Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành phổ biến ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC), trong tuần 23 (từ ngày 3 đến 9/6), thành phố ghi nhận 1.586 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 936 ca nội trú và 650 ca ngoại trú), tăng 12,3% so với trung bình 4 tuần trước (1.412 ca), số ca nội trú tăng 15% và ngoại trú tăng 8,7%.
Số ca mắc tích lũy đến ngày 9/6 là 13.520 ca (8.123 ca nội trú và 5.397 ca ngoại trú), tăng 87,6% với cùng kỳ năm 2021 là 7.206 ca. Còn số ca sốt xuất huyết nặng đến ngày 9/6 là 238 ca. Tính đến ngày 14/6 thành phố đã có 8 ca tử vong, tăng 6 ca so với cùng kỳ năm 2021 (2 ca).
Đáng lo ngại là trong số các ca mắc có không ít trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết nhưng cha mẹ tự điều trị sai cách tại nhà dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Cụ thể, một số sai lầm thường gặp của cha mẹ khi con trẻ bị sốt xuất huyết là:
Cắt lể, tự ý tiêm truyền
Chia sẻ với VietNamNet, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm - Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp.HCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi 7 tuổi, ngụ Đồng Nai, bị sốt xuất huyết nguy kịch.
Được biết, vào ngày sốt thứ nhất, mẹ đưa bé đến khám tại phòng mạch tư, nghi ngờ mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ tại đây tiêm cho bé 1 mũi thuốc vào mông (không rõ thuốc gì). Một ngày sau, bé vẫn sốt cao nên đi tái khám và lại tiêm thêm 1 mũi thuốc. Tuy nhiên, ngày thứ 3, bé mệt hơn, nôn ói nhiều, đau bụng, li bì, tay chân lạnh nên gia đình chuyển lên Tp.HCM, cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị sốc sốt xuất huyết, mạch và huyết áp không đo được. Bệnh nhi đã được hồi sức hô hấp tuần hoàn tích cực, tạm thời qua cơn nguy kịch.
“Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, tuyệt đối không được tiêm vào cơ, kể cả thuốc bổ tại nhà hay tại phòng mạch", bác sĩ Việt cảnh báo.
Bác sĩ Việt cho biết, sốt xuất huyết rất dễ chảy máu vì giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu ở giai đoạn ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh. Nếu tiêm thuốc vào cơ có thể làm rách các mao mạch, gây chảy máu không cầm, nguy cơ tạo khối máu đông rất lớn.
Trước đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 từng gặp trường hợp trẻ bị sốt, nổi ban và bị người lớn cắt lể. Từ vị trí đó, trẻ chảy máu rất nhiều khi vào giai đoạn nặng, phải truyền bù máu. Còn hiện nay, ghi nhận hiện tượng một số phòng khám, bác sĩ vẫn tiêm thuốc, truyền dịch sớm cho trẻ sốt xuất huyết khi chưa có chỉ định. “Điều này dễ gây quá tải ở giai đoạn cần hồi sức sốc, phải giúp thở sớm”, bác sĩ Đỗ Châu Việt nói.
Do đó, phụ huynh cần biết dấu hiệu cảnh báo để kịp thời đến bệnh viện, thay vì khi trẻ đã rơi vào sốc mới đưa đi cấp cứu.
Nghĩ rằng hết sốt là khỏi bệnh
Người bị sốt xuất huyết thường sốt cao, mệt mỏi, đau nhức trong vài ngày đầu. Ngày thứ 3, nhiều người cắt sốt, cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn nguy hiểm vì tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương.
Triệu chứng có thể quan sát thấy như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, nặng hơn có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa, sốc, trụy tim mạch… nếu không vào bệnh viện kịp.
Với trẻ nhỏ, mối nguy hiểm cũng tương tự. Biến chứng cũng thường xảy ra từ ngày thứ 3, trẻ đau bụng nhiều, liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan. Trẻ cũng có thể bị xuất huyết da và niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu ra máu… Với bé gái trong tuổi dậy thì, sẽ xuất huyết âm đạo. Trẻ có cảm giác buồn nôn hay nôn ói, nặng hơn trẻ có biểu hiện vật vã, lừ đừ, li bì. Ngay khi có những dấu hiệu trên, dù hết sốt, phụ huynh cần đưa trẻ vào bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.
Nguy cơ có thể lớn hơn khi trẻ từng nhiễm hoặc đang nhiễm Covid-19. Các bác sĩ cảnh báo, với trẻ đã mắc Covid-19, hoặc cùng lúc nhiễm Covid-19 và sốt xuất huyết, nguy cơ trở nặng sẽ cao hơn bình thường. Bên cạnh đó, việc điều trị 2 bệnh này đồng thời cũng khó hơn.
Thấy trẻ sốt là cho uống kháng sinh
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây bệnh, không phải vi khuẩn nên kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng. Do vậy, mẹ không được cho bé dùng aspirin và ibuprofen dù thuốc có chức năng hạ sốt, chống viêm không steroid nhưng lại có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu sẽ gây kích ứng xuất huyết dạ dày dữ dội, giảm tiểu cầu, khó cầm máu khi bị xuất huyết, có thể rối loạn đông máu và đe dọa đến tính mạng.
Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau không đúng cách
Nhiều bà mẹ do nóng lòng khi con sốt liên tục nên tự ý cho dùng thuốc hạ sốt liên tục hơn 4 - 5 lần mỗi ngày, dẫn đến lạm dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc hạ sốt không đúng cách, đúng loại liên tục có thể gây ảnh hưởng làm tổn thương gan nặng nề, xuất huyết tiêu hóa, có thể gây xuất huyết nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Trẻ bị sốt xuất huyết là cho uống nước điện giải
Người bệnh sốt xuất huyết được khuyến cáo cần uống nhiều nước: nước điện giải, nước trái cây… nhưng pha nước điện giải đúng liều lượng theo tình trạng bệnh không phải ai cũng biết, có thể sẽ dẫn tới rối loạn nước điện giải cho cơ thể.
Có trường hợp không uống đủ nước trong giai đoạn sốt nhưng lại bổ sung quá nhiều nước trong giai đoạn hết sốt gây thừa nước có thể gây phù phổi cấp, nguy hiểm tới tính mạng.
Vì vậy phụ huynh không nên sốt ruột, khi thực hiện tốt việc bù dịch bằng đường uống cho bé đúng hướng dẫn, các triệu chứng sau 5-7 ngày thuyên giảm thì trẻ sẽ ăn ngon miệng và thời gian hồi phục sẽ mất 1 tuần sau đó.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Sức khỏe và Đời sống)