Trao đổi với Người Đưa Tin, Thầy Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng Hà Nội) cho biết, ông đã có bức thư gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn để phản hồi về SGK. Sự việc bắt đầu khi có một cô giáo là Chủ biên 1 sách giáo khoa trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) trả lời ông rằng, sách tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức không dạy chữ P khi đứng trước các nguyên âm vì rất ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là từ ngoại lai (!?!).
Ông cho rằng, sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chứ không phải chỉ dạy riêng cho học sinh người Kinh. Sai sót này là không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng tới việc học tập của con em đồng bào các dân tộc.
Với tư cách quản lý giáo dục, ông đã đề nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan hữu trách cần vào cuộc yêu cầu Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cần bổ sung ngay việc dạy chữ P và đưa nó trở lại mục lục của cuốn sách ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy đinh.
Ông cho biết, theo thống kê có những địa danh, tên người cụ thể có chữ P đứng trước nguyên âm và khẳng định với Bộ trưởng rằng, đó không phải là những từ ngoại lai như vị chuyên gia soạn sách giáo khoa hôm qua đã trả lời ông.
Ông hy vọng rằng Bộ trưởng sớm chỉ đạo việc này để học sinh người dân tộc được học chữ P một cách danh chính ngôn thuận bằng hướng dẫn ngay trong sách giáo khoa, vừa không gây khó cho các em giáo viên, vừa giúp học sinh học xong lớp một biết đọc tên xã, tên trường, và tên cha mẹ mình, thậm chí ngay chính tên mình.
Chưa kể tên một số dân tộc cũng có chữ P trước một nguyên âm nên việc không dạy chữ p và âm "pờ" là một lỗi nghiêm trọng, vi phạm các quy định của pháp luật đã ban hành kèm theo bảng chữ cái của tiếng Việt.
Một giáo viên miền núi Bắc Kạn (xin giấu tên) bày tỏ: “Không chỉ thiếu chữ và nhiều lỗi, từ năm lớp 1 sách Kết nối tri thức với cuộc sống đã không cho học sinh học chữ hoa như các bộ sách khác. Bộ sách này cũng có nhiều lỗi mà báo chí đã chỉ ra hai năm nay”.
Nhiều giáo viên giảng dạy bộ sách Kết nối ở một số địa phương cũng phàn nàn vì văn bản ngữ liệu, kiến thức còn nhiều lỗi. Tiếng Việt khó, nhiều văn bản không phù hợp. Thậm chí sai kiến thức cơ bản ở bộ sách Khoa học tự nhiên lớp 6, mà báo chí đã chỉ ra. Điều này ảnh hưởng không ít gây khó khăn cho giáo viên và học sinh khi dạy và học.
Thiết nghĩ, hậu quả của việc bỏ âm P, chữ P không dạy cho học sinh cũng khôn lường vì chúng không chỉ liên quan đến từ ngữ tiếng Việt mà còn liên quan đến địa danh, tên người... của trên khắp các vùng miền.
Một ví dụ liên quan đến địa danh ở tỉnh Lai Châu :
Tỉnh Lai Châu có 9 cấp quận huyện, thị xã thì có 9 xã đứng đầu có phụ âm P và liên quan đến chữ cái P: Huyện Mường Tè có 2 xã: Pa Ủ, Pa Vệ Sử. Huyện Sìn Hồ có 3 xã: Pa Tần, Pu Sam Cáp, Pa Khoá. Huyện Phong Thổ có xã Pa Vây Sử. Huyện Tân Uyên có xã Pắc Ta. Huyện Nậm Nhùn có 2 xã : Pú Đao, Nậm Pì.
Công Luân