Sài Gòn quay cuồng không ngừng nghỉ (phần 2)

Sài Gòn quay cuồng không ngừng nghỉ (phần 2)

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Lại là bảy giờ tối, trong “Qing Bar”. Bầu không khí thanh lịch. Rượu vang Ý, New Zealand, Chile. Tôi đọc trên thực đơn, rằng qing là một từ tiếng Hán và là một hình thức lịch sự để mời uống.

Một người đàn ông nhợt nhạt, không còn trẻ nữa, bắt chuyện với tôi: “Anh đang làm gì đó?” William, doanh nhân từ Los Angeles, sống ở Sài Gòn sáu tháng trong một năm. “Sang đây với chúng tôi nào”. Ngồi ở bên đấy là một người Tây Ban Nha, một người Pháp, hai người phụ nữ làm việc cho một nhóm khách sạn Việt Nam. Khách quen. Họ không còn hoàn toàn tỉnh táo nữa, to tiếng, vui vẻ. Các cô bồi bàn người Việt ngao ngán cuối đầu và trợn tròn mắt lên.

Tất cả những cái đó làm sao mà hợp với đất nước này được, đất nước mà ngôn ngữ của nó là một tiếng hát mềm mại, một bản giao hưởng của những giọng nói nhỏ nhẹ và sắc thái mà trong đó cũng cùng những từ ấy có thể có một ý nghĩa hoàn toàn khác qua nhấn giọng? Nơi nhìn thẳng vào mắt và bắt tay thật chặt được cảm nhận như là sỗ sàng? Và, theo Greene: “Người ta có ấn tượng, rằng họ không bao giờ ăn mặc lôi thôi, không bao giờ nói một từ không ngay thẳng, không bao giờ là nạn nhân của một niềm say mê không chính đáng”. William không đọc Greene, anh ấy nói: “Ngày mai, chín giờ, tôi đến đón anh".

Đi chơi bằng xe gắn máy

Pháp luật - Sài Gòn quay cuồng không ngừng nghỉ (phần 2)

Trời dễ chịu. William chờ trước khách sạn. Anh ấy mang xe gắn máy của anh ấy đến và đã ghi chú mười một trạm cho chuyến đi chơi cho đến tận cùng của đêm khuya. “Let’s go”. Vào trong cái lộn xộn đang bấm còi, kêu ầm ỉ đấy, cái mà trong đó tất cả mọi người đều lái xe theo ý họ muốn và người từ xa đến không nhận ra một hệ thống nào cả. William: “Họ gọi cách giết thời gian bằng cách lượn xe đây đó là ‘Đi vòng vòng’”. Các thắng cảnh của quận Nhất, vẫn còn là trái tim của Sài Gòn, lướt ngang qua: Nhà thờ. Bưu điện. Dinh Thống Nhất.

Mười lăm phút sau đó, chúng tôi ở trong quán “MTV”, nơi hàng trăm thiếu niên uống “smoothies” và xem bóng đá. Họ ăn mặc chải chuốt. Lacoste là thương hiệu đang thời thượng. Các cô gái lướt qua lại trong những chiếc áo váy chật cứng của họ. Máy truyền hình khắp nơi. Premier League, Boston Wanderers thi đấu với ai đấy. Chúng tôi bước lên cầu thang. “Napoli”, tối đẹp, thơ mộng. Trạm kế tiếp ở trong cùng tòa nhà, cùng tầng lầu: “Aqua”, trang trí trắng như tuyết, bể nuôi cá trong tường, nhiều người Việt trẻ. Họ trông giống như trẻ con và đứng loạng choạng trước những cái bàn với Hennessy-Cognac.

William không phải tên là William. Anh ấy nói, tôi phải hiểu điều đó. Anh có một người vợ Hàn Quốc và đứa con ba tuổi ở West Hollywood, sắp tới đây, anh ấy muốn mở một quán ăn Mexico tại Sài Gòn. “Đất nước này chín muồi cho taco với tequila rồi”, anh ấy nói, trong khi chúng tôi đi tiếp vào trong một club có tên là MGM. William nói: “Chúng tôi phải nhập quả tomatillo cho salsa bằng đường hàng không, họ không có chúng ở đây”. Cái mà họ có ở đây là tiền. Cả trên những cái bàn ở đây cũng đều có Hennessy ở khắp nơi; chai rẻ nhất có giá tính ra là 60 euro, chai đắt nhất 1200 euro. Xì gà nằm trong các hộp kính. Một bác sĩ ở đây thu nhập tròn 54 euro.

Chúng tôi đứng trong một club có tên là “Gossip”. Ánh sáng laser bắn qua gian phòng. Ánh sáng nhấp nháy. Tiếng bass bị ngắt âm từ những cái loa. William vẫy tay gọi hai cô gái lại. Một cô tên là Trinh, cô kia cho xem ảnh mà cô ấy đã lưu lại trên chiếc điện thoại di động của mình. Chụp cô ấy.

Chúng tôi muốn đi tiếp. William nở nụ cười California của anh ấy, nhận số điện thoại của cô gái, nhét tiền cho cô ấy. Anh ấy có sự tự tin của một người đàn ông phù hợp với mô tả của Greene về một tùy viên thương mại Hoa Kỳ: “… người có bạn bè vì sử dụng đúng loại khử mùi hôi nách”. Chúng tôi đếm thăm thêm ba quán nữa mà trong đó chật đến mức người ta dẫm lên chân của nhau. Ở đây cũng có các cô gái mà người ta học được từ họ những câu như Anh yêu em trước khi có thể nói “Xin chào”.

Trạm cuối cùng là “Apocalypse Now”, huyền thoại. Cái lộn xộn bây giờ trong “Apocalypse Now” chắc cũng trông giống như thế. Tất cả khách du lịch đến Sài Gòn chắc phải đang có mặt ở đây. Sàn nhảy đầy người. Ồn ào như một trận bom. Người quản lý đến, nhưng không muốn nói chuyện. Lúc đó là 2 giờ 30, “We Will Rock You” vang ầm ỉ từ những cái loa. Hai cô gái từ “Gossip” cũng có ở đây. Đã đến lúc phải đi.

Con đường trước “Apocalypse” không một bóng người. Chỉ có một người phụ nữ già đạp xe ngang qua, khối hàng trên yên nhô lên khỏi chiếc nón lá của bà ấy. Cái xích xe đạp kêu lạch cạch. Một phóng viên đã về già muốn đi về nhà. Một giờ nhất định của đêm khuya và cuối cùng là hứa hẹn của sự yên tịnh.

Vào chiều tối ngày hôm sau tôi ngồi trên sân thượng của Majestic. Ở dưới là con sông, đen như hắc ín, ánh sáng đèn neon của các tấm bảng quảng cáo phản chiếu trên mặt nước. Những người bồi bàn nói thì thầm khi họ phục vụ các thức uống. Một đôi đã có tuổi đang khiêu vũ. Họ quay trong làn gió mềm mại, ấm áp. Và tôi lại nghĩ về Thomas Fowler. Greene để cho ông ấy nói: “Tôi không bao giờ muốn đi về nhà nữa".

Phan Ba (theo chuyên san du lịch Việt Nam - nhà xuất bản Merian)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.