Theo thông tin trên An ninh Thủ đô, bài thuốc dùng lá đu đủ để điều trị ung thư được dịch từ một bài báo nước ngoài nói về một người Úc tên Stan Sheldon bị bệnh ung thư phổi trầm trọng (năm 1962). Các bác sĩ kết luận ông không thể sống được nữa nhưng ông đã được một thổ dân Australia tiết lộ phương thuốc cổ truyền của họ là dùng lá đu đủ sắc nước uống. Ông Stan Sheldon uống liên tục trong 2 tháng thì phổi trong trở lại, sức khỏe bình phục. Sau đó ông đã chỉ cách chữa cho 16 người mắc một số bệnh ung thư khác nhau và họ đã khỏi hoàn toàn. Thông tin về bài thuốc này lan truyền đến Việt Nam nhưng sau đó nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Tuy nhiên, thời gian qua trên mạng xã hội nhiều bệnh nhân ung thư truyền tai nhau kinh nghiệm sắc lá đu đủ uống để ngăn chặn khối u ác tính, chuyên gia của Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K T.Ư (Hà Nội) đã đưa ra khuyến cáo về việc này.
Theo Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện K T.Ư), toàn thân cây đu đủ đều có thể sử dụng được để làm thực phẩm hoặc thuốc, mỹ phẩm. Lá của đu đủ chứa nhiều vitamin tan trong chất béo (A, D, E và K); vitamin B và C; các khoáng chất như sắt, natri và magiê. Một số nơi dùng lá đu đủ để làm rau hoặc để làm một số bài thuốc điều trị sốt trong các bệnh lý sốt xuất huyết, sốt rét, chikungunya.
Về việc nhiều người mắc ung thư sử dụng lá đu đủ để hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh, thông tin từ các bác sĩ thuộc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng cho hay: Đến nay, tác dụng chống ung thư của dịch chiết lá đu đủ mới được ghi nhận trong ống nghiệm và trên chuột. Một số loại tế bào ung thư nhạy cảm với dịch chiết lá đu đủ trong ống nghiệm là tế bào ung thư tiền liệt tuyến, gan, cổ tử cung, phổi, tụy, vú…
Theo nghiên cứu, dịch chiết lá đu đủ làm giảm tính di căn của ung thư như: giảm sự kết dính, di chuyển và xâm lấn bằng cách giảm chất nền ngoại bào - chất hoạt động như chất hấp dẫn hóa trị để kết dính và di chuyển tế bào. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn hạn chế và tác dụng mới được ghi nhận trên số ít tế bào ung thư nên cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để khẳng định tác dụng của lá đu đủ.
Một số nghiên cứu trên lâm sàng sử dụng dịch chiết (dạng viên nang) của lá đu đủ cho bệnh nhân đang điều trị hóa chất bị giảm tiểu cầu cho thấy, chúng giúp làm tăng tiểu cầu và cải thiện các chỉ số về đông máu trên nhóm bệnh nhân này. Dịch chiết của lá đu đủ có thể dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với một loại thảo dược khác với liều lượng dao động từ 580 - 2.200 mg/ngày, thời gian sử dụng từ 5 - 10 ngày.
Cơ chế tác động được cho là qua hoạt động biểu hiện gien. Carpaine trong chiết xuất lá đu đủ làm tăng hoạt động của một số gien, bao gồm cả thụ thể yếu tố kích hoạt tiểu cầu (PTAFR) và gien arachidonate 12-lipoxygenase (ALOX-12), làm tăng biểu hiện thụ thể CD110 trên tế bào megakaryocyte. Từ đó kích thích tủy xương sản xuất nhiều megakaryocyte hơn. Những tế bào megakaryocytes khi trưởng thành sẽ vỡ ra thành tiểu cầu. Ngoài ra các hợp chất flavonoid, chất chống ô xy hóa như vitamin C, beta caroten trong lá đu đủ cũng giúp bảo vệ tế bào, hạn chế tan máu và chảy máu.
Nói chung, đến nay chưa đủ bằng chứng khoa học để khẳng định tác dụng chống ung thư của lá đu đủ trên cơ thể người cũng như liều lượng, độc tính trên người. Dịch chiết lá đu đủ có thể có hiệu quả trên nhóm bệnh nhân bị giảm tiểu cầu do điều trị hóa chất, nhưng mới chỉ là nghiên cứu ban đầu.
Theo các bác sĩ, bệnh ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm vẫn có thể chữa khỏi bệnh, ở giai đoạn muộn giúp kéo dài sự sống. Nhưng nhiều người khi phát hiện ung thư lại không đi điều trị mà tự ở nhà uống nước lá đu đủ, thuốc Nam khiến bệnh nhân bỏ lỡ “thời gian vàng” khiến khối u phát triển nhanh hơn. Khi bị ung thư cần phải điều trị bằng các biện pháp tiên tiến đã được chứng minh, nếu muốn có thể dùng thêm thuốc Nam hoặc lá đu đủ để hỗ trợ nhưng cần có sự tư vấn của bác sĩ điều trị.
Bên cạnh đó, quan niệm sai lầm phổ biến trong chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư mà hầu hết bệnh nhân thắc mắc và thậm chí không nghe lời khuyên của thầy thuốc là kiêng ăn ở nhiều mức độ khác nhau, nhất là ăn thịt, rau, thậm chí quan niệm thịt, rau có màu đỏ là kiêng tuyệt đối vì ăn nhiều kích thích ung thư phát triển nhanh hoặc kiêng ăn thịt gà, trứng vịt lộn, rau dền, cà rốt...
Nhưng thực tế nhu cầu của người bệnh cũng như người thường cần năng lượng cho hoạt động của cơ thể, thậm chí cần nhiều hơn cho nhu cầu điều trị bệnh ung thư. Các tế bào ung thư phát triển ngoài tầm kiểm soát của cơ thể nên nó không phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng, nó chỉ phụ thuộc vào các chế độ điều trị đặc hiệu bệnh ung thư như phẫu thuật, tia xạ hoặc hóa chất... Một số bệnh nhân kiêng ăn toàn diện mà chuyển sang ăn gạo lứt là không nên vì chỉ ăn gạo lứt có thể gây thiếu dinh dưỡng. Một số trường hợp đã phải vào viện cấp cứu vì phương pháp trên, số khác lỡ mất cơ hội điều trị bệnh, sau một thời gian quay lại viện thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn, cơ may điều trị khỏi trở nên khó khăn hơn.
Bệnh nhân ung thư nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm; Ăn ít, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (5-6 bữa); chọn thức ăn hoặc thức uống giàu dưỡng chất dành cho người bệnh ung thư để đảm bảo dinh dưỡng và duy trì hoặc cải thiện cân nặng; uống đủ nước, khoảng 2-2,5 lít trong ngày; tập luyện cơ thể có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tình trạng mệt mỏi và chán nản rất thường gặp ở bệnh nhân ung thư, tránh tình trạng teo cơ.
Minh Hoa (t/h)