"Đà Lạt của Thanh Hóa"
Sài Khao, nơi mang vẻ đẹp nên thơ hoang dại và được nhiều người ví như "Đà Lạt của Thanh Hóa". Là một trong những bản cao nhất tỉnh, đứng trên đỉnh Sài Khao có thể phóng tầm mắt ra những núi non điệp trùng thơ mộng xung quanh. Vào những buổi sáng sớm sau cơn mưa, có thể thấy mây vờn trên những đỉnh núi mơ màng và tráng lệ đẹp đến mê hồn...
Ấn tượng nhất là sắc màu Sài Khao khi về đêm, nó mang một vẻ đẹp riêng mà không mảnh đất nào có. Tĩnh lặng và êm đềm với bầu trời mênh mông bất tận. Đến Sài Khao, nhói lòng trước những cảnh sinh hoạt vất vả của bà con, nhưng cũng là lúc ta lắng lòng, nhớ lại tuổi thơ xưa ở một miền quê nghèo nào đó. Bao quanh bản của người Mông là những nương ngô, xanh mát "bò" từ sườn đồi nọ sang quả núi kia, trải dài mãi ra dưới bầu trời sát sườn núi.
Ngay từ thời gian trước tết cổ truyền, đào rừng đã nở rộ quanh bản làng người Mông
Chúng tôi đặt chân đến bản Sài Khao trong không khí nhộn nhịp của những ngày cuối năm. Con đường ngoằn ngoèo đến Mường Lát chỉ rộng chừng 50cm, cheo leo bên sườn núi với một bên vách đá dựng đứng, một bên sườn dốc của dòng sông Mã dữ dội. Có những đoạn, con đường ấy mở rộng hơn một chút và trở nên nên thơ đến lạ lùng với hàng rào tre nứa che chắn những nương sắn, nương ngô, với bầu trời xanh thẳm ở trên cao và rừng tre xanh một màu xanh khỏe khoắn, tràn đầy sức sống trải ra đến bạt ngàn trước mắt...
Bản Sài Khao, xã Mường Lý có 70 hộ dân với 600 nhân khẩu người Mông gốc Sơn La di cư đến sống từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Họ định cư, sinh sống trên những quả đồi bát úp xinh xắn, mướt xanh, xây dựng bản trên quê hương mới. Họ học cách định canh định cư, biết trồng ngô lai, lúa nương chất lượng cao; rồi nuôi ngựa, trâu bò và gia cầm để mang ra phố huyện bán lấy tiền cho con ăn học. Dù là bản xa xôi nhất của xã Mường Lý, nhưng Sài Khao có 3 người học xong THPT và hàng chục em đang theo học các cấp học tại xã, huyện và tỉnh. Năm nay đồng bào Mông ở Sài Khao được mùa ngô, nhiều gia đình thu hoạch được cả chục tấn ngô hạt, nên chúng tôi phần nào cảm nhận được tết cổ truyền của họ sẽ đầm ấm hơn.
Anh Vàng A Sùng (23 tuổi, dân tộc Mông) - con trai của trưởng bản Vàng A Sỹ đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh bản. Trước đây, A Sùng học hết lớp 9, sau khi đi bộ đội về A Sùng giúp bố những công việc của trưởng bản, và tích cực tham gia công tác Đoàn. Nhiều chương trình, chủ trương của Đoàn - Hội mà A Sùng tiếp thu từ huyện, hoặc qua đài, tivi đều được anh triển khai nhanh chóng, hiệu quả xuống đến chi đoàn bản Sài Khao.
Đêm những ngày cuối năm ở Sài Khao lạnh thấu xương. Gió thổi ào ào hút qua khe cửa những ngôi nhà cheo leo trên đồi, núi. Vàng A Sùng vừa với tay cời đống lửa đỏ rực nơi góc bếp vừa cười nói: "Tết ở Sài Khao vui lắm, đồng bào Mông cùng ăn thịt, uống rượu chúc nhau năm mới. Nếu có cán bộ ở xa về thăm bà con thì vui lắm, còn có nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc mừng ngày tết nữa".
Trưởng bản Sài Khao Vàng A Sỹ chia sẻ: "Tết của người Mông chúng tôi tuy đơn sơ nhưng vẫn giữ được sắc màu cổ xưa"
Rộn ràng sắc màu tết Mông
Thời gian này, trên khắp các cánh rừng của huyện miền biên viễn Mường Lát - Thanh Hoá đã rực sắc đào. Đi sâu vào các bản làng nằm cheo leo trên những triền núi cao, có thể dễ dàng nhìn thấy những cây đào cổ thụ đang đua nhau bung nở khoe sắc thắm trong cái se se lạnh của tiết lập đông. Đặc biệt tại các xã như Mường Lý, Tén Tằn... giáp ranh với nước bạn Lào, đào nở thắm rừng.
Bản Sài Khao có diện tích tự nhiên 563 ha, trong đó đất canh tác 543 ha, chủ yếu là diện tích trồng ngô đồi. Vụ ngô thu vừa qua, năng suất đạt khoảng 27 tạ/ha, hơn hẳn mọi năm. Ngay cửa ngõ vào bản, bà con dân tộc Mông đang xoay ngô lấy hạt, đóng bao để bán cho thương lái vận chuyển về xuôi. Từ những sản phẩm này đã giúp bà con có nguồn thu nhập, đồng thời lại có nguồn thức ăn để phát triển chăn nuôi nên đàn gia súc của bản tăng nhanh. Các loại cây trồng, vật nuôi và các sản phẩm truyền thống của bà con tự thêu dệt, chế tạo như vải thổ cẩm, dao, liềm hái, cùng với các địa phương khác trong vùng đã tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa phong phú.
Kinh tế phát triển, đời sống người dân từng bước được nâng lên, nhiều hộ dân của bản Sài Khao có nhà cửa kiên cố, có xe máy đi lại, sự học cũng có nhiều bước tiến mới. Thông qua các lớp xóa mù do các chiến sĩ biên phòng tổ chức và giáo viên cắm bản nên ngày càng có nhiều người biết chữ và nói được tiếng phổ thông. Cùng với sự cố gắng của đồng bào các dân tộc nơi đây, sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, dự án về giao thông, nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ cây giống..., Sài Khao hôm nay đã có nhiều đổi thay.
Trưởng bản Sài Khao Vàng A Sỹ cười nói: "Trước đây, người Mông chúng tôi sống tản mát trên dãy núi Pha Luông, hay phá rừng, đốt nương, trồng cây thuốc phiện. Nhưng nay, nhờ sự quan tâm của cán bộ, chính quyền, bà con đã bỏ những tập tục làm ăn cũ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống ngày càng nâng cao, trẻ em được đến lớp để học cái chữ, người ốm được uống thuốc và khám chữa bệnh. Giờ đây Sài Khao tuy còn nghèo khó về cơ sở vật chất nhưng không còn cảnh đói ăn nữa. Tết về nhà nào cũng có chum rượu lớn để uống, có đủ lợn để mổ, đủ gà để ăn rồi...".
Tết của người Mông ở Sài Khao đơn sơ nhưng ấm cúng, đó còn là ngày sum họp của cả gia đình và nhiều con cháu trong dòng họ. Người lớn tuổi nhất trong nhà hô to lời cầu chúc tốt lành tới mọi người và cùng nhau uống rượu. Đêm đến, mọi người trong bản đến từng nhà chúc tết nhau. Nhà nào có khách cũng bày mâm rót rượu, có thể chỉ là những chén rượu ngô với đôi quả chuối xanh ngoài vườn, thế nhưng ai cũng vui, cũng thấy ấm áp hơn.
Rượu nhà ai cũng nhiều, nhưng khách phải quý lắm thì người Mông mới mời uống. Mà đã uống thì phải uống bằng bát, uống cho bằng hết rượu trong nhà thì thôi. Chủ nhà "chào cỗ" với khách bằng hai bát rượu, khách cũng phải đáp lễ bằng hai bát. Uống xong chủ khách mặt cười tươi rói, rồi bắt tay nhau, rồi lại uống tiếp. Uống cho say đến độ không biết gì nữa, rồi cả chủ lẫn khách ôm nhau nằm ngủ dưới sàn đất trải rơm. Khách quý của người Mông thì phải như thế. Tết của đồng bào vùng cao nơi đây còn gắn liền với nhiều hoạt động giao lưu bạn bè, ẩm thực, thú vị nhất là chợ tình, văn hóa đẹp của người Mông miền sơn cước nơi đây. Trời về chiều, sương mù bồng bềnh xà xuống, những nếp nhà trong bản, lẫn trong đám khói bảng lảng bốc lên từ những nóc nhà gỗ của người Mông. Cái lạnh khắc nghiệt của núi rừng không cản được bước chân của những chàng trai, cô gái đến với nhau mỗi dịp tết về.
Tết về sớm trên đỉnh Sài Khao Trưởng bản Vàng A Sỹ cho biết, ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, đào rừng ở các bản làng vùng sâu thuộc huyện biên giới Mường Lát (nơi giáp nước bạn Lào và tỉnh Sơn La) đã lác đác nở. Đến giữa tháng 10, hoa nở rộ khắp bản làng, trắng các triền núi như đang vào chính vụ. Tại bản Sài Khao, xã Mường Lý, hàng trăm cây đào mọc trên rừng cũng như những cây được đồng bào Mông trồng trong vườn đều nở rộ. Từ đầu tháng 9 dương lịch, khi năm học mới bắt đầu thì đào cũng nở, giữ sắc tươi đến tận bây giờ. "Chưa năm nào đào nở sớm như vậy. Hoa đào mang hơi thở mùa xuân khiến cho điểm trường lẻ toát lên vẻ đẹp hoang sơ, ấm cúng, xua tan cái lạnh vùng biên", ông Sỹ phấn khởi. |
Cao Tuân