Phù phép như thế nào?
Như đã đề cập ở bài trước, vào ngày 17/9/2009, PVC có quyết định về việc thay đổi người đại diện pháp lý phần vốn của PVC tại PVC-KBC.
Theo đó, PVC quyết định rút 2,5 tỷ đồng, tương ứng với 250.000 cổ phần (chiếm 5% vốn điều lệ công ty).
Phần vốn góp bằng giá trị thương hiệu của PVC tại PVC-KBC hiện do ông Đinh Văn Ngà, Uỷ viên HĐQT PVC là người đại diện quản lý, để giao cho ông Nguyễn Văn Đồng, Trưởng ban Tổ chức nhân sự PVC làm người đại diện pháp lý.
Ngày 9/8/2010, đại diện phần vốn của PVC tại PVC-KBC có văn bản gửi HĐQT xin ý kiến về việc góp 2,5 tỷ đồng bằng tiền, thay cho phần vốn góp bằng thương hiệu và phương án tăng vốn điều lệ PVC-KBC từ 50 tỷ đồng lên thành 150 tỷ đồng.
Đồng thời, yêu cầu PVC-KBC ký kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu Tập đoàn theo quy chế sử dụng nhãn hiệu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ngày 18/8/2010, Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT (hiện đang thụ án) cũng đã có văn bản (số 840) về việc chấp thuận PVC góp 2,5 tỷ đồng bằng tiền thay cho phần vốn đã góp bằng thương hiệu vào PVC-KBC.
Đồng thời, chấp thuận PVC-ME tham gia góp vốn thay cho PVC bằng tài sản thiết bị của PVC-ME hiện đang sử dụng tại PVC-KBC và trở thành cổ đông của PVC-KBC. Mặt khác, chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ PVC-KBC từ 50 tỷ đồng lên thành 150 tỷ đồng.
Ngày 24/12/2010, PVC cũng có quyết định (số 5841) do ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng giám đốc PVC (thời điểm đó) ký góp vốn điều lệ PVC-KBC bằng hình thức gán trừ công nợ với số tiền là 21 tỷ đồng.
Đây được cho là nguồn vốn kinh doanh và các nguồn hợp pháp khác của Tổng công ty.
Đến ngày 4/4/2017, ông Đồng thôi làm người đại diện quản lý phần vốn của PVC tại PVC-KBC (2.350.000 cổ phần, tương đương 23,5 tỷ đồng).
Thua lỗ không phanh, ai phải chịu trách nhiệm?
Như đã đề cập ở kỳ trước, bắt nguồn từ Văn bản 840, PVC đã chuyển công nợ tạm ứng cho PVC-KBC thành vốn góp là sử dụng sai mục đích số vốn này.
Việc góp vốn không thông qua Nghị quyết của HĐQT PVC, sự chấp thuận của Tập đoàn và do kết quả kinh doanh thua lỗ tại PVC-KBC, dẫn đến doanh nghiệp mất hết vốn điều lệ, gây thiệt hại cho PVC mất toàn bộ phần vốn góp vào PVC-KBC?.
Tính đến thời điểm 2017, sau nhiều năm thua lỗ liên tục, PVC-KBC đã trên bờ vực phá sản, các tài sản đều cầm cố tại ngân hàng, công ty không còn khả năng hoạt động liên tục. Điều này được thể hiện trong báo cáo tài chính tự lập của đơn vị.
Cụ thể, Theo báo cáo tài chính tự lập của PVC-KB tại thời điểm kết thúc năm tài chính là ngày 31/12/2016 thì doanh nghiệp này đang có số nợ phải trả lên đến trên 225 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 202 tỷ đồng, vay nợ dài hạn 23 tỷ đồng.
Vào thời điểm này, vốn chủ sở hữu chỉ là trên 78 tỷ đồng và vốn đầu tư của chủ sở hữu là 150 tỷ đồng. Tính tổng cộng nguồn vốn mà doanh nghiệp này có là hơn 300 tỷ đồng.
Điều đáng nói là số nợ này kéo dài từ năm 2012 cho tới thời điểm 2016. Vào thời điểm 2012, số nợ phải trả của PVC-KBC là 141 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm 2016 thì đã lên tới trên 225 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo kết quả kinh doanh, trong 2 năm liên tiếp (2015, 2016), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ vụ là bằng 0, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng bằng 0.
Chỉ có doanh thu từ hoạt động tài chính nhưng không đáng kể, dẫn tới lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cũng không đáng kể.
Báo cáo tài chính của PVC-KBC thể hiện, trong khoảng thời gian dài từ năm 2012 – 2016, PVC đã tiềm ẩn việc mất vốn tại PVC-KBC.
Hơn thế nữa, PVC-KBC trải qua quá trình dài kinh doanh thê thảm, đặc biệt là trong hai năm (2015, 2016) không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào.
Thế nhưng, lúc này, vai trò người đại diện phần vốn của PVC chưa thể hiện rõ nét trong việc báo cáo hay kiến. nghị giải pháp để cải thiện tình hình bết bát tại PVC-KBC.
Từ đây, đặt ra dấu hỏi về trách nhiệm liên đới của người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVC-KBC như thế nào cũng cần phải được bàn tới khi xác định các sai phạm?
Hiện PVC-KBC đã “chết lâm sàng”, không có hoạt động sản xuất kinh doanh nào, PVC đã mất hết vốn tại PVC-KBC.
Cơ quan chức năng cần làm rõ các sai phạm trong việc mất vốn Nhà nước này thuộc về cá nhân, tổ chức nào.
Để điều tra mở rộng vụ án liên quan đến các hành vi có dấu hiệu sai phạm nói trên, làm thiệt hại số tiền lớn của Nhà nước tại PVC-KBC, hồi tháng 4/2019, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã có văn bản gửi PVC đề nghị cung cấp các văn bản liên quan lý lịch của lãnh đạo PVC, người đại diện nguồn vốn tại PVC-KBC, các tài liệu, hồ sơ về việc thanh toán, tạm ứng 25 tỷ đồng từ PVC vào PVC-KBC; các tài liệu liên quan đến số tiền 23,5 tỷ đồng là số tiền PVC góp vốn tại PVC-KBC.
Ngoài ra, đến tháng 6/2019, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đánh giá có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy trình góp vốn, tăng vốn của PVC-KBC là không tuân thủ quy định, quy trình, có dấu hiệu thống nhất với nhau để thực hiện.
Văn bản đề nghị cung cấp thông tin nêu: “Các quyết định nêu tại Công văn số 840 ngày 18/8/2010 và Thông báo số 1321/TB-XLDK ngày 20/12/2010 có được thông qua các thành viên HĐQT PVC hay không? Ý kiến của từng thành viên HĐQT về các nội dung đó như thế nào?”.
Đồng thời, Cơ quan An ninh điều tra cũng yêu cầu PVC cung cấp Biên bản cuộc họp HĐQT hoặc Phiếu biểu quyết của các thành viên, Nghị quyết của HĐQT về nội dung này (nếu có).
Và mới đây nhất, vào đầu tháng 2/2020, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục đề nghị PVC rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu xác định nguồn vốn đối với khoản tiền 21 tỷ đồng PVC đã góp, tăng vốn điều lệ tại PVC-KBC vào năm 2010.
Chí Thanh - Công Thư