Dù cha mất sớm từ nhỏ, mẹ cố gắng tần tảo lao động cho đi học đến nơi đến chốn nhưng Mai Đức Chung (tự Lỳ, SN 1989, ngụ tại xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) không hề biết đền đáp công lao người đã sinh ra mình.
Không phải ngẫu nhiên Mai Đức Chung lại có biệt danh là Chung “lỳ”. Chưa tròn 20 tuổi, Chung đã nổi danh với tính khí ngang tàng, sẵn sàng gây sự đánh nhau với bất kỳ ai làm y phật ý. Trong một lần hết tiền tiêu xài, Chung xách hung khí đi cướp tài sản nhưng bị bắt ngay sau đó. Với tiền án về tội danh “Cướp tài sản”, Chung được nhiều đối tượng bất hảo tại huyện Ia Grai tôn làm “đại ca”.
Vào một buổi chiều cuối năm, Chung thủ sẵn trong người một con dao nhọn và xách thêm một mã tấu đi bảo vệ rẫy cà phê của gia đình. Đi được nửa đường, cơn thèm rượu trỗi dậy, Chung liền điện thoại cho các “chiến hữu” ở xã Ia Nhin, huyện Chư Păh gồm Trần Quốc Nhật (SN 1989) và Nguyễn Văn Lâm (SN 1986, có tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”) để nhậu. Cả nhóm hẹn nhau ở sân bóng đá đội 4, thuộc Nông trường Ia Sao. Sau khi nhậu hết một lít rượu, Chung cùng Lâm, Nhật tiếp tục “tăng hai” tại quán bà H. ở đội 9, Nông trường Sao La. Uống thêm một lít nữa, Chung mới khệnh khạng ra về. Đi được một đoạn, Chung sực nhớ có bạn là Trịnh Xuân Dũng (SN 1987, ngụ xã Ia Bă, huyện Ia Grai) nhờ đi đánh Trần Kim Cương để trả thù cho anh trai của Dũng. Chung liền dừng xe, điện thoại cho Dũng đến sân bóng đá đội 5 thuộc Nông trường Ia Sao để đánh Cương. Sau đó, Chung cùng Nhật, Lâm đi đến sân bóng đứng chờ.
Ảnh minh họa
Đến khoảng 19 giờ, Dũng mới có mặt tại điểm hẹn. Do không có số điện thoại của Cương nên Dũng gọi điện cho hai bạn thân của Cương là Nguyễn Tiến Long và Đặng Sỹ Chí ra sân bóng. Khi Long và Chí đến, Chung liền rút mã tấu kề cổ hai người ép buộc phải gọi Cương ra. Khoảng 5 phút sau, Cương chạy xe ra nhưng nhìn thấy Chung và nhóm bạn cầm dao, mã tấu sáng loáng nên sợ hãi quay xe bỏ chạy. Chung và đồng bọn hè nhau đuổi chém nhưng không kịp. Về đến nhà, Cương đứng ngồi không yên vì quá tức giận bị bọn Chung cậy đông đuổi đánh. Cương chụp lấy đoạn ống tuýp sắt dài khoảng 1 mét, quay lại sân bóng “quyết một phen sống mái” với Chung.
Thấy Cương cầm tuýp tiến đến, Chung cùng đồng bọn xách dao, mã tấu xông tới chém Cương. Cương một mình chống trả nhưng không địch nổi, vừa đánh vừa thụt lùi vào ngõ. Tuy nhiên, không may Cương bị vấp té xuống đường. Thấy đối thủ mất thế, Nhật cầm khúc cây dài hơn 2 mét phang tới tấp vào đầu khiến Cương ngã ngửa. Lâm cầm cục gạch “bồi” thêm một khiến Cương bất tỉnh và tử vong ngay sau đó. Biết nạn nhân khó qua khỏi, Chung chạy ra Biển Hồ trốn. Tuy nhiên, cả nhóm đã bị bắt khẩn cấp vào ngày hôm sau.
Sau khi xét hỏi, vị Thẩm phán chủ tọa nói với ba bị cáo Chung, Nhật, Lâm, Dũng: Các bị cáo biết rằng, tính mạng của con người là vốn quý, luôn được pháp luật bảo vệ. Vậy nhưng, xuất phát từ bản tính hung hăng, Chung và hai đồng phạm đã chủ động gây gổ đánh nhau, sử dụng nhiều loại hung khí, sẵn sàng đánh chém chỉ để thỏa mãn thói côn đồ hung hãn. Bị cáo Chung là người đề xướng, bị cáo Nhật là người thực hành đắc lực dù bản thân không có mâu thuẫn gì với người bị hại. Bị cáo Lâm là người có nhân thân xấu, tích cực tham gia thực hiện hành vi phạm tội. Dù người bị hại không có khả năng chống trả nhưng Lâm vẫn cố tình ném gạch vào người. Bị cáo Dũng là người nhờ Chung đi đánh anh Cương và thích cực tham gia, sử dụng hung khí thực hiện hành vi một cách quyết liệt, cùng các bị cáo khác gây ra cái chết cho người bị hại. Nghe nhận định của vị Thẩm phán, các bị cáo đều cúi đầu ân hận.
HĐXX tuyên phạt Chung 17 năm tù; Nhật và Dũng mỗi người 15 năm tù; Nguyễn Văn Lâm 12 năm tù. Chung ngoái đầu nhìn về phía người mẹ của y với ánh mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt sám hối ân hận trào ra. Sự hung hãn, côn đồ đã khiến Chung và đồng bọn trả một cái giá thật đắt khi chôn vùi tuổi trẻ sau song sắt nhà tù. Đó cũng là bài học chung cho những kẻ có lối sống coi thường pháp luật.
Theo
Báo Công lý