Thuốc corticoid thực chất là một nhóm gồm nhiều thuốc, trong đó có hai thuốc được tiết ra từ tuyến thượng thận có tên là cortisol và hydrocortisol. Hiện nay có nhiều thuốc thuộc nhóm này được tổng hợp để cho tác dụng mạnh hơn nhiều đó là: Prednisone, prednisolone, dexamethasone, triamcinolone, betamethasone v.v… Thuốc được bào chế ở nhiều dạng trong đó dạng uống hay gặp hơn cả.
Corticoid được ví như “con dao hai lưỡi”, vừa giúp khỏi bệnh nhanh nhưng nếu không biết cách sử dụng thì cũng hại không kém. Đa số các bà mẹ đều không muốn cho bé dùng corticoid vì “nghe nói nó gây hại thận, xương khớp” nhưng vấn đề là, hầu hết trẻ bị ho, viêm đường hô hấp đều được kê dùng corticoid (nhiều nhất là dexamethasone, betamethasone). Vậy vì sao corticoid lại hại như vậy?
Nguyên nhân là do cortisol (hydrocortison) là một loại hormone do tuyến thượng thận sản xuất nhằm phục vụ các hoạt động của cơ thể được điều khiển bởi trục HPA: Tuyến yên – Hạ đồi – Thượng thận. Khi lượng cortisol trong máu thấp sẽ kích thích vùng dưới đồi tiết CRH (Corticotropin Releasing Hormone), kích thích tuyến yên tiết ACTH (Adrenocorticotropic Hormone) khiến tuyến thượng thận bài tiết cortisol, ngược lại khi cơ thể có lượng cortisol trong máu cao (do bài tiết nhiều hoặc do uống thuốc) vỏ thượng thận sẽ ngưng, không sản xuất. Việc ngưng này sẽ hồi phục nếu thời gian ngắn, có thể sẽ mất chức năng vĩnh viễn nếu kéo dài.
Trong điều kiện sinh lý bình thường nồng độ GC trong huyết tương thay đổi theo nhịp ngày đêm: Cortisol trong máu tăng từ 4h sáng, đạt mức cao nhất lúc 8h sáng, sau đó giảm dần, đến 12h đêm là thấp nhất, sau đó tăng trở lại khoảng từ 4h sáng hôm sau.Vậy tuyến thượng thận “ngủ” về đêm. Nếu uống thuốc vào chiều tối, tuyến thượng thận bị ức chế suốt ngày, nếu tình trạng này kéo dài nhiều ngày sẽ gây suy teo vỏ thượng thận.
Nếu dùng corticoid liều cao, kéo dài, không có kế hoạch giảm liều thích hợp và không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra nhiều tai biến nguy hiểm cho người bệnh. Thuốc còn gây giữ muối, giữ nước trong cơ thể làm tăng cân, gây phù.
Mặt khác, khi điều trị, nếu không theo chỉ định của bác sĩ, corticoid được dùng liên tục quá 15 ngày hoặc bị dừng đột ngột, có thể gây suy tuyến thượng thận cấp tính, một biến chứng hết sức nguy hiểm, với các biểu hiện như trụy tim mạch, rối loạn nước và điện giải...
Không chỉ có nguy cơ gây ra các tai biến do độc tính của thuốc, việc lạm dụng corticoid không đúng chỉ định còn có thể khiến người bệnh bị lệ thuộc vào thuốc. Bởi vậy nên trẻ đã dùng corticoid trước đó mà sau không dùng thì khó khỏi bệnh.
Để hạn chế mức thấp nhất tác dụng phụ của corticoid, nên sử dụng theo nguyên tắc sau:
- Chỉ nên uống vào buổi sáng hoặc uống thuốc cách ngày để đỡ hại thận
- Trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân nên có chế độ ăn giảm muối, giảm đường, giàu đạm, giàu calci, bổ sung thêm kali (chuối, cam), vận động… để tránh gây loãng xương.
- Trường hợp không thể ngưng dùng corticoid thì tìm cách giảm liều đến mức có thể chấp nhận được (tức dùng với liều thấp nhất), hoặc trước đây dùng hằng ngày liên tục thì nay cách ngày dùng một lần. Ngoài ra, nên thường xuyên theo dõi đường trong máu (glucose huyết), theo dõi lượng mỡ trong máu, theo dõi mật độ xương (vì nguy cơ gây loãng xương)…
Sức khỏe là vốn quý, hãy thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức y học để sử dụng thuốc đúng cách, bảo vệ sức khỏe gia đình mình bạn nhé!