Sài thành kim cổ ký: Thảo Cầm Viên, 1 trong 10 vườn thú lâu đời nhất thế giới

Sài thành kim cổ ký: Thảo Cầm Viên, 1 trong 10 vườn thú lâu đời nhất thế giới

Lê Thị Ánh Tuyết

Lê Thị Ánh Tuyết

Thứ 3, 17/04/2018 19:45

Thảo Cầm Viên Sài Gòn là 1 trong 10 vườn thú lâu đời nhất thế giới. Với 153 năm tồn tại, Thảo Cầm Viên Sài Gòn mang trong mình nhiều câu chuyện không phải ai cũng biết.

Ngày 23/3/1864, Đề đốc De La Grandière cho xây dựng Vườn Bách Thảo. Ông Louis Adolphe Germain, thú y sĩ của quân đội Pháp, được giao mở mang 12 hecta vùng đất hoang ở phía Đông Bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm cây. Đến cuối năm 1865, Vườn Bách Thảo được mở rộng thêm 20 hecta. Từ năm 1867 đến 1927, Vườn Bách Thảo liên tục được mở rộng, thêm vào nhiều loại cây và động vật.

Từ năm 1956, Vườn Bách Thảo được tu sửa, tái thiết và đổi tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Năm 1990, các chuồng thú cũng được cải tạo và mở rộng cho phù hợp với đời sống của từng loài thú. Đến năm 2000, Thảo Cầm Viên có tổng diện tích chuồng lên đến 25.000m2. Hiện tại, đây là ngôi nhà của khoảng 4.000 cây thuộc các loài thực vật và trên 600 cá thể động vật quý hiếm.

Sài thành kim cổ ký: Thảo Cầm Viên, 1 trong 10 vườn thú lâu đời nhất thế giới

Đến nay, Thảo Cầm Viên đã bước sang tuổi 153.

Khi đến Thảo Cầm Viên, ai cũng sẽ chú ý đến một ngôi đền cổ kính. Đền thờ này được xây dựng từ năm 1926 và có tên gọi là đền Kỷ niệm. Đền được xây dựng để tưởng niệm những người Việt tử trận vì đi lính cho Pháp trong thế chiến thứ nhất. Từ năm 1954, đền được đổi tên là đền Quốc Tổ Hùng Vương và thờ thêm một số nhân vật lịch sử khác như: Lê Văn Duyệt, Trần Hưng Đạo... Sau năm 1975, đền được đổi thành đền Hùng Vương và giao cho bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM quản lý.

Nằm đối diện với đền Hùng Vương là một bảo tàng với hàng ngàn hiện vật quý được trưng bày. Công trình này cũng được người Pháp xây và khánh thành năm 1929. Bảo tàng đã nhiều lần đổi tên trước khi trở thành bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM.

Với lịch sử 153 năm hình thành và phát triển của Thảo Cầm Viên, có thể nói ông Louis Pierre (1833-1905) là người có công lớn trong việc xây dựng, mở rộng Vườn Bách Thảo. Ông là một nhà thực vật học suốt đời tận tụy. Ông đã đưa nhiều cây rừng về trồng kể cả một số loài đại mộc từ các lục địa khác và cây ăn trái từ những khu vực khác ở Đông Nam Á. Cây được ươm trồng, nhân giống, từ đó tạo cơ sở cho những giống cây trái ngon nay rất phổ biến ở Việt Nam. Trong 12 năm phụ trách Thảo Cầm Viên Sài Gòn (1865 - 1877), ông còn để lại một di sản quý giá là bộ sưu tập hơn 100.000 tiêu bản hiện được lưu giữ tại bảo tàng Thực vật thuộc viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM và hàng ngàn cây cổ thụ trên các đường phố khu trung tâm, công viên Tao Đàn...

Để ghi công ông, tháng 2/1933, Hội đồng khoa học Pháp cho xây một cột bia bằng đá hoa cương đặt sau khu vườn cảnh. Năm 1994, nhân kỷ niệm 130 năm thành lập Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cột bia đã được tôn tạo và đặt ngay trên trục đường chính, giữa bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP. HCM và đền thờ Vua Hùng. Lần này, cột bia có gắn thêm bức tượng bán thân bằng đá hoa cương màu hồng, tạc hình ông J.B. Louis Pierre.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một trong những công trình mang tính lịch sử lâu đời của TP.HCM và cũng là biểu tượng văn hóa đặc trưng của thành phố mang tên Bác. Sức sống bền bỉ cũng như những giá trị văn hóa đặc trưng đã mang đến cho Thảo Cầm Viên một nét đặc trưng riêng biệt không thể lẫn với một nơi nào khác.

Nam An

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.