Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden hôm 21/3 đã công bố những quy tắc được đề xuất nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất chip mở rộng hoạt động ở Trung Quốc và các quốc gia khác sau khi nhận ưu đãi từ Đạo luật Khoa học và Chip.
Động thái này thể hiện nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn tham vọng tăng trưởng và xây dựng năng lực tiên tiến của Bắc Kinh, đồng thời đảm bảo nguồn cung cấp các thành phần làm nền tảng cho các công nghệ mang tính cách mạng, bao gồm AI và siêu máy tính, cũng như các thiết bị điện tử hàng ngày.
Kiểm soát đầu tư
Để đảm bảo các công ty được nhận tài trợ liên bang không thể mở rộng năng lực sản xuất tiên tiến tại “các quốc gia đáng lo ngại”, bao gồm Trung Quốc và Nga, các quy tắc mới sẽ cấm các công ty đó chi hơn 100.000 USD để bổ sung năng lực sản xuất các chip logic có kích thước nhỏ hơn 28 nanomet (nm).
Các công ty này cũng không được phép tăng công suất hiện có của bất kỳ nhà máy bán dẫn đơn lẻ nào ở Trung Quốc lên hơn 5%.
Mặc dù bị hạn chế mở rộng sản xuất, nhưng các công ty này vẫn có thể nâng cấp công nghệ cho các cơ sở hiện có để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến hơn, nếu các công ty này nhận được giấy phép kiểm soát xuất khẩu từ Bộ Thương mại Mỹ.
Bên cạnh đó, các công ty này cũng không được phép tăng công suất lên hơn 10% tại các cơ sở hiện có của họ ở “các quốc gia đáng lo ngại” đối với các chip logic có kích thước từ 28 nm trở lên. Nếu muốn xây dựng các nhà máy mới cho loại chip này, ít nhất 85% sản lượng phải được quốc gia sở tại tiêu thụ và các công ty phải thông báo cho Bộ Thương mại Mỹ.
Chip 28 nm dù chậm hơn nhiều thế hệ so với chất bán dẫn tiên tiến nhất hiện có (chip có kích thước càng nhỏ thì càng tiên tiến), nhưng chúng được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm, bao gồm ô tô và điện thoại thông minh.
Chính phủ Mỹ cũng có thể thu hồi hoàn toàn các khoản tín dụng thuế nếu các công ty tăng đáng kể năng lực sản xuất chất bán dẫn ở nước ngoài trong vòng 10 năm kể từ khi nhận được ưu đãi, theo một tuyên bố từ Bộ Tài chính Mỹ. Khoản tín dụng này tương đương 25% khoản đầu tư vào một cơ sở sản xuất chất bán dẫn hoặc thiết bị bán dẫn ở Mỹ.
Mỹ cũng đưa ra một danh sách các chất bán dẫn được coi quan trọng đối với an ninh quốc gia, khiến chúng phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn so với các loại chip khác.
Danh sách này bao gồm chất bán dẫn hỗn hợp, chip được thiết kế cho các hệ thống thông tin lượng tử, lực lượng quân sự chuyên biệt và cho các môi trường nhiều bức xạ. Đây cũng là lĩnh vực mà chính phủ Trung Quốc dành nhiều tâm huyết để phát triển trong những năm qua.
Các công ty nhận trợ cấp liên bang cũng sẽ bị cấm tham gia nghiên cứu chung (nghiên cứu được thực hiện bởi 2 người trở lên) hoặc cấp phép công nghệ cho một thực thể nước ngoài có liên quan.
Nạn nhân là các “ông lớn”
Các hạn chế mới gắn liền với đạo luật này nhằm mục đích áp đặt các hạn chế nặng nề hơn đối với các bên dự kiến nhận được ưu đãi, bao gồm những “gã khổng lồ” trong ngành như công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC (Trung Quốc), công ty điện tử Samsung (Hàn Quốc) và tập đoàn Intel (Mỹ), tất cả đều hoạt động tại Trung Quốc.
Cụ thể, TSMC sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong việc mở rộng nhà máy tiên tiến nhất của mình ở thành phố Nam Kinh, miền đông Trung Quốc, nơi họ sản xuất chip 28 nm và 16 nm.
Tháng 10/2022, TSMC đã được chính phủ Mỹ cấp giấy phép một năm để đẩy mạnh sản xuất tại Trung Quốc, tạm thời miễn trừ khỏi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng được triển khai trong tháng đó.
Trong khi đó, Samsung cho biết, họ đã thảo luận chặt chẽ với chính phủ Mỹ và Hàn Quốc và sẽ xác định bước đi tiếp theo sau khi xem xét kỹ lưỡng những thay đổi được công bố. Intel không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Các nhà sản xuất chip bộ nhớ như Samsung sẽ gặp phải nhiều rào cản hơn khi mở rộng sản xuất ở Trung Quốc, vì họ vốn đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.
Samsung có một nhà máy sản xuất chip bộ nhớ flash NAND quy mô lớn tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, còn Intel có một cơ sở “lắp ráp và thử nghiệm” chip ở trung tâm thành phố Thành Đô, hoạt động khiêm tốn hơn so với các cơ sở khác.
Danh sách các thực thể nước ngoài đáng lo ngại sẽ được mở rộng để bao gồm những cái tên trong danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ, danh sách các công ty quân sự Trung Quốc do Bộ Tài chính Mỹ cung cấp, và danh sách các thiết bị và dịch vụ gây rủi ro an ninh quốc gia của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ.
Theo đó, những cái tên trong danh sách mới này sẽ bao gồm một loạt các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc như Huawei Technologies, SenseTime Group và các nhà sản xuất chip hàng đầu như Yangtze Memory Technologies Co. (YMTC).
Mỹ sẽ thu thập ý kiến công chúng trong vòng 60 ngày trước khi công bố các quy tắc hoàn chỉnh vào cuối năm nay.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Reuters)