Sau khi lắng nghe phản ánh của khán giả, ê-kíp Đường lên đỉnh Olympia đã thừa nhận sai sót trong cuộc thi tuần hai, tháng một, quý III của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17; đồng thời lên tiếng xin lỗi và gửi tặng Phạm Phú Vinh (Bình Dương) - thí sinh về nhì một chiếc vòng nguyệt quế để “làm kỷ niệm”.
Vậy là, không giống như “số phận” long đong của chiếc vương miện Hoa hậu Hoàn vũ hay tượng vàng Oscar bị trao nhầm, ban tổ chức cuộc thi không “đòi lại” chiếc vòng nguyệt quế mà họ đã trao nhầm cho thí sinh Nhân Thanh Tùng (Hà Nội) để gửi cho Phú Vinh.
Việc đơn vị này tuyên bố sẽ không sửa kết quả chung cuộc trùng khớp với dự đoán của những khán giả thường xuyên theo dõi Đường lên đỉnh Olympia, bởi theo luật của chương trình, chỉ có thí sinh mới có quyền đưa ra khiếu nại về các câu hỏi cũng như quyết định cho điểm trong lúc ghi hình và mọi ý kiến thắc mắc đưa ra sau thời điểm này đều không còn giá trị (đối với việc thay đổi điểm số cuối cùng).
Tưởng rằng mọi chuyện sẽ lắng xuống khi thí sinh đáng lẽ là quán quân trong cuộc thi quyết định không khiếu nại kết quả chung cuộc nhưng không, cuộc "đấu tố" vẫn tiếp tục diễn ra và thật khó hiểu khi Thanh Tùng cũng trở thành mục tiêu công kích của cư dân mạng. Không chỉ yêu cầu Thanh Tùng phải rút khỏi cuộc thi, xin lỗi và trả vòng nguyệt quế cho Phú Vinh, họ còn đặt cho cậu học trò Hà Nội những biệt danh vô cùng khó nghe.
Cộng đồng mạng, nếu không thể thay đổi được kết quả cuộc thi hay động viên, an ủi để Thanh Tùng thêm tự tin, hoàn thành tốt phần thi của mình ở các vòng kế tiếp thì ít nhất cũng nên im lặng để cậu không bị ảnh hưởng tâm lý. Nếu không có năng lực, nếu chỉ trông chờ may mắn, Thanh Tùng sẽ chẳng thể đi sâu vào các vòng trong.
Đặt mình vào vị trí của Thanh Tùng, có lẽ Phú Vinh hay bất cứ thí sinh nào tham dự chương trình cũng không hi vọng mình trả lời sai một câu hỏi quyết định thắng - thua nhưng vẫn được cho điểm.
Sự cố xảy ra tại cuộc thi tuần phát sóng chiều 5/3 rõ ràng chỉ là "sai sót", chứ không phải là "sai lầm". Ngoài kia có bao người mắc phải sai lầm lớn hơn nhưng vẫn được dung thứ, được trao cơ hội chứng tỏ năng lực, sao Thanh Tùng lại phải hứng chịu những lời lẽ gây sát thương vì một kết quả không do cậu quyết định và một sơ suất không do cậu gây ra?
Khán giả có quyền lên tiếng đề xuất ban tổ chức xem xét, điều chỉnh lại các quy định để hướng đến những vòng thi công bằng hơn. Song việc khuyến khích một thí sinh đòi lại vòng nguyệt quế, yêu cầu ban tổ chức được trở lại cuộc đua vừa biến cậu thành một kẻ sân si, vừa đi ngược với ý nghĩa thực sự của các cuộc thi kiến thức.
Hãy nhớ rằng, cuộc đời này đâu chỉ có một sân chơi.
Trương Chi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả