Nhiều sai phạm ở bệnh viện (BV) Nhi Hải Dương (tỉnh Hải Dương), một trong số đó là dấu hiệu làm giả hồ sơ bệnh nhân để trục lợi bảo hiểm y tế đang thành tâm điểm dư luận những ngày qua.
Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM), Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM xung quanh vấn đề này.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan trả lời PV báo Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Dương Thu).
Theo điều tra, thời gian gần đây, tại BV Nhi Hải Dương có hiện tượng đưa bệnh nhân vào chăm sóc cấp 1 (cho dù bệnh nặng hay nhẹ) với mục đích để tính tiền bảo hiểm y tế cao lên. Báo Người Đưa Tin đã có loạt bài phản ánh. ĐB có bình luận gì trước hiện tượng này?
Một trong những vấn đề cần quan tâm là làm sao phát hiện ra các trường hợp như thế. Chúng ta cũng cần thấy sự tăng giá dịch vụ bất thường ở những cơ sở như thế nào. Nếu tin học hóa, phủ công nghệ thông tin ở các khâu thì sẽ hạn chế những hiện tượng tiêu cực.
Đối với trục lợi bảo hiểm y tế, thực ra ở các nước giàu vẫn có hiện tượng bác sĩ, bệnh nhân bắt tay để lấy thuốc, thụ hưởng các chính sách của bảo hiểm y tế. Do đó, cần kiểm soát thật tốt vấn đề này.
Về phía bảo hiểm, họ cũng nhiều sức ép. Người ta luôn chê bảo hiểm chi trả rẻ quá, chất lượng không tốt. Hoặc, các bệnh viện cũng không hào hứng gì khi chữa bằng bảo hiểm y tế. Nhưng một mặt, bảo hiểm cũng bị lạm dụng với nhiều hình thức tinh vi kể trên. Do đó, tôi nghĩ, khi phát hiện đến đâu, phải xử lý nghiêm đến đó.
Quan điểm của đại biểu về việc làm giả hồ sơ bệnh nhân để được hưởng bảo hiểm y tế ở BV Nhi Hải Dương?
Đó là phạm pháp. Việc làm giả hồ sơ rõ ràng là vi phạm và phải phối hợp bảo hiểm để xử lý. Nếu xác định rõ bệnh viện có sự móc ngoặc, thông đồng để trục lợi bảo hiểm y tế thì sẽ bị truy tố ra pháp luật.
Trước đây, tôi được biết, cơ quan chức năng cũng từng truy tố một trường hợp ở bệnh viện Chợ Rẫy. Đó là điều hết sức đáng tiếc. Một bác sĩ được đào tạo nhiều năm, có trình độ chuyên môn tốt, làm việc ở bệnh viện công là rất đáng trân trọng. Do đó, mất cán bộ là một điều đáng buồn. Nhưng một khi đã vô đạo đức, có hành vi vi phạm pháp luật thì phải kỷ luật, xử lý.
Phải nói thêm rằng, nhờ bảo hiểm y tế mà chúng ta giải quyết được nhiều vấn đề trong mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Còn nếu một xã hội lúc nào cũng là bệnh nhân tự bỏ tiền túi, tán gia bại sản vì một căn bệnh thì không tốt.
Lâu nay, các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng là phạm pháp nhưng xử lý rất khó. Cần tăng cường kiểm soát bằng công nghệ thông tin, tin học hóa. Để tránh lạm dụng thì phải có phác đồ điều trị chuẩn. Không thể để kê mấy chục loại thuốc cho cùng một bệnh được. Chính sách bao giờ cũng tốt nhưng có những người lạm dụng thì cần xử lý.
Vậy, trách nhiệm chính trong những sai phạm này là cá nhân, đơn vị nào, thưa đại biểu?
Bệnh viện của tỉnh thì trách nhiệm là Sở Y tế. Sở phải chịu trách nhiệm báo cáo. Nếu đã báo cáo thì chắc chắn Bộ Y tế sẽ hỏi xuống và yêu cầu làm rõ.
Có thông tin tố cáo cho rằng, BV Nhi Hải Dương ép bệnh nhân nằm viện dài ngày, số tiền điều trị lớn trong khi bệnh tình chưa đến mức nặng như vậy. Đại biểu nghĩ sao về điều này?
Vậy tôi mới nói, bảo hiểm cần tính lại cơ chế chi trả về định suất như thế nào. Tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu. Còn phía bệnh viện, họ cứ nghĩ cha chung không ai khóc, ai cũng “véo” một cái, thì phải xử lý khi phát hiện sai phạm.
Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Dương Thu (thực hiện)