"Vui sao nước mắt lại trào"
Vừa bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, 3 chị em Nguyễn Thị Ánh, Nguyễn Thị Sương và Nguyễn Thị Phượng Việt kiều Úc định cư ở TP. Melbourne vội vã vui mừng ôm chầm lấy người thân sau bao nhiêu năm trời xa cách. Gặp lại người thân, mọi người trong gia đình ai nấy cũng đều tay bắt mặt mừng, cười nói rôm rả, nước mắt tuôn trào vỡ òa đầy hạnh phúc.
|
Gia đình chị Phương tham quan khu du lịch Mũi Né (Phan Thiết) nhân dịp tết.
|
Chị Phượng vui vẻ cho biết: "Cả ba chị em định cư ở Úc đã gần 10 năm, đây là lần thứ hai mình mới về thăm lại quê nhà Cần Thơ. So với 5 năm về trước, mọi cảnh vật trở nên thay đổi, vô cùng lạ lẫm".
Lâu lắm rồi chị em chúng tôi không có dịp được đón giao thừa ở Việt Nam, xuân Quý Tỵ này có lẽ là cái tết ấm cúng bởi được gần gũi, sum vầy cùng gia đình, họ hàng".
Anh Bùi Vũ, quê gốc Tây Ninh định cư ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản tròm trèm đã được 10 năm, cũng vừa mới về nước cùng với vợ con để đón Tết cổ truyền ở quê nhà. Tôi tình cờ quen biết anh khi anh xuống Cần Thơ thăm họ hàng trong chợ An Hòa, quận Ninh Kiều.
Dáng người phốp pháp, trắng trẻo, anh Vũ bộc bạch: "Mình làm kỹ sư cơ khí chuyên giám sát dây chuyền lắp ráp xe ô tô. Lần đầu tiên về nước thấy mọi thứ thay đổi quá chừng. Về nước lần này trước hết là về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, thăm lại họ hàng sau bao nhiêu năm trời xa cách, mong được hoài niệm về một cái Tết cổ truyền. Nếu có cơ hội sẽ liên kết hùn hạp với bạn bè tìm cơ hội để phát triển kinh tế".
Mong góp phần giúp ít quê hương
Bình một người bạn thân thiết của tôi định cư ở TP. Boston, tiểu bang Massachusetts, Mỹ thổ lộ: "Sau hơn chục năm định cư ở Mỹ ki cóp được một ít vốn liếng, lần này tôi về Việt Nam sẽ tranh thủ tìm kiếm cơ hội thuê một vị trí ưng ý để mở một nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn đặc sản của các vùng miền Việt Nam. Ở Mỹ tiếng là thu nhập khá, nhưng nếu có tiền thì về Việt Nam làm ăn thoải mái, sướng hơn nhiều".
Còn ông Nguyễn Ngọc Ẩn, định cư ở tiểu bang Texas, Mỹ lần nào về Việt Nam cũng vậy công việc đầu tiên của ông là đi chùa chiền, đến các cô nhi viện để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tặng gạo quần áo cho người già neo đơn. Ông Ẩn cho biết: Hành trang mang về nước lần này là một dự định mà ông đã ấp ủ từ lâu - tìm đối tác để mở một khu du lịch ở biển đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Bác sĩ Nguyễn Thị Loan, Việt kiều Úc ấp ủ: "Nhiều lần về Việt Nam nguyện vọng lớn nhất của tôi muốn kêu gọi mọi người, bạn bè cùng nhau góp vốn đầu tư xây dựng một bệnh viện nhi đồng khang trang, trang bị máy móc hiện đại để đều trị cho các cháu nhỏ".
Đầu tư cho giáo dục cũng là một ngành nghề hấp dẫn đối với nhiều Việt kiều. Nhiều Việt kiều khi trở về nước cho rằng đây còn là dịp đề họ tìm hiểu các mặt hàng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam; những làng nghề sản xuất bánh kẹo, may mặc, cây cảnh, du lịch… nhằm mục đích kết nối tìm đối tác xúc tiến quảng bá giới thiệu hình ảnh, đất nước con người Việt Nam với bạn bè khắp năm châu.
Đức Khánh (Dân Việt)