Đường đi dòng tiền của PVC tại PVC-KBC
Theo hồ sơ mà PV Người Đưa Tin có được, công ty CP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC-KBC) do Đỗ Văn Hồng, làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ là công ty cổ phần.
Trong đó, Tổng Công ty CP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) góp vốn 2,5 tỷ đồng (chiếm 5% vốn điều lệ công ty) nhưng không có tiền mặt mà góp vốn bằng thương hiệu, giao ông Đinh Văn Ngà, Uỷ viên HĐQT PVC là người đại diện quản lý.
Vào năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ. Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí (PVTEX) được thành lập để thực hiện dự án này.
Năm 2009, PVTEX có chủ trương đầu tư xây dựng Dự án nhà ở cho cán bộ, công nhân viên. Dự án có tổng mức đầu tư 318 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện là vốn vay của PVN (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) và vốn chủ sở hữu của PVTEX.
Nhà thầu thi công xây dựng dự án là PVC, nhưng sau đó đã thay đổi thành Liên danh PVC-KBC và công ty CP Thiết kế Quốc tế HEERIM-PVC. Kết quả điều tra, xác định liên danh nhà thầu này không đủ điều kiện theo hồ sơ yêu cầu nhưng vẫn được chấp thuận.
Tháng 8/2009, PVC cùng đơn vị của ông Hồng thỏa thuận thi công một số hạng mục thuộc dự án nhà máy Polyester Đình Vũ (Hải Phòng).
Sau khi ông Hồng đề xuất, Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT PVC thời điểm đó đã tác động để PVC-KBC được tạm ứng 25 tỷ đồng ngân sách.
Nhận được tiền, Đỗ Văn Hồng không sử dụng mục đích như hợp đồng, mà trích ra gần 24 tỷ đồng, lấy danh nghĩa PVC-KBC để mua 3.400 m2 đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc)?.
Tiếp đó, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Hồng chuyển nhượng mảnh đất cho công ty Mai Phương do gia đình Thanh sở hữu với mức giá tương đương tiền mua.
Vào ngày 17/9/2009, PVC có quyết định rút 2,5 tỷ đồng, tương ứng với 250.000 cổ phần phần vốn góp bằng giá trị thương hiệu của PVC tại PVC-KBC do ông Đinh Văn Ngà, Uỷ viên HĐQT PVC là người đại diện quản lý, để giao cho ông Nguyễn Văn Đồng, Trưởng ban Tổ chức nhân sự PVC làm người đại diện pháp lý.
Ngày 9/8/2010, người đại diện phần vốn của PVC có văn bản gửi HĐQT PVC xin ý kiến về phương án góp 2,5 tỷ đồng tiền mặt vào PVC-KBC thay vì góp vốn bằng thương hiệu và đề xuất tăng vốn điều lệ của PVC-KBC từ 50 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng.
Ngày 18/8/2010, ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT PVC đã ký Văn bản số 840/XLDK-HĐQT chấp thuận cho PVC góp bằng tiền mặt 2,5 tỷ đồng vào PVC-KBC thay vì thương hiệu. Đồng thời, văn bản này cũng chấp thuận cho PVC-KBC tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng. Trường hợp các cổ đông hiện hiệu tại Kinh Bắc không góp vốn thì PVC sẽ góp vốn thay.
Để hợp thức hóa số tiền mà PVC-KBC đã tạm ứng hồi tháng 8/2009, cựu Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ, thủ tục chuyển nhượng 21 tỷ đồng tiền tạm ứng từ PVC cho PVC-KBC thành tiền PVC góp vốn vào PVC-KBC.
Tiếp đến, bằng Văn bản số 5841/QĐ-XLDK-TCKT ngày 24/12/2010 đã quyết định gán phần tạm ứng này để góp vốn 21 tỷ đồng vào PVC-KBC, nâng tổng số vốn góp của PVC tại PVC-KB lên 23,5 tỷ đồng.
Công trình nhà ở cho công nhân của PVTEX nói trên được triển khai giai đoạn 1 với tổng số vốn là trên 101 tỷ đồng. Đỗ Văn Hồng với tư cách là Chủ tịch HĐQT PVC-KBC đã nhiều lần tạm ứng với số tiền trên 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Hồng không sử dụng số tiền tạm ứng đúng mục đích, dẫn đến không có tiền tiếp tục thi công dự án, khiến công trình chưa thể hoàn thành và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Liên quan đến “thương vụ” này tại PVTEX, ngoài sai phạm của ông Hồng, cơ quan điều tra còn khởi tố các bị can khác là Chủ tịch HĐQT, TGĐ và 2 lãnh đạo phòng khác của PVTEX.
Vụ án xét xử các sai phạm này đã được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử hồi tháng 8/2018 và buộc các bị cáo Hồng, Hiếu cùng 2 lãnh đạo phòng của PVTEX phải chịu trách nhiệm hình sự với các mức án tù nghiêm khắc.
Riêng TGĐ PVTEX Vũ Đình Duy đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra quyết định đình chỉ điều tra, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Có hay không lợi ích nhóm?
Nhìn lại toàn bộ đường đi dòng tiền của PVC tại PVC-KBC để thấy, từ việc đề xuất, đến việc chấp thuận cho tăng vốn trong một thời gian cực ngắn là có “vấn đề”?.
Cụ thể, ngày 9/8/2010 ông Nguyễn Văn Đồng đề nghị góp vốn bằng tiền mặt và tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng tại PVC-KBC, thì hơn 1 tuần sau, ông Trịnh Xuân Thanh ký văn bản 840/XLDK-HĐQT ngày 18/8/2010 chấp thuận tất cả các đề nghị của ông Đồng.
Theo nguồn tin cung cấp cho PV thì: Việc tăng vốn điều lệ tại PVC phải được thực hiện với một quy trình nghiêm ngặt, có sự giám sát, chấp thuận của nhiều cấp khác nhau.
Theo đó, trên cơ sở báo cáo của người đại diện, HĐQT Tổng Công ty sẽ chỉ đạo TGĐ, các Ban chức năng xây dựng báo cáo, lên phương án, thẩm định trong đó phải nêu rõ được lợi ích của Tổng công ty thông qua việc tăng vốn. Trên cơ sở báo cáo của các ban chức năng, TGĐ sẽ có Tờ trình lên HĐQT xin ý kiến.
HĐQT sau khi nhận được tờ trình sẽ tổ chức họp/lấy ý kiến các thành viên HĐQT, xin ý kiến chấp thuận của Tập đoàn, sau khi được chấp thuận sẽ có Nghị quyết để giao TGĐ thực hiện. Như vậy, muốn tăng vốn phải mất nhiều tháng chứ không thể nhanh như vậy.
Xét về pháp nhân, PVC-KBC là 1 công ty tư nhân do ông Hồng làm Chủ tịch HĐQT, ông Hồng khai thác thương hiệu PVC. PVC chỉ là 1 cổ đông của PVC-KBC, và chỉ góp vốn bằng "tiền hơi" - giá trị thương hiệu chứ chưa góp một đồng nào.
Liệu có mối quan hệ nào khác giữa Trịnh Xuân Thanh, ông Hồng và người đại diện phần vốn của PVC tại PVC-KB?
Bởi, ngay sau khi nhận được đề xuất từ cấp dưới Trịnh Xuân Thanh đã chấp thuận tăng vốn trong một thời gian ngắn mà không thông qua các ban chức năng và các thành viên HĐQT, không có chủ trương, thực hiện vội vàng, trong một thời gian ngắn, cũng như không có nghị quyết của HĐQT về việc tăng vốn.
Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh ký quyết định chấp thuận tăng vốn tại PVC-KBC, văn bản được giao xuống ban Tổng Giám đốc PVC. Chấp thuận chủ trương từ Văn bản 840, ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính PVC ký Quyết định 5841 để hoàn thiện.
Về mặt nguyên tắc, khi ký Quyết định số 5841 ông Tiến chỉ thực hiện theo quy trình. Nghĩa là khi có chỉ đạo từ HĐQT, cụ thể là Chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh thì phải thực hiện.
Như vậy, các chỉ đạo sai tại văn bản 840 dẫn tới tới hệ quả là ông Tiến, Trịnh Xuân Thanh cùng nhiều lãnh đạo, nhân viên khác tại PVC bị bắt, khởi tố và phải chịu trách nhiệm hình sự. Vậy, những cá nhân khác trong vụ việc liệu có vô can? Cần phải làm rõ nguồn gốc của các sai phạm khiến Nhà nước thiệt hại bắt nguồn từ quy trình chấp thuận các nội dung tại Văn bản 840 này, kéo theo một loạt hệ lụy, sai phạm mang tính hệ thống.
Việc để xuất tăng vốn, quyết định chấp thuận tăng vốn chóng vánh, kéo theo các hệ lụy làm PVC-KBC thua lỗ triền miên, khiến PVC mất vốn tại PVC-KBC.
Và có hay không sự thiếu trách nhiệm của người đại diện nguồn vốn của PVC tại PVC-KBC hay lãnh đạo PVC lơ là trong việc quản lý nguồn vốn tại đây sẽ được đề cập trong bài tiếp theo.
Công Thư - Chí Thanh