Sách lậu đi đâu?
Việc PV đặt in sách lậu như các kỳ trước đã đề cập là theo yêu cầu, nghĩa là khách hàng đặt in, các cơ sở làm theo yêu cầu đó của khách hàng. Lúc này, sách lậu sẽ được phân phối theo chủ đích của người đặt in. Còn các đối tượng chuyên làm sách lậu, thì sản phẩm sẽ đi đâu?
Để tìm câu trả lời này không hề dễ chút nào. Thực chất, số sách lậu bán tràn lan ở các vỉa hè, cửa hàng sách cũ chỉ là phần nhỏ, hay nói ví von đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vì số lượng sách in lậu là hết sức lớn. Trong quá trình tìm hiểu tại các cơ sở in lậu, PV có thêm nhiều thông tin liên quan tới việc phân phối sách lậu.
Theo đó, một đầu mối chuyên làm sách cung cấp cho PV: “Tại các tỉnh phía Nam, sách lậu tập trung vào ba mảng là sách giáo dục của các nhà xuất bản nước ngoài như giáo trình của Oxfort, Cambridge; truyện tranh và sách chuyên về giáo dục phục vụ cho học sinh”.
“Sở dĩ, họ làm các loại sách này là có “nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường” tại phía Nam. Sách giáo trình, tham khảo của các nhà xuất bản nước ngoài luôn có giá cao, nhưng lại phổ biến trong các trường từ phổ thông cho tới đại học và các bậc học cao hơn”, người này nói.
“Với những loại sách này, các đối tượng in lậu mới có đất sống. In lậu xong, sách sẽ được tuồn ra các phố sách cũ như Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), Trần Nhân Tôn (quận 10, quận 5), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1)… Sau đó, sách sẽ được phân phối đi các tỉnh theo từng đơn hàng. Các đầu mối này sẽ không qua trung gian mà đưa sách đến thẳng các điểm tiêu thụ”, đầu mối này cho biết thêm.
Nguy hại từ truyện tranh
Truyện tranh cũng là loại sách được giới đầu nậu in sách lậu chú ý khai thác triệt để. Đây là loại sách thu hút nhiều độc giả, nhất các độc giả nhỏ tuổi. Ngoài các loại truyện tranh được phép xuất bản bị in lậu, hiện nay, nhiều cơ sở in lậu lấy các truyện tranh chuyển ngữ của Trung Quốc, Nhật Bản hoặc tự sáng tác trên mạng ảo đóng thành quyển và bán cho bạn đọc.
Điển hình và đình đám nhất là thể loại đam mỹ (tiểu thuyết lãng mạn khai thác chủ đề đồng tính luyến ái nam, thường có xuất xứ từ Trung Quốc, lấy bối cảnh Trung Quốc và hòa trộn nhiều yếu tố văn hóa Trung Quốc. Thể loại này hướng tới độc giả nữ - theo vi.wikipedia.org), ngôn tình, fanfic (được đa số mọi người trên thế giới định nghĩa là thể loại truyện về một hoặc nhiều nhân vật dựa trên một tác phẩm gốc, không phải do tác giả gốc viết lên - vi.wikipedia.org)…
Đặc biệt, nó hết sức nguy hại đối với giới trẻ chưa đủ nhận thức để sàng lọc thông tin, chưa định hình văn hóa đọc. Những sản phẩm như thế được truyền tay và nhiều em tự bỏ tiền ra in ấn. Theo tìm hiểu của PV, đa phần các loại truyện này đều được giao dịch thông qua các trang mạng, chủ yếu là Facebook. Thậm chí, nhiều trang còn lập ra nhóm kín để sưu tập truyện và in, chuyền tay nhau.
Lần theo một trang facebook, PV tìm thấy thông tin: “Chuyên nhận in đam mỹ (hoặc ngôn tình, fanfic) giá rẻ theo yêu cầu. Bạn chỉ cần gửi bản word bộ truyện mà mình thích đến, shop sẽ nhận in và des (thiết kế - PV) bìa cho bạn. Shop nhận làm chỉ để phục vụ niềm yêu thích đam mỹ, ngôn tình… của mọi người, kinh doanh gần như không lợi nhuận”.
Về loại sách nói trên, trang này giới thiệu: “Giấy trắng bình thường hoặc giấy vàng - bìa có một lớp kiếng bảo vệ và một lớp giấy bìa cứng. Sách được đóng gáy như tập tài liệu bình thường, giúp bạn có thể mang đi lòng vòng mà nhìn như cầm tài liệu học tập hoặc bìa như sách xuất bản bình thường”.
Trước sự thật PV đặt in “Đọc vị bất kỳ ai” tại công ty Đại Hàn (43 CMT8, phường 6, quận 3, TP.HCM), kết quả có được cuốn sách giống sách thật và rất khó phân biệt, bà Trần Phương Thảo, Phó tổng Giám đốc Thaihabooks đã có một số ý kiến.
Bà Thảo cho rằng: "Theo luật Xuất bản, bất cứ bản in sách nào (cho dù là 1 cuốn) mà thiếu 1 trong 6 loại giấy tờ gồm: Hợp đồng bản quyền, hợp đồng dịch thuật, hợp đồng liên kết xuất bản, giấy phép xuất bản, hợp đồng in, giấp phép phát hành, đều được xem là bản in sách lậu. Trên thực tế có những bản in sách rất đẹp (có thể đẹp hơn cả bản gốc) nhưng vẫn được xem là một bản sách lậu bản quyền hoặc sách giả, do thiếu 1 trong 6 loại giấy tờ trên. Những cá nhân hoặc đơn vị giúp in ấn, phát hành loại ấn bản trên thì đều được xem là vi phạm pháp luật".
Nói về thiệt hại do vấn nạn sách lậu gây ra, bà Thảo chia sẻ: "Cho đến thời điểm này, sau 10 năm hoạt động, số đầu sách mà Thaihabooks bị làm lậu có thể lên đến khoảng 100 tựa sách, nhân với số lượng in lậu trung bình khoảng 4.000 bản in/tựa sách, nhân tiếp giá bìa trung bình của một cuốn sách là 50.000 đồng, vậy là Thaihabooks thiệt hại về doanh thu khoảng 20 tỷ đồng".
Ngoài những thiệt hại về mặt vật chất, Thaihabooks cũng như các tác giả, dịch giả còn chịu tổn thất về mặt uy tín thương hiệu. Niềm tin của độc giả, tác giả và những người làm xuất bản chân chính vào một ngành xuất bản minh bạch, chuyên nghiệp... bị ảnh hưởng.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Ngoài các loại sách nói trên, một mảng khác là sách bói toán cũng mang lại lợi nhuận khủng cho các đối tượng làm sách lậu. Trong vai một đầu mối cần in, mua sách lậu để đưa về tỉnh lẻ tiêu thụ, PV đã tiếp xúc một người tên Lan. Lan nói đang ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Khi PV đề cập in số lượng lớn sách bói toán, Lan gật đầu đồng ý ngay: “Anh cứ gửi tất cả thông tin sang, em sẽ báo giá cụ thể cho anh”. PV liền gửi yêu cầu cho Lan, đề nghị in 5.000 cuốn “Tài vận 12 con giáp” và 5.000 cuốn “Tử vi vựng tập bình chú” và chờ Lan báo giá để tiếp xúc làm việc và đặt in theo cách mà PV đã từng làm.
Sau đó, Lan báo giá lại cho PV, giá in cuốn “Tài vận 12 con giáp” là 15.000 đồng/cuốn (giá bìa 35.000 đồng/cuốn). Cuốn “Tử vi vựng tập bình chú” có giá in là 80.000 đồng/cuốn (giá bìa 250.000 đồng). “Giá in này áp dụng cho số lượng mà anh đề nghị”, Lan nói thêm.
Trao đổi với PV xung quanh câu chuyện sách lậu, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TP.HCM cho rằng: “Việc xử phạt các cơ sở in ấn không phép, vi phạm bản quyền như bắt cóc bỏ đĩa”. Nhìn những cuốn sách PV đã in (lậu) thử cung cấp, ông Thọ cũng lắc đầu: “Quả là những đối tượng làm sách lậu chuyên nghiệp”.
Nhận định thêm về giới sách lậu, ông Thọ cho biết: “Tại khu vực TP.HCM hiện có khoảng 2 - 3 đường dây chuyên làm sách lậu, nhưng để “bóc gỡ” thì không dễ".
Liên quan đến các nội dung mà báo đã nêu, cơ quan điều tra cũng đã vào cuộc. Theo đó, một cán bộ điều tra, thuộc bộ Công an phía Nam đã yêu cầu PV cung cấp một số thông tin. PV cũng đã cung cấp các thông tin bước đầu liên quan đến phóng sự này.
Xử phạt chưa đầy 500 triệu đồng |
Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra, sở Thông tin – Truyền thông: “Trong năm 2016, sở TT-TT TP.HCM đã xử phạt 12 đơn vị với số tiền gần 500 triệu đồng liên quan đến in ấn lậu, vi phạm bản quyền tác giả…". Tuy nhiên, khi PV đề nghị tiếp cận các đơn vị này, ông Thọ từ chối: “Không thể cung cấp cho báo chí được”. |
Chí Thanh