabeco ghi nhận mức tăng trưởng cao trong giai đoạn 2010- 2015 và đặc biệt là năm 2016 mà các thương hiệu bia khác như Habeco, Heineken, Carlsberg… cũng đều có thể vỗ ngực tự hào vì sản lượng sản xuất thời gian qua.

Về kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán sau 8 năm cổ phần hóa, điều này cũng cần phải hiểu rõ khi kế hoạch do HĐQT Sabeco đề ra từ đầu năm không hề nhắc đến việc này. Cho đến khi có yêu cầu của Thủ tướng và chỉ đạo của Chính phủ, sức ép từ nhà đầu tư liên tục từ hồi giữa năm 2016 nên Sabeco mới chịu niêm yết. Nếu cổ phiếu Sabeco có màn chào sân ấn tượng với hàng chục phiên tăng trần liên tiếp, giá trị cổ phiếu tăng lên mức hơn 200.000 đồng/đơn vị thì Habeco cũng không hề kém cạnh mặc dù có thể nói quy mô của Sabeco nhỉnh hơn rất nhiều.

Một vài dẫn chứng trên nêu ra để thấy, với cách nói của ông Vũ Quang Hải trước khi chính thức rời khỏi ghế HĐQT Sabeco về vai trò của mình tại doanh nghiệp này có phần còn chưa được thỏa đáng.

Hoa Liên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.