Nhiều tính năng, ứng dụng
Classbook là bộ sách giáo khoa điện tử đầu tiên ở Việt Nam, được cài đặt sẵn trọn bộ sách giáo khoa và sách bổ trợ theo chương trình phổ thông, từ lớp 1 đến lớp 12.
Theo giới thiệu của nhà xuất bản Giáo dục, trong suốt thời gian sử dụng thiết bị, người dùng có thể cập nhật miễn phí mọi tái bản các cuốn sách này. Đặc biệt, không chỉ truyền tải nội dung các cuốn sách giáo khoa, Classbook còn có hơn 20 ứng dụng bổ trợ cho nhiều môn học, thích ứng với các độ tuổi khác nhau. Sản phẩm này còn hỗ trợ việc biên tập và gắn kết với những nội dung đa phương tiện mở rộng cho bài học và cung cấp những chức năng cho phép học sinh có thể tương tác với nội dung bài học.
Ví dụ khi đọc sách tiếng Anh, học sinh có thể tra nghĩa của một từ bằng cách chạm từ đó trên màn hình, có thể sử dụng chức năng chạm để nghe phát âm chuẩn một câu, một đoạn văn hoặc cả bài học; có thể ghi âm lại giọng đọc của mình để đối chiếu với giọng bản ngữ hoặc xem các video bài giảng...
PGS.Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ: "Classbook là phương pháp học được khẳng định là tốt. Tuy nhiên, sách điện tử cũng cần cập nhật liên tục. Giá thành 4,8 triệu đồng/bộ là con số hơi cao đối với phụ huynh và các em học sinh vùng nông thôn. Ví dụ như ở Hàn Quốc và một số quốc gia khác, toàn bộ học sinh nước họ được phát máy tính bảng miễn phí. Còn hiện tại ở nước ta, bộ sách giáo khoa truyền thống chỉ có khoảng hơn 200 nghìn thôi.
Để học sinh nông thôn có được bộ sách này là điều vô cùng khó khăn. Vì vậy, để học sinh nông thôn có sách điện tử, chúng ta cần có cách tính toán về giá cả, cần cả những chính sách hỗ trợ. Tất nhiên, ta chưa thể nào phát không cho học sinh như các nước bạn, nhưng một mặt Nhà nước và các cơ quan liên quan, các thương hiệu lớn làm thế nào để hỗ trợ các em, khi đó các em học sinh nông thôn mới có thể có sách điện tử. Khi được triển khai đồng bộ rồi mới có thể cho giáo viên sử dụng. Chứ chỉ có vài em có thì cũng không có ý nghĩa về mặt chuyển đổi phương thức học cho tất cả học sinh".
Sách giáo khoa điện tử được hy vọng là sẽ giúp các em bớt phải mang nhiều sách đến trường. (ảnh Internet).
Những tính năng được đánh giá là có tính tương tác, hỗ trợ nhiều cho người học và đặc biệt là khả năng tích hợp chương trình trong một chiếc máy nhỏ được kỳ vọng là sẽ không còn cảnh học sinh gù lưng với một đống sách vở đến trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra e ngại về giá thành quá cao, khả năng phổ biến và đặc biệt là hiệu quả của sách điện tử với học sinh.
Chị Trần Phương Lan (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: "Tôi còn nhớ cách đây không lâu, bút đọc thông minh cũng được các đơn vị, giáo viên ồ ạt giới thiệu cho phụ huynh và học sinh. Nhưng thực tế cho thấy, nó không thể thay thế được việc giáo viên, phụ huynh dạy trẻ tập đọc. Và hiện nay, sản phẩm này cũng được ít người dùng. Sách giáo khoa điện tử Classbook dù có nhiều ưu điểm nhưng theo cá nhân tôi, chắc chắn không thể thay thế cho sách giáo khoa truyền thống. Chống gù lưng, giảm tải sách thì cần nhất là việc thiết kế chương trình khoa học và xác định các nội dung cần thiết, tránh ôm đồm quá nhiều kiến thức cho các cháu mới là hướng đi lâu dài".
Không hiệu quả với học sinh tiểu học
Ông Đào Quốc Vịnh, hiệu trưởng trường Tiểu học dân lập Tô Hiến Thành (Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi cũng từng được đơn vị cung cấp sách giáo khoa điện tử đến chào hàng. Tuy nhiên, khi chúng tôi họp và giới thiệu sách này đa số phụ huynh không mặn mà việc cho con cái họ thử nghiệm sản phẩm này".
Theo cá nhân ông Vịnh, ưu điểm lớn nhất của loại sách này là tích hợp được chương trình tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 12, nhưng với học sinh tiểu học thì sách giáo khoa điện tử là không khả thi và không mang lại hiệu quả giáo dục cao.
Lý giải về nhận định này, ông Vịnh cho rằng: "Đối với học sinh tiểu học, các em phải điền bài, phải tập tô, phải luyện chữ thì sách giáo khoa điện tử không làm được điều này. Không ai có thể luyện thay cho các em sự khéo léo, tính cẩn thận được. Học sinh tiểu học phải tô, vẽ từng trang một có những phần làm luôn vào sách thì sách giáo khoa điện tử không thể đáp ứng được. Theo cá nhân tôi, sản phẩm sách giáo khoa điện tử chỉ dùng tốt nhất với mục tiêu học ngoại ngữ và đối với học sinh THCS trở lên.
"Đặc biệt, với mức giá 4,8 triệu đồng/sách giáo khoa điện tử là khá cao. Tôi nghĩ với học sinh nông thôn, chứ chưa nói học sinh miền núi, mỗi năm cha mẹ các em bỏ ra vài trăm nghìn mua sách còn là một mối lo vào đầu năm học. Chứ bảo học sinh từ lớp 1 mua một sách giáo khoa điện tử với số tiền lớn như vậy, liệu rằng tuổi thọ của chiếc máy có thể kéo dài được 12 năm hay không?. Với một sản phẩm máy tính thông thường, chúng ta mua cả chục triệu đồng thì sau 3-4 năm nó đã chạy chậm. Mua một sản phẩm, một chiếc máy để dùng 12 năm là không khả thi. Còn nếu phải mua lại thì là một sự lãng phí".
Một chuyên gia giáo dục (đề nghị giấu tên) thẳng thắn cho rằng: "Có mấy vấn đề cần quan tâm về sách giáo khoa điện tử nếu muốn được nhân rộng. Đó là phải có điểm gì khác biệt nổi trội hơn hẳn sách giáo khoa truyền thống thì mới thực sự có ích, chứ nếu chỉ sao chép lại sách giáo khoa thường để lưu giữ, bớt việc mang vác thì không để làm gì. Đặc biệt, một cuốn sách cần phải có kết cấu hợp lý và sách giáo khoa điện tử thực sự đã có kết cấu hợp lý chưa?. Điều đó không hề đơn giản. Đó là nguyên tắc đầu tiên cần quan tâm, xem xét với một sản phẩm mới và đặc biệt là với sản phẩm trong ngành giáo dục. Vì người sử dụng là các em học sinh thì liệu với nhiều em ý thức kém, các em có lạm dụng xem các ứng dụng, tương tác của môn này trong giờ môn khác hay không?”.
Đỗ Thơm