Những cánh đồng hoa tiền tỷ ở Phụng Công
Về với xã Phụng Công vào những ngày giáp tết Kỷ Hợi, trong không khí hào hứng của những hộ trồng hoa cây cảnh trong xã. Hỏi ra mới biết là đến ngày 12-13 tháng 1/2019, xã Phụng Công đang tích cực chuẩn bị đón nhận quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên về công nhận làng nghề hoa Phụng Công.
Xã Phụng Công được biết đến là vùng đất thuộc tả ngạn sông Hồng, có trên 20 dòng họ sinh sống định cư thành một quần thể làng xã. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng xã Phụng Công có biết bao thay đổi, diễn ra bao cuộc thăng trầm để rồi có được một quê hương như ngày nay.
Tiếp xúc và trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Phụng Công cho biết: Trong mấy năm trở lại đây, xã Phụng Công được biết đến là nơi người dân có thu nhập cao nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trước đây, khu đất bãi của xã chủ yếu là trồng ngô, giá trị kinh tế chỉ đạt 45 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2012 đến nay, xã khuyến khích nông dân chuyển đổi thành vùng trồng hoa cây cảnh tập trung. Hiện nay, cả xã có trên 2.0000 hộ dân thì có tới 1.800 hộ làm nghề trồng hoa, cây cảnh với diện tích gần 100ha, giá trị kinh tế đạt 550 triệu đồng/ha/năm.
Từ những chủ trương khuyến khích hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, để góp phần xây dựng nông thôn mới của UBND huyện Văn Giang. Bởi vậy, trong những năm qua nhiều vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của địa phương đã được hình thành. Thu nhập của người dân trong xã trung bình đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay nghề trồng hoa tại xã Phụng Công đã tìm được hướng đi riêng. Những hộ có kinh nghiệm về trồng hoa đã biết chú trọng vào các loại hoa hiếm như: hoa Hồng cổ và những giống hoa mới nhập ngoại cho giá trị kinh tế khoảng 70 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, toàn xã có gần 900 hộ trồng hoa có thu nhập trung bình mỗi năm đạt từ 300 triệu đồng trở lên và có nhiều hộ thu nhập từ 1,5- 2tỷ đồng/năm.
Hiện nay, tại xã Phụng Công có nhiều “tỷ phú” trẻ biết làm giàu từ nghề trồng hoa, nhiều nhà cao tầng với phong cách kiến trúc hiện đại được xây dựng lên ngay cạnh những vườn hoa. Người dân cho biết, nhờ có những chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên diện tích đất nông nghiệp, nên đã có nhiều hộ gia đình làm giàu thành công trong nghề trồng hoa với mẫu trồng hoa Hồng cổ và những giống hoa mới nhập ngoại. Được biết, đã có những cây Hồng cổ có tới gần 1.000 bông hoa, được bán với trị giá hàng trăm triệu đồng. Mỗi năm lợi nhuận có hộ thu về hàng tỷ đồng từ việc trồng hoa, cây cảnh.
Người dân tích cực chuyển đổi từ trồng lúa, ngô sang trồng hoa
Những năm gần đây, thu nhập của người dân tăng cao, từ 23 triệu đồng/người năm 2011, nay tăng lên gần 60 triệu đồng/người là nhờ sự nỗ lực, nhạy bén của người dân và chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế của UBND huyện. Trong đó có việc huy động sự hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng của chủ đầu tư dự án khu đô thị trên địa bàn để xây hạ tầng nông thôn, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho nông dân sau khi đất nông nghiệp bị thu hẹp để triển khai dự án.
Để thực tế cho việc viết bài, chúng tôi đã xuống những hộ dân trồng hoa của xã để ghi nhận. Và cũng thật tình cờ, khi chủ vườn hoa là chị Phạm Thị Tuyết- Phó chủ tịch hội phụ nữ của xã cho biết: Ngoài công việc bán chuyên trách tại xã, thì chị cùng chồng và gia đình còn chú tâm vào việc phát triển nghề trồng hoa. Với diện tích thuê và chuyển đổi 7 sào đất tương đương hơn 2.000 m2 đất thì gia đình chị tập trung chủ yếu trồng hoa Hồng, hoa Trà, Hải Đường…trong đó hơn 700m2 đất được gia đình chị trồng loại hoa Trạng Nguyên. Theo chị Tuyết cho biết thì giống hoa Trạng Nguyên chỉ có người xã Phụng Công là trồng đẹp hơn cả. Bởi người trồng hoa ở Phụng Công có đủ điều kiện, am hiểu đặc thù và kỹ thuật trồng giống hoa này (một loại hoa có thế mạnh của xã và chủ yếu được bán vào dịp tết nguyên đán).
Bên cạnh đó, chị Tuyết còn cho biết thêm: Người xã Phụng Công không những phát triển nghề trồng hoa trên diện tích xã nhà mà còn tích cực chủ động thuê diện tích đất tại các xã lân cận để phát triển nghề trồng hoa. Với thu nhập bình quân, trừ mọi chi phí thì hàng năm gia đình chị cũng thu được từ 200- 300 triệu đồng từ nghề trồng hoa, đảm bảo mức thu nhập sinh hoạt trong cuộc sống từ nghề trồng hoa đem lại, góp phần thu nhập ổn định hơn từ làm nông nghiệp trồng trọt.
Hộ gia đình tiếp theo, chúng tôi ghé thăm là hộ của anh Lê Đức Nam- sống tại thôn Bến cho biết: Cũng như bao hộ gia đình khác trong xã, thì gia đình anh cũng rất phấn khởi, khi biết rằng chính quyền cùng nhân dân xã Phụng Công đang tích cực chuẩn bị đón nhận Quyết định công nhận của UBND tỉnh về làng nghề trồng hoa Phụng Công. Được biết, hộ gia đình anh Nam nhận chuyển đổi cây trồng với 5 sào ruộng sang trồng hoa. Anh Nam cho biết: “Từ khi trồng hoa, hiệu quả kinh tế tăng hàng chục lần so với trồng ngô. Mỗi năm, trừ mọi chi phí gia đình anh cũng thu được từ 200- 300 triệu đồng, tạo việc làm lao động thời vụ thường xuyên cho mọi người trong gia đình. Phần lớn diện tích trồng hoa Hồng, còn lại trồng hoa mùa vụ như: Mai, Mẫu Đơn, Cúc, Hướng Dương, Trạng Nguyên...”
Năm 2015, Phụng Công đã về đích trong phong trào xây dựng nông thôn mới và hiện nay đã hoàn thiện xong và đề xuất với UBND tỉnh công nhận về chuẩn nông thôn mới nâng cao theo một số tiêu chí. Nhằm nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa, quan tâm phát triển kinh tế bền vững, xây dựng các thiết chế văn hóa, chăm lo đến các đối tượng chính sách, người có công và sự nghiệp giáo dục. Xây dựng một Phụng Công theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã Phụng Công khóa XXIII đó là “Phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, tăng cường đoàn kết, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương”.
Xuân Khiển