Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 4, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng không tại miền Bắc và miền Trung.
Tại Quảng Bình, dự báo từ ngày 19/9 đến đêm 20/9 có mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa dự kiến ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa từ 130-280mm; huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, Bố Trạch, TP Đồng Hới từ 140-290mm; huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy từ 150-300mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa; ngập úng tại các vùng trũng, thấp, ven sông, các khu đô thị. Trên vùng biển tỉnh Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m, biển động mạnh.
Đối mặt với tình hình khẩn cấp này, sáng nay Cục Hàng không đã đưa ra quyết định tạm ngừng khai thác tại cảng hàng không Đồng Hới từ 15h - 22h ngày 19/9 (giờ địa phương). Điều này đã dẫn đến sự lúng túng và hoang mang đối với nhiều hành khách.
Trao đổi với Người Đưa Tin, một hành khách từ Sài Gòn về Đồng Hới chia sẻ chuyến bay dự kiến sẽ hạ cánh lúc 9h sáng, nhưng đến khoảng 8h30, máy bay đã không thể hạ cánh và buộc phải “delay trên không” trong 20 phút.
“Khoảng 7h25, tôi lên máy bay và rất hào hứng. Nhưng đến khoảng 8h30, máy bay bắt bay vòng vèo trên không trung mà không biết lý do. Đến mãi 9h15, tiếp viên mới thông báo rằng sân bay Đồng Hới đã đóng cửa do ảnh hưởng của bão và chúng tôi phải đổi hướng ra sân bay Hà Nội.
Thông tin về việc sân bay đóng cửa được thông báo rất muộn, khiến tất cả hành khách đều lúng túng và hoang mang”, hành khách này nói.
Khi máy bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài, hành khách không khỏi lo lắng về việc phải xử trí thế nào. Tại đây, họ được yêu cầu cung cấp thông tin ghế ngồi của hành khách rồi báo mọi người ngồi chờ, đến 11h thì bên hãng hàng không báo là không hỗ trợ xe để hành khách về Quảng Bình.
Anh Minh (hành khách) bức xúc chia sẻ: “Do bão số 4, chúng tôi buộc phải đổi hướng về Hà Nội, nhưng khi hạ cánh, không có ai từ hãng hàng không hỗ trợ kịp thời. Chúng tôi phải chờ đợi trong lo lắng mà không biết sẽ ra sao.
Thực sự rất bức xúc khi không nhận được thông tin rõ ràng và hỗ trợ cần thiết. Tình huống này không chỉ gây khó khăn mà còn làm lỡ nhiều kế hoạch của tôi".
Một trường hợp khác là những gia đình có trẻ em cũng phải đối mặt với tình huống khó khăn khi không nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ hãng hàng không.
"Chúng tôi đã chờ đợi nhiều giờ đồng hồ ở sân bay Nội Bài mà không có thông tin gì từ hãng hàng không là hỗ trợ xe di chuyển hay ngủ nghỉ lại. Hai đứa trẻ của tôi rất mệt và đói, nhưng không ai đến hỏi thăm hay hỗ trợ", chị Mai Hoa bày tỏ.
Trước tình huống trên, tất cả mọi người đã bàn bạc nhau thuê một phương tiện khác để trở về quê hương, điều này khiến hành khách không chỉ phải trả thêm chi phí cho việc đặt xe riêng mà còn phải đối mặt với những mệt mỏi sau một chuyến bay dài.
Một số hành khách đã liên hệ với Vietjet để yêu cầu hỗ trợ về mặt chi phí, tuy nhiên, câu trả lời từ hãng hàng không chưa thỏa mãn được mong đợi của họ.
“Chúng tôi phải chi gần 400 nghìn đồng/người để thuê xe về Quảng Bình. Phía Vietjet đồng ý hỗ trợ nhưng không biết bao giờ mới nhận được tiền. Hiện tất cả mọi người đang trên đường về quê, dự kiến phải 22 giờ sẽ về tới Quảng Bình”, Sương chia sẻ.
Khó khăn trong việc di chuyển không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là áp lực tâm lý. Những hành khách đã trải qua một chuyến bay dài, khá mệt mỏi giờ đây lại phải đối diện với việc tự tìm kiếm phương tiện để trở về nhà, trong khi thời gian trôi qua và kế hoạch của họ bị xáo trộn.
Trước tình hình bão số 4, quyết định đóng cửa các sân bay là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho hành khách. Tuy nhiên, việc thông tin không được cập nhật kịp thời và thiếu phương án hỗ trợ khi chuyến bay bị gián đoạn đã gây ra sự bất mãn lớn đối với hành khách.