Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao bàn tán trước thông tin, khi cơn bão số 5 Mangkhut được dự báo là sẽ đổ bộ vào Việt Nam mà Thanh Hóa là trung tâm của bão thì lãnh đạo TP.Sầm Sơn và huyện Cẩm Thủy lại tổ chức “gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm” và sau đó cùng nhau ăn uống trong khách sạn.
Trước đó, để ứng phó với cơn bão này, trong chiều 14/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có Công điện khẩn số 17/CĐ-UBND về việc chỉ đạo thu hoạch lúa và các sản phẩm trồng trọt để ứng phó với siêu bão Mangkhut. Công điện có nội dung yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hoãn các cuộc họp không cần thiết, tập trung chuẩn bị các phương án phòng chống bão lụt…
Ở đầu cầu Thanh Hóa, ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tham dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ bàn biện pháp ứng phó với siêu bão Mangkhut. Tại hội nghị, điểm cầu Thanh Hóa tham dự gồm có: Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; chủ tịch UBND 6 huyện, thành phố ven biển; giám đốc các đơn vị viễn thông, các công ty khai thác công trình thủy lợi.
Tuy nhiên, tối cùng ngày, người dân địa phương nhìn thấy xe biển xanh, biển trắng đậu trước cửa khách sạn Thanh Bình Gold, đường Hồ Xuân Hương, phường Trung Sơn, TP.Sầm Sơn. Trong khách sạn này, có mặt hầu hết các lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy, UBND TP.Sầm Sơn và Huyện ủy, UBND huyện Cẩm Thủy đang cùng nhau ăn uống với nhau.
Liên quan đến vấn đề này, PV đã liên hệ với ông Lương Tất Thắng, Chủ tịch UBND TP.Sầm Sơn để tìm hiểu, xác minh sự việc. Ông Thắng cho biết, mình đang bận việc và đề nghị chúng tôi liên hệ với Chánh Văn phòng TP.Sầm Sơn để được cung cấp thông tin.
Ông Phạm Gia Long, Chánh Văn phòng UBND TP.Sầm Sơn xác nhận, chiều 14/9, UBND TP.Sầm Sơn và UBND huyện Cẩm Thủy có tổ chức cuộc “làm việc, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong công tác phòng chống bão lụt và thiên tai”. TP.Sầm Sơn và huyện Cẩm Thủy là 2 đơn vị kết nghĩa với nhau, được biết trong cơn bão số 4 vừa qua, huyện Cẩm Thủy bị thiệt hại rất nặng nề. Vì vậy, TP.Sầm Sơn đã tổ chức cuộc gặp mặt để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão và cũng động viên lãnh đạo và nhân dân huyện Cẩm Thủy. Đây là cuộc làm việc được lên kế hoạch từ trước giữa 2 địa phương này. Còn việc triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 5, địa phương này đã chủ động triển khai trước khi nhận được công điện của tỉnh.
Cũng theo ông Long, cuộc gặp mặt chỉ diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ cuối ngày làm việc (từ 16h30-17h30 ngày 14/9); sau khi làm việc xong, vì đường sá xa xôi nên địa phương cũng có chuẩn bị một bữa “cơm tạm” để ăn cùng nhau trước khi đoàn huyện Cẩm Thủy quay về. Trong cuộc làm việc này, lãnh đạo TP.Sầm Sơn đã thống nhất chủ trương, thời gian tới sẽ hỗ trợ cho huyện Cẩm Thủy những chiếc xuồng phục vụ công tác phòng chống lụt bão và sơ tán dân.
Trước đó, sau khi cơn bão số 4 đi qua, đoàn công tác của TP.Sầm Sơn đã lên huyện Cẩm Thủy thăm hỏi và ủng hộ địa phương này hàng trăm triệu đồng.
“Tuy nhiên, sau khi có thông tin trên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã có ý kiến chỉ đạo, dù mục đích cuộc gặp gỡ làm việc giữa 2 địa phương là tốt, nhưng tổ chức vào thời điểm không phù hợp và yêu cầu phải rút kinh nghiệm”, ông Phạm Gia Long cho biết thêm.