Như thông tin báo Người Đưa Tin đã đưa, bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vừa lấy thành công một con sán xơ mít dài 5m trong người bà Hà Thị H. (82 tuổi, ngụ xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn). Bà H. nhập viện vì nhiễm sán xơ mít. Các bác sĩ sau khi khám và xét nghiệm phân đã cho bệnh nhân uống thuốc xổ. Một ngày sau, bà H. đi ngoài ra một con sán xơ mít dài hơn 5m, trông giống như ruột gà.
Các bác sĩ cho hay, bệnh sán xơ mít (sán giống xơ quả mít) còn gọi là bệnh sán dây. Sán dây trưởng thành hoặc ấu trùng sán dây ký sinh trong cơ thể người. Có 2 loại sán dây lợn và sán dây bò. Bệnh có đặc điểm diễn biến kéo dài và nhiều biến chứng rất nguy hiểm do khó phát hiện. Điều đáng ngại, việc điều trị tẩy sán gặp khó khăn vì đầu sán bám chắc trong cơ thể và sống rất dai.
Theo nghiên cứu ở nước ta, tỉ lệ nhiễm sán dây đường ruột chiếm 0,5% - 12%, trong đó sán dây bò chiếm 70% - 80%, sán dây lợn chiếm 10% - 20%, tỉ lệ nhiễm ấu trùng sán lợn 5% - 7%.
Trao đổi với báo chí, TS. Đỗ Trung Dũng (Trưởng khoa Ký sinh trùng, viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương) cho biết, thói quen sử dụng rau sống, đặc biệt là các loại rau thủy sinh như: Rau cần, rau muống, rau cải xoong,… sẽ khiến ấu trùng sán lá gan lớn đi vào trong cơ thể người và gây bệnh.
Nhiều người có thói quen ăn các món tái, sống như gỏi cá, nem chua, nem chạo, rau sống,... có nguy cơ nhiễm các loại sán lá gan nhỏ vì những món này thường không được nấu chín hoàn toàn nên ấu trùng sán vẫn còn tồn tại. Những trường hợp bị nhiễm sán lá gan nhỏ, thường người bệnh sẽ bị viêm nhiễm đường mật, gây sỏi mật, tắc ống mật,… thậm chí ung thư đường mật.
Theo TS Dũng, việc nhiễm các loại sán lá gan lớn diễn ra ở khắp các vùng miền, vì thói quen ăn rau sống của người dân rất phổ biến. Còn riêng đối với sán lá gan nhỏ thì chia theo vùng dịch tễ, tập trung chủ yếu ở khu vực Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang,…
Thời gian qua, số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh sán não và sán lá gan tại viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương chiếm tỉ lệ cao nhất. Trong đó, những trường hợp người bệnh bị sán làm tổ trong não chủ yếu là do thói quen ăn thịt lợn tái, lợn bệnh nhiễm sán, tiết canh,…
Phần lớn các trường hợp sử dụng đồ ăn không đảm bảo an toàn, bị sán làm tổ trong não nhưng chủ quan hoặc lại nghĩ đến bệnh khác. Bởi vậy, khi phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, gây nhiều khó khăn trong quá trình điều trị.
N.Giang