Phải khẳng định rằng, luật Xuất bản năm 2004 ra đời làm thay đổi căn bản hoạt động in ấn. Sách được in nhiều, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, truyền tải những thông điệp ý nghĩa từ cuộc sống đến người đọc, người học. Nhưng bên cạnh dòng sách “chính thống”, cũng có không ít nguồn sách lậu được in ấn với chất lượng kém, bị cắt xén, “in nhầm”, sai lệch nội dung có ảnh hưởng lớn tới bạn đọc và gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý.
Sách lậu được bày bán nhan nhản trên vỉa hè
Để lọt cả tài liệu phản động!
Theo ông Phạm Quốc Chính, phó cục trưởng Cục xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi thanh tra 4 cơ sở phát hành sách mới đây, đã phát hiện nhiều cuốn sách lậu, có nội dung thông tin sai. Hàng chục đầu sách bị thu hồi là sách du lịch, từ điển. Đây là loại sách có tính chất tra cứu, bỏ túi, được độc giả mang theo trên đường dài và di chuyển qua nhiều vùng đất, quốc gia.
Ông Chính thừa nhận: “Đã có những thông tin về việc phát hành sách có nội dung vi phạm pháp luật của cơ sở phát hành. Vì vậy, chúng tôi thanh tra đột xuất để phát hiện vi phạm và xử lý cơ sở phát hành theo luật định. Vấn đề in, phát hành sách lậu đang diễn biến rất phức tạp. Nhiều nhà sách phát hành sách không rõ nguồn gốc, tiếp tay cho đối tượng in lậu.”
Cũng theo ông Chính cho biết: “Những cuốn sách mà chúng tôi thu hồi được đợt này là sách in lậu từ bản gốc có xuất xứ nước ngoài. Hiện tại cơ quan điều tra chưa biết các bản gốc này vào Việt Nam bằng con đường nào, qua khách du lịch hay qua nhập khẩu sách. Qua công tác nắm tình hình, được biết số sách lậu này in trong miền Nam và chuyển ra ngoài Bắc tiêu thụ. Sai phạm chính về nội dung được phát hiện là sách in bản đồ Việt Nam. Nhìn trực quan, trên các bản đồ này không có các vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Vùng biển được chú thích là biển Nam Trung Hoa chứ không phải là biển Đông”.
Như vậy, sách có nội dung không được kiểm định, làm người đọc tiếp nhận thông tin sai và truyền đạt lại cho người khác cũng sai, dẫn đến hậu quả rất nguy hiểm.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi luật Xuất bản 2004 có hiệu lực, sách lậu ít hơn bây giờ. Việc xin được một cái giấy phép in sách không hề đơn giản. Với sự ra đời của Luật Xuất bản, mọi thủ tục in ấn, phát hành dường như thông thoáng hơn. Nhưng chính việc cấp phép dễ dàng cũng là một trong những nguyên nhân khiến sách lậu được in tràn lan. Có ý kiến cho rằng, cần phải đưa ra những quy định chặt chẽ, chế tài xử lý mạnh để lấp đầy “lỗ hổng” hiện nay. Nếu không, người đọc, nhất là các em nhỏ sẽ bị ảnh hưởng lớn từ những nội dung sai lệch, không được kiểm soát này.
Nhiều kẽ hở vì nhiều đầu mối
Ông Phạm Trung Thông, trưởng phòng Quản lý in, Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Luật Xuất bản hiện hành chưa theo kịp sự phát triển của hoạt động xuất bản, in và phát hành. Thời gian qua, Luật Xuất bản đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nên cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Hiện nay, việc điều chỉnh hoạt động in của các cơ sở in, xuất bản phẩm và các cơ sở in không phải xuất bản phẩm không cùng một khung pháp lý, không cùng một chế tài xử lý. Có thể nói, quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động in đang thiếu thống nhất và còn nhiều "lỗ hổng". Cơ sở in chỉ cần đăng ký kinh doanh là được hoạt động. In ấn là hoạt động đặc thù, trong khi cơ quan cấp đăng ký kinh doanh lại không có chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động in. Đây là “kẽ hở” để các cơ sở in, “đầu nậu” “thừa nước đục thả câu”.
Một số cuốn sách lậu bị cơ quan chức năng thu giữ
Khi bạn đọc sách mua phải sách lậu, sách in kém chất lượng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước đã để sản phẩm chưa được kiểm soát, kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Còn đối với bạn đọc, nếu cẩn thận, họ sẽ tìm đến nhà sách đã bán sách cho họ để trả lại, để hỏi, để tìm nguyên nhân. Với bạn đọc dễ tính, họ chỉ cần gọi điện đến nhà xuất bản sách (in ở dưới quyển sách) để phản ánh nhưng có không ít người lại “tặc lưỡi” bỏ qua.
Tiến sỹ Nguyễn Kiểm, nguyên cục trưởng Cục Xuất bản, hiện là phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam tỏ ra bất bình trước thực trạng này. Theo Tiến sỹ Kiểm thì khi còn là cục trưởng, ông đã nhìn nhận vấn đề này rất nghiêm túc. Ngoài tổ chức những đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo định kỳ, ông còn gửi rất nhiều công văn nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở in, phát hành sách phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Ông Kiểm cho rằng, có nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định về kiểm soát sách in có liên kết với nước ngoài. Bởi ngoài quy định về giấy phép, đăng ký kinh doanh, cơ sở in này không bị kiểm soát bởi cơ quan chuyên môn. Khi sản phẩm ra thị trường, thấy có “vấn đề” mới làm công văn, thu hồi…Việc này không thể giải quyết được tận gốc của hiện tượng biến tướng trong in ấn. Nhiều trường hợp, khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, sách lậu đã được bán gần hết, dẫn đến khó khăn trong công tác thu hồi.
Sách lậu không hề rẻ
Nhưng nhiều người thích đọc thường có thói quen mua sách vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi, đường Láng, Cầu Giấy (Hà Nội)… Bên cạnh những cuốn sách cũ, có giá trị thì đây cũng là nơi tiêu thụ số lượng lớn các loại sách lậu. Đánh vào tâm lý thích rẻ của phần lớn độc giả, nhiều cơ sở in lậu đã "đội" giá trên bìa của những cuốn sách "rởm" lên vài lần rồi tung ra các chiêu "đại hạ giá từ 30-80%", thu hút các đối tượng học sinh, sinh viên. Giá của một cuốn sách in lậu sau khi trừ chiết khấu, khuyến mại sẽ bằng hoặc thấp hơn một chút so với giá sách thật. Vì vậy, nhiều người tiêu dùng cứ nghĩ mình mua được sách rẻ nhưng trên thực tế không phải như vậy.
Theo ông Nguyễn Anh Vũ, phó giám đốc NXB Văn Học: “Một nhà xuất bản, công ty sách muốn đưa một ấn phẩm đến với bạn đọc cần phải chi phí mua bản quyền, tiền dịch, biên tập, truyền thông và in ấn…Trong khi đó, các đối tượng in lậu lại không phải chi phí gì ngoài việc ngồi chờ các nhà xuất bản, nhà sách phát hành để in lậu. Các loại giấy in chất lượng kém vì thế giá thành sách lậu vô cùng rẻ. Các nhà xuất bản, kinh doanh sách sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên của tình trạng sách lậu tràn lan bởi, các tác giả nước ngoài họ không muốn hợp tác với một thị trường có nhiều sách bị in lậu. Lúc đó, độc giả sẽ là người chịu thiệt thòi vì không được tiếp cận với những cuốn sách có giá trị, bán chạy của thế giới.”
Ông Vũ Hoàng Giang, phó giám đốc công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam cho biết: “Một năm Nhã Nam xuất bản khoảng 150 đầu sách so với nhà xuất bản Trẻ, First News. Số lượng này không phải là nhiều. Nhưng Nhã Nam và các nhà xuất bản, công ty sách đều chung mối lo về vấn nạn sách lậu. Thiệt hại về mặt kinh tế là điều nhận thấy rõ nhất. Mỗi đơn vị sẽ có một cách để chống việc in lậu đầu sách của mình như có in tem chống giả. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chính độc giả mới là người giúp đỡ các công ty, nhà xuất bản chống lại nạn sách lậu hoành hành, bằng cách phân biệt và “tẩy chay” sách giả”.
Chị Nguyễn Quỳnh Linh (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Thực tế, người đọc không ai muốn mua sách lậu nhưng để đến với các tác phẩm đang nổi tiếng của thế giới mới xuất bản, đôi khi người đọc đành mua sách lậu vì giá rẻ và nhanh. Bởi có những cuốn sách in lậu giá chỉ vài chục nghìn trong khi sách chính thống lên đến cả vài trăm nghìn. Tuy nhiên, những ai yêu sách sẽ không chọn sách lậu bởi chất lượng của chúng không cao. Chúng thường có nhiều lỗi chính tả, lỗi câu hay lỗi đánh máy… Đặc biệt là các tác phẩm đồ sộ của nước ngoài, nếu bị in lậu, chất lượng giấy kém, đọc lâu sẽ bị nhức mắt, lại không bảo quản được”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Sách lậu thực chất đang móc túi người tiêu dùng. Giá sách lậu nhiều khi còn cao hơn sách thường do áp dụng những chiêu khuyến mại lập lờ. Sau những lần giảm giá khủng, có khi giá sách lậu mới bằng giá sách thật. Người tiêu dùng tưởng mua được sách rẻ song thực chất vẫn đắt vì giấy, mực, nội dung đều kém. Theo tôi, các cơ quan chức năng cần tăng chế tài xử phạt thật nặng và nghiêm khắc hơn đối với các cơ sở in sách lậu, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
Còn theo ông Nguyễn Đắc Lộc, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: Khi đăng ký kinh doanh, các cơ sở in đăng ký in tràn lan các ngành nghề khác nhau. Dù có lưu ý là phải đủ điều kiện, song việc họ có in đúng các sản phẩm như đăng ký hay không lại là một chuyện khác. Quản lý và hạn chế việc kinh doanh và sản xuất sách lậu, sách giả không chỉ thuộc về bên quản lý thị trường mà cả các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phải có trách nhiệm. Hơn nữa, lực lượng quản lý thị trường mỏng, trong khi, số lượng các cơ sở in nhiều nên gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và các đơn vị có liên quan rất quan trọng trong việc đẩy lùi vấn nạn này. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên có trách nhiệm, tố cáo các cơ sở in vi phạm và tẩy chay hàng giả.
Ông Nguyễn Kiểm, phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng: Sách lậu là sách chưa qua kiểm duyệt của cơ quan chuyên môn. Dù nhầm một chi tiết nhỏ, cũng là sách lậu, cũng phải thu hồi và xử phạt. Mọi công dân khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và với lĩnh vực xuất bản nói riêng đều phải có trách nhiệm nghiên cứu kỹ hệ thống pháp luật có liên quan và phải tự giác chấp hành mà không cần đến sự nhắc nhở của cơ quan quản lý Nhà nước. Nói một cách dễ hiểu nhất, nếu luật quy định đi lề bên phải thì bạn phải đi bên phải, không thể tùy tiện đi bên trái rồi viện lý do là luật không cấm. Tất cả các biện pháp hành chính đã được áp dụng xử lý đối với in lậu mà chưa đủ sức răn đe thì phải giải quyết tận gốc bằng biện pháp đình chỉ phát hành.
Mới có 40% cơ sở in ấn hoạt động theo Luật Xuất bản Ông Nguyễn Anh Vũ, phó giám đốc NXB Văn Học cho biết: “Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 1.000 cơ sở in. Trong đó mới có 400 cơ sở hoạt động theo Luật Xuất bản còn lại là hoạt động theo giấy phép kinh doanh. Đây chính là “kẽ hở” và là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sách lậu tràn lan. Tôi hy vọng, khi Luật Xuất bản sửa đổi được thực thi, tất cả các cơ sở in đều phải hoạt động theo Luật Xuất bản. Từ đó, nội dung sách sẽ được kiểm soát chặt chẽ, việc in sách lậu sẽ giảm”. |
Quế Ngân – Đỗ Thơm