Cẩn thận, chúng tôi chọn một người tình nguyện là anh T. (đã từng hiến máu nhân đạo), dưới 25 tuổi, có tổng trạng khỏe mạnh, cao 1,82 m, nặng 76 kg cùng lúc đi lấy máu xét nghiệm ở 3 bệnh viện (BV) (một BV cấp trung ương; một BV cấp TP; và một BV cấp quận) trên địa bàn TP.HCM. Anh T. cẩn thận nhịn ăn uống mọi thứ đúng như lời bác sĩ dặn trước khi làm xét nghiệm. Để yên tâm, tại mỗi BV chúng tôi chọn khám tổng quát, và làm xét nghiệm ở khâu dịch vụ (chi phí đắt hơn, thường được mọi người tin tưởng hơn). Thời gian lấy máu xét nghiệm của anh T. tại 3 BV cách nhau không xa (từ 9 giờ đến gần 11 giờ). Thế nhưng, buổi chiều cùng ngày, khi nhận kết quả xét nghiệm thì có những sai số khác biệt giữa các BV.
Kết quả xét nghiệm lệ thuộc nhiều yếu tố từ con người đến máy móc
Về chỉ số cholesterol (chỉ số “mỡ máu”, mà mỗi lần khám sức khỏe tổng quát hằng năm, nhân viên các cơ quan thường bị “dính” và lo ngại) của BV cấp trung ương là 242 mg/dL, và BV này cho in đậm - đưa vào mức cảnh báo, vì vượt ngưỡng giới hạn bình thường; trong khi ở BV cấp quận thì chỉ số cholesterol của anh T. lại nằm trong giới hạn bình thường - chỉ có 176 mg/dL! Thông số về chỉ số men gan (cũng là loại xét nghiệm mà qua khám sức khỏe tổng quát hay báo động) cũng khác nhau: SGOT của BV cấp trung ương 46 U/L, thì BV cấp quận chỉ có 17 U/L (nhỏ hơn gần 3 lần); SGPT của BV trung ương 29 U/L, thì ở BV cấp quận chỉ 15 U/L (thấp hơn gần một nửa).
Còn chỉ số liên quan đến bệnh gút - acid uric ở BV cấp quận chỉ 5.9 mg/dL, thì ở BV tuyến trung ương cũng cao hơn là 6.7 mg/dL. Về xét nghiệm viêm gan siêu vi B, ở BV cấp TP kết quả là 69 IU/L, thì ở BV trung ương lên đến 84.2 UI/L (chỉ số về nồng độ kháng thể có trong cơ thể để chống lại viêm gan siêu vi B). Về chỉ số HDL cholesterol ở BV trung ương chỉ 54 mg/dL thì ở BV cấp quận lên đến 74,6 mg/dL.
Chỉ số LDL cholesterol ở BV trung ương chỉ có 63 mg/dL, còn ở BV quận lên đến gần 86 mg/dL. HDL và LDL là chỉ số nồng độ cholesterol có lợi và cholesterol có hại hiện diện trong cơ thể. Ngoài ra còn nhiều sai lệch khác (tham khảo bảng thống kê so sánh kết quả)…
Mẫu máu của cùng 1 người, lấy trong cùng một buổi sáng nhưng kết quả xét nghiệm của 2 bệnh viện khác xa nhau
Xét nghiệm sai ảnh hưởng đến tính mạng
Về các sai số của kết quả xét nghiệm nói trên tạm chưa thể khẳng định kết quả ở BV nào đúng, BV nào bị sai.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong vòng 2 tiếng đồng hồ của cùng một buổi sáng, bệnh nhân không ăn uống gì mà xét nghiệm cho ra kết quả có quá nhiều sai số như vậy quả thật cần phải báo động về hệ thống xét nghiệm y tế của nước ta. Theo chuyên gia về chẩn đoán xét nghiệm cận lâm sàng - bác sĩ Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic), việc sai số trong xét nghiệm có thể do con người, hay phương tiện, hóa chất dùng để thử trong xét nghiệm.
Còn bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng (phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM) thì cho rằng: “Kết quả xét nghiệm ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như lệ thuộc vào chất lượng của hóa chất xét nghiệm, việc bảo quản hóa chất đó có đảm bảo nhiệt độ ổn định không; kỹ thuật lấy máu; ảnh hưởng bởi máy móc - máy có được bảo trì, kiểm tra thường xuyên không, nếu máy không chuẩn sẽ ra kết quả sai lệch, nhiều khi kỹ thuật viên không phát hiện được; quy trình định chuẩn hằng ngày của từng khoa xét nghiệm”.
Theo một bác sĩ có nhiều năm làm xét nghiệm tại một BV chuyên khoa lớn ở TP: “Hiện nay hóa chất xét nghiệm có rất nhiều nguồn - từ hàng châu Âu của các hãng uy tín, đến các mặt hàng trôi nổi, hàng Trung Quốc, Đài Loan. Chưa kể hóa chất được pha trộn (giữa hàng xịn, hàng rẻ tiền), hóa chất cận date - và tình trạng này có những BV chưa thể kiểm soát chặt được nguồn hóa chất vào BV”.
Về việc chênh lệch ở chỉ số xét nghiệm viêm gan siêu vi B nói trên, bác sĩ Phan Thanh Hải nói: “Thông thường với chỉ số này có thể khác nhau khi làm xét nghiệm cách 24 giờ trở lên. Còn trong cùng một buổi sáng mà sai số như vậy thì khó có thể chấp nhận”. Về chênh lệch lớn ở chỉ số cholesterol, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu (phó giám đốc BV Nguyễn Trãi, nguyên trưởng khoa Xét nghiệm BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM), cho rằng: “Thông thường, kết quả xét nghiệm có thể sai số một ít, chứ một nơi ra kết quả trong giới hạn bình thường, một nơi lại ra kết quả cảnh báo bất thường thì không thể như thế được”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng cho rằng: “Chuyện sai số trong xét nghiệm giữa các BV xảy ra rất nhiều lâu nay. Nếu kết quả xét nghiệm bị sai lệch thì mọi rủi ro (từ rủi ro gián tiếp đến rủi ro trực tiếp) thuộc về người bệnh; có những rủi ro trực tiếp liên quan đến sinh mạng bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm sai có thể sẽ dẫn đến chẩn đoán bệnh sai - không bệnh thành có bệnh, khiến người ta hoang mang lo lắng và tốn kém chi phí điều trị; hoặc có bệnh thành không bệnh dẫn đến chậm trễ trong điều trị, đưa đến biến chứng làm bệnh trầm trọng hơn, đôi khi người bệnh mất cơ hội chữa trị”.
Lâu nay, bác sĩ của các BV thường không tin tưởng kết quả xét nghiệm của nhau, nên mỗi khi bệnh nhân làm xét nghiệm ở BV này, rồi ngay sau đó được chuyển đến BV khác điều trị, thì phần lớn bác sĩ đều cho làm lại các xét nghiệm. Điều này khiến người bệnh vừa tốn kém, vừa mất thời gian, và lần xét nghiệm sau cùng đó có thực đã chính xác?
“Một khi kết quả xét nghiệm bị sai, sẽ làm cho việc chẩn đoán lệch đường đi. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân có bệnh tiểu đường, mà xét nghiệm ra bình thường, không phát hiện bệnh, điều này sẽ dẫn đến biến chứng, việc điều trị trễ; hoặc người bệnh không ung thư nhưng xét nghiệm cho rằng họ bị ung thư khiến người ta hoang mang lo lắng, tốn kém đi kiểm tra lại, hoặc thậm chí tốn kém lo chữa trị...” - Bác sĩ Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic "Nếu kết quả xét nghiệm bị sai lệch thì mọi rủi ro (từ rủi ro gián tiếp đến rủi ro trực tiếp) thuộc về người bệnh; có những rủi ro trực tiếp liên quan đến sinh mạng bệnh nhân" - Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM |
Theo Thanh niên