Bản chất của việc đun sôi nước là dùng nhiệt để tiêu diệt các loại vi sinh vật, kí sinh trùng có hại trong nguồn nước. Ở 100 độ C, hầu hết các loại vi khuẩn sống trong nước sẽ bị tiêu diệt.
Tuy vậy, quá trình để nguội nước trước khi uống khiến các loại bụi, vi khuẩn…có hại trong môi trường bắt đầu quay trở lại.
Mối nguy hiểm từ nước đun sôi để lâu ngày
Các nghiên cứu cho thấy nước đun sôi sau 2 tiếng đã bắt đầu có vi khuẩn xuất hiện trở lại. Sau 24 tiếng, lượng vi khuẩn đã tăng lên rất nhiều.
Trường hợp nhiều người trộn lẫn giữa nước đun sôi mới vào nước đun sôi cũ, lưu trữ nước lâu ngày vô tình sẽ khiến các loại vi khuẩn gia tăng nhanh chóng.
Ngoài ra, nếu bạn sử dụng nước giếng khoan hoặc nước suối, ao, hồ, để đun sôi, tác dụng sẽ càng ít.
Quá trình đun sôi nước lúc này chỉ có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, nhưng không thể loại bỏ được các độc chất, kim loại nặng có sẵn trong nguồn nước.
Thời gian sử dụng nước đun sôi để nguội
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, để nước đun sôi đạt hiệu quả bảo vệ cơ thể tốt nhất, các gia đình cần sử dụng hết trong một ngày, không nên để sang ngày hôm sau. Các cách thức bảo quản nước đun sôi để nguội, tránh vi khuẩn bao gồm:
- Đặt trong khu vực sạch sẽ, dụng cụ chứa nước bằng thủy tinh, sành, sứ, nhựa nguyên sinh, kim loại có xuất xứ rõ ràng.
- Bảo quản trong bình kín, có vòi xả để tiện lợi cho mỗi lần lấy nước.
- Định kỳ vệ sinh, súc xả vật dụng chứa nước đun sôi.
- Uống hết trong vòng 24 tiếng.
- Đun nước đủ thời gian và nhiệt độ quy định. Trước khi tắt lửa phải đảm bảo nước đã đạt tới nhiệt độ sôi hoàn toàn 100 độ C, hơi nước và dòng nước chuyển động không ngừng.
Theo Zing