Thanh tra bộ GD&ĐT vừa kết luận nhiều sai phạm trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ tại học viện KHXH (thuộc viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Kết luận nêu, năm 2015, một giáo sư đã hướng dẫn đến... 44 học viên các ngành: Luật, Chính sách công, Công tác xã hội. Còn với đào tạo tiến sĩ, vị giáo sư này hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng để có những góc nhìn cụ thể về vấn đề này.
PV: Ông đánh giá thế nào về trường hợp hi hữu một GS hướng dẫn 44 học viên, 12 nghiên cứu sinh trong một năm?
ĐBQH Phạm Tất Thắng: Trong một năm, một giám đốc học viện ngoài việc quản lý còn làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học... mà hướng dẫn một số lượng người học lên thạc sĩ, tiến sĩ gấp nhiều lần quy định như vậy thì không thể đảm bảo chất lượng được. Khi bộ GD&ĐT quy định số lượng hướng dẫn học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ, Bộ đã phải tính đến việc đảm bảo chất lượng hướng dẫn.
Thứ hai, ở góc độ nhà khoa học làm công tác quản lý, trước tiên bản thân người lãnh đạo phải gương mẫu. Nhưng bản thân ông Vinh đã không gương mẫu, vi phạm quy định. Giám đốc học viện phải biết quy định liên quan trực tiếp đến chuyên môn của học viện là đào tạo sau ĐH, phải biết quy định của cơ quan quản lý Nhà nước (bộ GD&ĐT – PV) một giảng viên tối đa được hướng dẫn bao nhiêu người học lên thạc sĩ, tiến sĩ.
Sự việc này cho thấy, học viện không thực hiện đúng quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Với trách nhiệm, đạo đức một nhà giáo, việc đào tạo như vậy không thể đảm bảo chất lượng.
PV: Sai phạm này từ năm 2015-2016 nhưng phải đến khi Thanh tra bộ GD&ĐT phát hiện mới được làm rõ. Ông đánh giá sao về thực tế này?
ĐBQH Phạm Tất Thắng: Điều này cho thấy hiệu quả của hệ thống thanh tra, kiểm tra của viện Hàn lâm KHXH VN, việc thanh tra nội bộ của học viện không phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, có một lý do khách quan là GS. Võ Khánh Vinh là Giám đốc học viện KHXH, là người đứng đầu học viện nên có sự nể nang hoặc có phát hiện ra nhưng tính đấu tranh của hệ thống thanh tra nội bộ, tổ chức Đảng tại học viện không phát huy được vai trò của mình. Các viện có nhiều nhưng học viện đào tạo tập trung thì chỉ có một. Chính vì thế, lẽ ra viện Hàn lâm KHXH VN phải thể hiện vai trò giám sát của mình rõ nét hơn.
Một yếu tố khách quan dẫn đến thực tế này là do ngay trong cách thức tổ chức đã gây ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra, thanh tra. Ông Võ Khánh Vinh thời điểm đó là Phó Viện trưởng viện Hàn lâm KHXH VN, kiêm Giám đốc học viện KHXH, vừa làm lãnh đạo đơn vị trực thuộc vừa là cấp trên nên hiệu quả giám sát không cao.
PV: Học viện KHXH từng được gọi là “lò ấp tiến sĩ”, có các công trình nghiên cứu “hiếm có khó tìm”, làm dấy lên lo ngại về chất lượng đào tạo sau đại học. Vậy theo ông, thời gian tới cơ quan chức năng cần chấn chỉnh cụ thể ra sao để khắc phục thực trạng này?
ĐBQH Phạm Tất Thắng: Bộ GD&ĐT đã có những quy định cụ thể về điều kiện thành lập khoa, cơ sở đào tạo. Mỗi giảng viên cơ hữu một năm được hướng dẫn bao nhiêu học viên cao học, bao nhiêu nghiên cứu sinh. Số lượng đã quy định cụ thể. Rõ ràng, ở đây trách nhiệm đầu tiên là của học viện khi xác định số lượng đào tạo là không phù hợp năng lực của cơ sở. Thứ hai là trách nhiệm của cơ quan chủ quản, viện Hàn lâm KHXH VN. Tiếp đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý - bộ GD&ĐT, trong việc xét chỉ tiêu đào tạo không sát thực tiễn. Chính vì thế, muốn khắc phục tình trạng này phải rút kinh nghiệm từ cả ba khâu.
PV: Dư luận đặt câu hỏi là với các sai phạm xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
ĐBQH Phạm Tất Thắng: Đây là cơ quan hoạt động theo nguyên tắc thủ trưởng, trách nhiệm của người đứng đầu là đương nhiên. Người đứng đầu tại thời điểm xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm với toàn bộ hoạt động của các đơn vị. Chúng ta hoàn toàn có thể quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Chính vì thế kết luận đã có, tôi hy vọng sẽ làm rõ trách nhiệm trong việc để sai phạm xảy ra.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hoàng Mai