Chị H. là nhân viên của Công ty TNHH Nhân Ái được thuê chăm sóc một bệnh nhân nam khoảng 70 tuổi, nhà ở quận 10, TP.HCM. Ông này hay yêu cầu chị H. kích dục cho ông nhưng chị từ chối. Ông khách vẫn yêu cầu chị kích dục cho ông mỗi ngày và hứa sẽ trả tiền công. Chị H. đành xin nghỉ việc. Giám đốc công ty đến nhà nói chuyện nhưng thân nhân người bệnh không tin ông cụ có hành vi kỳ lạ đó. Giám đốc đành cho nhân viên nghỉ việc sau khi tư vấn cho gia đình cách chăm sóc ông cụ.
Giúp việc gia đình dễ bị sàm sỡ
Sau nhiều năm hoạt động, ông Huỳnh Nhân - Giám đốc Công ty Nhân Ái chuyên làm dịch vụ chăm sóc người bệnh, người cao tuổi đã phải rút ra những kinh nghiệm tránh quấy rối tình dục (QRTD) cho nhân viên. Những kinh nghiệm đó được đưa vào khóa tập huấn hằng tháng của công ty. Ông Nhân kể: “Trong hợp đồng tôi luôn yêu cầu việc thay đồ phải do bệnh nhân thực hiện nếu bệnh nhân tự làm được, nhân viên chỉ có vai trò quan sát để hỗ trợ bệnh nhân khỏi té...
Thế nhưng có bệnh nhân nam ở Phú Mỹ Hưng cứ yêu cầu nhân viên B. phải thay đồ dù ông tự tay làm được. Có lần ông bảo ông đã thay đồ xong và gọi chị B. vào. Vừa mở cửa phòng, chị B. thấy ông nằm trần truồng trên giường. Chị sốc. Chị đóng cửa lại, khóc và gọi cho tôi. Tôi làm việc với gia đình, đề nghị được thay nhân viên nữ bằng nhân viên nam”.
Theo ông Nhân, giúp việc gia đình với vai trò là chăm sóc người bệnh cũng dễ bị QRTD. Nguyên nhân là bệnh nhân thường bị cô đơn, người nhà ít gần gũi, khi có người chăm sóc mình thường xuyên thì dễ nảy sinh ý định bậy bạ. Cũng may là nhân viên của ông chỉ bị ở mức độ sàm sỡ, quấy rối chứ chưa bị cưỡng hiếp. “Nhân viên của tôi làm việc có hợp đồng với khách hàng, có gì dễ đưa ra pháp luật. Tội nhất là những người làm việc đơn phương, bị sàm sỡ thì không biết kêu ai vì thường thì gia đình đứng về phía người nhà của họ hơn là bảo vệ người giúp việc”.
Bà Võ Xuân Loan, từng là giám đốc một công ty cung ứng lao động giúp việc gia đình, cho biết không ít người giúp việc bị QRTD. Bà đã từng can thiệp giải quyết cho nhân viên nhưng khó đủ bề. “Ông chủ sàm sỡ, người giúp việc méc, bà chủ không tin. Nếu bà chủ có tin cũng không đứng về phía người làm, thường đuổi người làm để trừ hậu họa. Họ có trăm ngàn lý do để đuổi. Bị lạm dụng nhiều nhưng một số chị em nhà nghèo ở quê đi giúp việc thường chọn giải pháp im lặng nghỉ việc, quá lắm thì ông chủ dấm dúi cho tiền rồi cũng thôi. Tôi biết có trường hợp con ông bà chủ thuộc loại cậu ấm, đưa bạn bè về nhà ăn chơi, thường xuyên chọc ghẹo, QRTD người làm. Người thấp cổ bé miệng không dám kiện nên giải pháp tốt nhất là bỏ việc”.
Phân biệt đối xử
Để bảo đảm quyền lợi của người giúp việc, dự thảo nghị định nêu trên đã dành hẳn một điều riêng (Điều 125) điều chỉnh cho hành vi vi phạm những quy định giúp việc gia đình. Thế nhưng dự thảo lại nêu mức phạt cho hành vi QRTD với người giúp việc gia đình chỉ 5-10 triệu đồng, trong khi hành vi này thực hiện tại công sở thì bị phạt đến 75 triệu đồng. Theo các chuyên gia lao động thì tỉ lệ QRTD với người giúp việc gia đình nhiều hơn là những người làm ở nơi công sở.
“Tôi không hiểu sao lại có sự chênh lệch như vậy trong khi nếu bị QRTD, người giúp việc ở gia đình thường khó thoát thân hơn là người ở công sở. Trình độ học vấn của họ cũng thấp hơn nên việc đối phó với hành vi này cũng vất vả hơn” - ông Huỳnh Nhân nói.
Còn theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, quy định như vậy vô tình pháp luật đã hạ thấp phẩm giá của người giúp việc. “Có thể cho rằng công sở là văn hóa doanh nghiệp, văn hóa cộng đồng nên cần phạt nặng để bảo vệ môi trường làm việc chung. Tuy nhiên, theo tôi, ban soạn thảo đã đưa phạm trù đạo đức vào quan hệ lao động thì cần phải đưa ra mức phạt như nhau”.
Theo bà Võ Xuân Loan, để những quy định này được thực thi trên thực tế còn cần phải lập một đường dây nóng riêng cho những người giúp việc, những phụ nữ bị bạo hành nói chung như ở Hàn Quốc, Đài Loan… Nếu không, luật cũng khó được thực thi.
Theo Thanh Mận (Pháp luật TP HCM)