Theo thông tin mà PV báo điện tử Người Đưa Tin có được, ngày 2/8/2017, Hội đồng quản trị SADECO đã tiến hành lựa chọn công ty Nguyễn Kim làm cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ.
Đến cuối tháng 12/2017, SADECO đã phát hành 9 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, giá phát hành 40.000 đồng/cổ phiếu, điều kiện hạn chế chuyển nhượng 3 năm cho cổ đông chiến lược là Nguyễn Kim. Đợt phát hành cổ phiếu này, SADECO thu về hơn 360 tỷ đồng.
Thanh tra TP.HCM khẳng định, việc làm nêu trên là trái quy định pháp luật, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng, chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu. Nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của SADECO lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại sẽ rất lớn.
Vậy SADECO là công ty "khủng" cỡ nào, ai là người nắm giữ tài sản của công ty này?
10 dự án - 700 ha
SADECO ra đời là nhằm thực hiện sức mệnh "đặc biệt" của TP.HCM.
Theo hồ sơ mà PV có được, với mục tiêu mở rộng TP.HCM, giải tỏa ách tắc trong giao thông và chỉnh trang khu vực trung tâm nội thành, các chuyên gia trong và ngoài nước đã thực hiện nghiên cứu, khảo sát và đề xuất phát triển một khu đô thị mới hướng về phía Nam TP.HCM, tiến ra biển Đông theo xu hướng phát triển đô thị của các quốc gia trên thế giới.
Đầu năm 1993, quy hoạch tổng thể Khu đô thị mới Nam TP.HCM do công ty SOM (Skidmore Owings and Merrill, Ltd.Co) thiết kế, đã được Chính phủ chính thức phê duyệt. Cùng với việc triển khai Giấy phép xây dựng tuyến đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh và Khu đô thị mới Nam Sài Gòn vào tháng 3/1993, UBND TP.HCM chủ trương thành lập một công ty cổ phần để sắp xếp lại dân cư, xây dựng các khu định cư mới, làm công tác giải tỏa 2.600ha, quản lý sử dụng và kêu gọi đầu tư, khai thác đất theo quy hoạch và chính sách của UBND TP.HCM.
Thực hiện chủ trương này, ban Vận động thành lập công ty cổ phần được UBND Thành phố ký quyết định thành lập (tháng 7/1993). Và đến cuối năm 1993 đã có 15 công ty, đơn vị ký biên bản thỏa thuận góp vốn sáng lập công ty.
Ngày 21/6/1994, SADECO chính thức thành lập. Thời điểm đó, vốn điều lệ là 41,2 tỷ đồng. Đến tháng 7/2007, vốn điều lệ được tăng lên 100 tỷ đồng, và tháng 1/2015, vốn điều lệ được tăng lên 170 tỷ đồng.
SADECO là chủ đầu tư của 10 dự án với quy mô diện tích khoảng 700 ha thuộc khu Đô thị mới Nam Sài Gòn.
Nhiều dự án "khủng"
Điển hình, SADECO là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung khu Đô thị mới Nam thành phố, chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính khu dân cư Phước Kiển (bao gồm 13 nhà đầu tư thành phần)
Bên cạnh việc làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính cho toàn khu dân cư Phước Kiển, SADECO còn là một trong những nhà đầu tư thành phần của dự án này.
Với 10ha cho dự án thành phần, SADECO đã lên quy hoạch để xây dựng 80 nhà phố liền kề, 92 biệt thự.
Ngoài ra, còn hàng loạt dự án như SADECO Tân Phong, SADECO nghỉ ngơi giải trí, SADECO ven sông Ông Lớn….
Trong đó, khu biệt thự cao cấp sông Ông Lớn (đại lộ Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh) có diện tích 4,9ha. Còn khu nghỉ ngơi giải trí Tân Phong với tổng diện tích 15,26ha, nằm trên đường Lê Văn Lương, quận 7, gồm nhà phố, biệt thự.
Đặc biệt, SADECO hợp tác với công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Tân Thuận, đầu tư xây dựng khu dân cư ven sông với diện tích 28ha, tọa lạc ngay mặt tiền Đại lộ Nguyễn Văn Linh, thuộc Khu đô thị Nam thành phố.
Chính vì sở hữu nhiều dự án "khủng", có quỹ đất lớn, SADECO được xem là con gà để trứng vàng cho TP.HCM. Tuy nhiên, vì nắm trong tay quá nhiều tài sản, nên các bên liên quan đã lên kế hoạch "đạo diễn", làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng.
Ai nắm giữ SADECO?
Vào thời điểm SADECO bán 9 triệu cổ phiếu cho công ty Nguyễn Kim, đang có 15 cổ đông, trong đó, khá nhiều cổ đông Nhà nước. Điển hình là ban Tài chính quản trị Thành ủy TP.HCM góp 2,34%, Công đoàn công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (1,17%), công ty Cổ phần Địa ốc Tân Bình (0,23%), công ty Du lịch Thành phố (0,47%), công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (74,8%), công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (14,07%).
Ngoài ra, còn một số cái tên như: Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ (0,47%), công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 (0,94%), công ty Xây dựng và Thương mại Sài Gòn (0,47%), ông Lê Đình Chí (0,23%), Lực lượng thanh niên xung phong (0,47%), Ông Phan Chánh Dưỡng (0,23%), Quận ủy Quận 4 (0,23%), Sài Gòn Coop (0,47%), Thành đoàn TP.HCM (0,47%).
Tuy nhiên, dưới bàn tay "đạo diễn" của ông Dũng và bà Phúc, ngân sách Nhà nước (thông qua các tài sản mà 2 công ty này nắm giữ) đã thất thoát hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài việc bắt tạm giam ông Dũng, bà Phúc, hiện cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đang mở rộng điều tra đối với một số cá nhân, đơn vị có liên quan. Đặc biệt, là “phi vụ” bán 9 triệu cổ phiếu cho công ty Nguyễn Kim, SADECO, công ty Hiệp Phước.