Phiên tòa xét xử 20 bị cáo tại TAND Tp.HCM liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, 100% vốn Nhà nước) vẫn tiếp tục với phần thẩm vấn.
Bị cáo Tề Trí Dũng: “Anh Cang nói giúp đỡ Nguyễn Kim”
Trong chiều ngày 28/12, các vấn đề xét hỏi xoay quanh việc có hay không việc bị cáo Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM nhiệm kỳ 2015 – 2020 có chỉ đạo Tề Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Sadeco bán cổ phần chỉ định cho Công ty Nguyễn Kim, gây thiệt hại gần 200 tỷ đồng của Nhà nước.
Liên quan đến việc đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, bị cáo Dũng cho biết, trước đó không quen biết ai tại Công ty Nguyễn Kim. Sau đó, trong một buổi họp tại Công ty Hiệp Phước, Dũng có gặp mặt 2 người của Nguyễn Kim, trong đó có Tổng giám đốc của công ty này.
“Khi đó, Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Kim có nói với bị cáo việc mong muốn được tham gia vào Sadeco. Tôi nói mình chỉ là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Sadeco, còn lại việc quyết định ai tham gia vào phải thông qua Chủ tịch UBND Tp.HCM và Phó Bí thư thường trực Thành ủy lúc bấy giờ là ông Tất Thành Cang”, Dũng khai.
Trả lời câu hỏi có hay không việc được bị cáo Cang chỉ đạo bán cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, bị cáo Dũng khẳng định, bị cáo Cang chỉ nói “giúp đỡ Nguyễn Kim” chứ không chỉ đạo phát hành cổ phần, cổ phiếu cho Nguyễn Kim.
“Việc phát hành cổ phần này là cả quá trình họp và nghiên cứu, báo cáo, tờ trình của Sadeco chứ không phải là do chỉ đạo của anh Cang”, bị cáo Dũng cho biết.
Tuy nhiên, theo bị cáo Dũng, nếu bị cáo Cang không nói là giúp đỡ Nguyễn Kim thì chắc chắn các công việc liên quan đến bán cổ phần cho Nguyễn Kim sẽ không được được thực hiện sau đó.
Thời điểm làm Tổng Giám đốc của IPC, bị cáo Dũng nhận được nhiều chỉ đạo của Tất Thành Cang và đều là những chỉ đạo tâm huyết. Do đó, khi nghe bị cáo Cang nói giúp đỡ Nguyễn Kim, Dũng coi đây là chỉ đạo để làm việc.
Khi được hỏi có văn bản chỉ đạo hay chỉ đạo trực tiếp nào không và chỉ đạo miệng có giá trị pháp lý hay không? bị cáo Dũng cho biết, về mặt pháp lý thì chỉ đạo miệng không có giá trị.
Tuy nhiên, theo Dũng, theo nhận thức của bị cáo thì việc nghe theo ý kiến chỉ đạo miệng của cấp trên chính là vấn đề đạo đức.
“Nhưng nếu chỉ đạo này là trái pháp luật thì bị cáo không bao giờ làm”, bị cáo Dũng trình bày.
Bị cáo Tất Thành Cang phản bác cáo trạng
Cũng tại phiên tòa, khi được hỏi các vấn đề liên quan đến cáo buộc có chỉ đạo Sadeco phải bán cổ phần cho Nguyễn Kim hay không. Bị cáo Cang khẳng định không có chỉ đạo, vì không chịu trách nhiệm cao nhất phần vốn góp của Thành ủy Tp.HCM tại Sadeco.
Cáo trạng xác định bị cáo Cang có bút phê ký “Đồng ý” vào Tờ trình 1148-TTr ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy Tp.HCM với giá phát hành cổ phần được xác định là 40.000 đồng/cổ phần cho một cổ đông chiến lược là sai theo quy định tại Điều 125 và điểm d khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp.
Ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy có Thông báo 495-TB/VPTU do nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM Tất Thành Cang ký, truyền đạt ý kiến chỉ đạo “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.
Bị cáo Cang biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ, nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định.
Hành vi của bị cáo Cang, theo cáo trạng là trực tiếp gây thiệt hại 184 tỷ đồng, tương ứng với phần sở hữu của Văn phòng Thành ủy Tp.HCM tại Sadeco (16,7%).
Tuy nhiên tại tòa, bị cáo Cang khẳng định mình không chỉ đạo phát hành và bán rẻ cổ phần cho công ty Nguyễn Kim. Bởi theo bị cáo Cang, bị cáo không có vai trò quyết định tại Sadeco, cũng không chỉ đạo Tề Trí Dũng hay bất cứ ai tại Sadeco trong việc bán cổ phần.
Theo bị cáo Cang, tại Sadeco chỉ có 2/7 thành viên là đại diện vốn góp của Thành ủy Tp.HCM và số vốn góp này chỉ chiếm 16,7%. Số phần trăm vốn góp này không chiếm tỷ lệ phủ quyết đối với hoạt động của HĐQT Sadeco. Do đó, Văn phòng Thành ủy không có vai trò quyết định hoạt động của Sadeco.
Trước đó, bị cáo Dũng cho biết, nếu không có Thông báo 495 về việc thông báo ý kiến chỉ đạo của Tất Thành Cang về việc chấp thuận phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Sadeco thì không có việc xúc tiến họp, báo cáo, trình việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược.
Tuy nhiên, theo bị cáo Cang, Thông báo 495 theo nguyên tắc văn bản hành chính của Đảng không phát hành cho Sadeco hay IPC, nhưng đã bị IPC lợi dụng để đưa vào văn bản báo cáo với UBND Tp.HCM.
Ngoài ra, theo bị cáo Cang, căn cứ vào Luật Quản lý kinh doanh vốn Nhà nước, Quy chế 119 thì Văn phòng Thành ủy và đại diện vốn Văn phòng Thành ủy không được sử dụng văn bản nội bộ của Phó Bí thư thường trực với Tờ trình 1148 để biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông năm 2017.