20 bị can bị truy tố liên quan sai phạm tại IPC và Sadeco
Ngày 13/9, Viện KSND Tp.Hồ Chí Minh đã hoàn tất cáo trạng, truy tố ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 – 2020 cùng 19 bị can khác liên quan đến sai phạm xảy ra lại Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn – Sadeco và Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC.
Có 12 bị can bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, gồm: Tất Thành Cang, Phạm Văn Thông, Nguyễn Hữu Thành, Lê Hoàng Minh, Vũ Xuân Đức, Nguyễn Trường Bảo Khanh, Trần Mạnh Khôi, Đoàn Minh Lý, Lâm Văn Tuấn, Phùng Đức Trí, Đoàn Thị Minh Trang, Lương Trí Cường.
7 bị can bị truy tố về 2 tội Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, gồm: Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco); Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Sadeco); Trần Công Thiện (cựu Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV ĐT XD Tân Thuận); Đỗ Công Hiệp, Huỳnh Phước Long, Phạm Xuân Trung, Trần Đăng Linh.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Minh bị truy tố về tội Tham ô tài sản.
Trước đó, ông Tất Thành Cang và 19 đồng phạm, trong đó có Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc, Trần Công Thiện,… bị đề nghị truy tố trong vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.
Cụ thể, vào những năm đầu của thập niên 1990, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu đô thị mới Nam Tp.Hồ Chí Minh (khu đô thị mới quy mô lớn đầu tiên của Tp.Hồ Chí Minh).
Để triển khai quy hoạch, UBND Tp.Hồ Chí Minh thành lập Công ty Sadeco. Sau đó, Sadeco trở thành công ty cổ phần, với vốn điều lệ khoảng 170 tỷ đồng vào năm 2015. Trong đó, tỉ lệ vốn góp của Công ty IPC tại Sadeco chiếm khoảng 74%.
Mang trong mình “sứ mệnh đặc biệt”, Sadeco ngày càng phát triển, với quỹ đất ngày càng lớn rải khắp Tp.Hồ Chí Minh. Trong đó, có nhiều bất động sản tại các vị trí đắc địa.
Nhờ kinh doanh lãi lớn, năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Sadeco là hơn 153 tỷ đồng (trong khi doanh thu thuần chỉ hơn 290 tỷ đồng). Đến năm 2017, doanh thu của công ty này đã tăng lên hơn 265 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 111 tỷ đồng.
Nhưng vào thời điểm làm ăn thịnh vượng nhất, cũng là lúc những sai phạm phát sinh, tài sản Nhà nước tại Sadeco bị lũng đoạn, tư nhân thâu tóm khiến tài sản của Nhà nước thất thoát, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Trong đó, những sai phạm này thuộc trách nhiệm của ông Tề Trí Dũng, bà Hồ Thị Thanh Phúc và nhiều lãnh đạo chủ chốt tại IPC, Sadeco …
IPC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, góp vốn và nắm quyền chi phối tại Sadeco với tỉ lệ 74,8%.
Sau thương vụ IPC bán đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phiếu tại Sadeco vào năm 2015, tỉ lệ vốn góp của IPC tại Sadeco còn 44%. Giai đoạn này, Sadeco đang hoạt động kinh doanh hiệu quả, tỉ lệ phân chia cổ tức có thời điểm lên đến 40%.
Cũng trong năm 2015, trong đề án tái cơ cấu, UBND Tp.Hồ Chí Minh yêu cầu IPC không được giảm thêm tỉ lệ sở hữu vốn.
Tuy nhiên, IPC đã không thực hiện yêu cầu, giảm tỉ lệ sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống chỉ còn 28,8% thông qua phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá.
Cụ thể, ngày 10/11/2016, Công ty Nguyễn Kim có văn bản đề xuất tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco và sau đó được dàn lãnh đạo IPC biểu quyết thông qua với tỉ lệ 100%.
Ngày 19/10/2017, Công ty Nguyễn Kim chuyển thanh toán cho Sadeco 360 tỷ đồng là số tiền mà Công ty này mua cổ phiếu của Sadeco. Tuy nhiên, số tiền này không được dùng để tăng vốn điều lệ, mà Sadeco đã gửi vào ngân hàng với kỳ hạn 18 tháng để lấy lãi.
Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỉ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,5%). Trong khi cổ đông chiến lược của Sadeco là Công ty Nguyễn Kim chiếm hơn 54% vốn điều lệ.
Phát hiện sai phạm trên và hàng hoạt sai phạm khác tại IPC, UBND Tp.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Thanh tra thành phố này tiến hành thanh tra toàn diện IPC và các doanh nghiệp con, liên doanh, liên kết và những doanh nghiệp có vốn góp của IPC.
Theo Thanh tra Tp.Hồ Chí Minh, bản chất vụ việc này là việc chỉ định đối tác chiến lược và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp là trái quy định pháp luật, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng của Nhà nước.
Số tiền thiệt hại này, theo Thanh tra Tp.Hồ Chí Minh là tiền chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu, còn nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”.
Bị can Tất Thành Cang chịu trách nhiệm với thiệt hại 184 tỷ đồng
Trước khi Sadeco bán cổ phần để Công ty Nguyễn Kim chiếm 54% vốn điều lệ, nhóm cổ đông Nhà nước từng chiếm 62,8% cổ phần tại Sadeco. Trong đó, Văn phòng Thành ủy (chiếm gần 2%), Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy, chiếm khoảng 15%).
Sau đó, IPC trình UBND Tp.Hồ Chí Minh phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần tại Sadeco từ 44% xuống 28,5%.
Ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy có Thông báo 495-TB/VPTU do nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh Tất Thành Cang ký, truyền đạt ý kiến chỉ đạo “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.
Cụ thể, ngày 16/5/2017, bị can Cang có bút phê ký “Đồng ý” vào Tờ trình 1148-TTr ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh với giá phát hành cổ phần được xác định là 40.000 đồng/cổ phần cho một cổ đông chiến lược là sai theo quy định tại Điều 125 và điểm d khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp.
Bị can Tất Thành Cang biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ, nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định.
Ngày 14/8/2018, Sadeco họp Đại hội cổ đông thống nhất giao HĐQT đàm phán với Công ty Nguyễn Kim để hủy hợp đồng hợp tác đầu tư.
Ngày 17/10/2019, Sadeco ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với đối tác với Công ty Nguyễn Kim, hoàn trả lại cho Công ty Nguyễn Kim 360 tỷ đồng, còn Sadeco được nhận lại 9 triệu cổ phần.
Dù hậu quả của vụ án đã được khắc phục, nhưng do hành vi phạm tội của bị can Tất Thành Cang và đồng phạm đã hoàn thành nên việc đề nghị truy tố là có căn cứ.
Trong đó, bị can Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát, thiệt hại tương ứng với phần sở hữu của Văn phòng Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh tại Sadeco (16,7%) là 184 tỷ đồng.