Tác phẩm âm nhạc dựa vào hên xui?
Chương trình Bài hát Việt từng là bệ phóng của rất nhiều tên tuổi nhạc sĩ tài năng với các tác phẩm âm nhạc gây tiếng vang trong giới chuyên môn và tiếp cận với các thế hệ khán giả rất tốt như: Nhạc sĩ Thanh Tâm với Thềm nhà có hoa, nhạc sĩ Duy Hùng với Phố cổ, Thành thị…
Qua những sáng tác độc đáo phù hợp với thị hiếu, những tác giả trẻ được đánh giá là “luồng gió mới” của đời sống âm nhạc Việt Nam lúc đó. Ở lứa nhạc sĩ trẻ này, họ sớm định hình cho mình được một phong cách riêng, mỗi người một cá tính âm nhạc không trộn lẫn đã tạo nên những mảng màu âm nhạc độc đáo. Đề tài sáng tác cũng như cách thể hiện trong các tác phẩm của những nhạc sĩ trẻ thường đa dạng và cập nhật.
Tiếp sau Bài hát Việt là chương trình Sing My Song “phiên bản Việt”, nhìn vào dàn giám khảo đảm nhận chiếc “cần gạt” quyền lực trong chương trình như Giáng Son, Lê Minh Sơn, Đức Trí, Nguyễn Hải Phong, công chúng phần nào yên tâm về cách lựa chọn tài năng trẻ. Bởi, họ đều là những tên tuổi được “đảm bảo” với nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, một huấn luyện viên của chương trình Sing My Song cho hay: “Với các bạn trẻ đam mê nghiệp sáng tác thì những sân chơi này thực sự rất quý báu, xem phản hồi đánh giá tác phẩm hay, dở ở đâu để hoàn thiện mình hơn. Có thể nhiều tác phẩm bước ra khỏi các chương trình vẫn chưa được công chúng đánh giá, nhìn nhận… nhưng sân chơi đó thực sự là hoạt động âm nhạc đa sắc màu, tạo dấu ấn mới cho nền âm nhạc Việt”.
Chia sẻ những cảm nhận về sân chơi âm nhạc dành cho những bạn trẻ hiện nay, nhạc sĩ Dương Khắc Linh tâm sự: “Một tín hiệu đáng mừng khi hiện nay chúng ta đang chứng kiến nhiều sân chơi cho các bạn trẻ đam mê sáng tác âm nhạc được thể hiện mình”. Bản thân Dương Khắc Linh cũng là một làn gió mới đầy lạ lẫm với hit Xin hãy thứ tha do Hồ Ngọc Hà thể hiện vào năm 2007 đã gây được dấu ấn và làm nên tên tuổi. Dương Khắc Linh cũng bắt đầu bước vào sự nghiệp sáng tác từ khi 18 tuổi, nhưng theo nhạc sĩ trẻ để đánh giá một ca khúc hay hay dở còn nhiều “hên xui”.
Bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng, đang có sự “dễ dãi” trong việc đánh giá các nhạc sĩ trẻ. Mới đây, trong buổi họp báo ra mắt chương trình, nhạc sĩ Phú Quang đã thẳng thắn nhận xét: “Tôi nói điều này, có thể đài Truyền hình Việt Nam sẽ không hài lòng nhưng họ đang làm náo loạn âm nhạc Việt. Có ca khúc vừa được các nghệ sĩ trẻ viết xong đã được truyền hình giới thiệu theo kiểu: Những bài hát Việt hay nhất. Tôi không hiểu, họ căn cứ vào đâu, thử thách ở đâu, theo tiêu chuẩn, hội đồng thẩm định nào để nói rằng những bài hát đó vừa sáng tác là những bài hát Việt hay nhất khi mà những bài hát đó thậm chí còn chưa tròn vành, rõ chữ, rõ nghĩa. Ngoài ra, họ đang quan niệm rất sai lầm khi nghĩ rằng cần phải lăng xê, quảng bá cho những bạn trẻ, cho nhân tố mới. Thế nhưng trong số đó, có những bạn trẻ sáng tác lời còn chưa rõ nghĩa, hát thì không tròn vành rõ chữ… Như vậy là chúng ta đang khiến cho âm nhạc Việt đi xuống, thậm chí bị biến dạng và suy đồi”, nhạc sĩ Phú Quang bức xúc nói.
Không nên tự “ru ngủ” thành công của mình
Là một nhạc sĩ, ca sĩ trẻ từng trưởng thành qua chương trình Giọng hát Việt, Vũ Cát Tường cho hay: “Thiết nghĩ, những chương trình tạo điều kiện cho các nhạc sĩ trẻ là một điều tất yếu, bởi xu hướng kiêm ca nhạc sĩ ngày càng thịnh hành. Đặc biệt với những nghệ sĩ vừa có khả năng ca hát vừa biết sáng tác sẽ đa năng hơn, bởi như vậy những bài hát của họ sẽ gần với đời sống. Cát Tường nghĩ không sớm thì muộn những chương trình này sẽ phát triển rộng rãi”.
Khi được hỏi về hiện tượng “sớm nở, tối tàn” của những tài năng sáng tác mới hiện nay, tác giả Vết mưa bộc bạch: “Thực ra rất khó để đánh giá thành công của một nhạc sĩ, có những người cả đời chỉ sáng tác một tác phẩm nhưng nó làm khuynh đảo mọi xu hướng âm nhạc thời đại. Mình nghĩ, chúng ta nên nhìn nhận thành công của họ ở thời điểm đó. Bởi sau đó, nhạc sĩ có thể cũng ra mắt những tác phẩm khác, nhưng không có được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nhiều yếu tố như xu hướng xã hội, thị trường, định hướng ê-kíp, cá nhân. Tường nghĩ mình cần trân trọng thời điểm họ làm được việc đó”.
Trong khi đó, nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho rằng: “Có những nhạc sĩ cả đời cầm bút sáng tác cũng chỉ để lại một tác phẩm ghi dấu tên tuổi. Bản thân là một nhạc sĩ, khi sáng tạo ra “đứa con tinh thần” ai cũng hy vọng nó sẽ được công chúng khán giả đón nhận, nhưng còn rất nhiều yếu tố để quyết định thành công một tác phẩm âm nhạc. Có nhiều tác phẩm tạm gọi là hit chỉ nở rộ được vài tháng, có khi là vài tuần, “sớm nở tối tàn”, nhưng là một nghệ sĩ chúng ta phải biết chấp nhận điều đó”,
Dù hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về các sân chơi cho những nhạc sĩ trẻ, nhưng không thể phủ nhận tất cả những dòng chảy độc đáo đó đang góp phần làm mới làng nhạc Việt.
Nhưng sẽ không công bằng nếu chúng ta nghĩ rằng để viết được một ca khúc hay cần có chuyên môn, âm nhạc tốt, bởi thật ra có nhiều các ca khúc bất hủ trên thế giới được các nhạc sĩ tài năng viết khi họ chưa có nhiều kiến thức chuyên môn. Hay ngược lại, nếu có kiến thức âm nhạc, nhưng không có cảm xúc không thể tạo ra một tác phẩm hay. Vậy nên, nếu thực sự mang trong mình “chất” nghệ sĩ, hội tụ đầy đủ kiến thức, cảm xúc… thì những nghệ sĩ đó rất có thể tiến xa trên hành trình của mình.
“Nếu một nghệ sĩ ngay từ khi bắt đầu luôn bị những câu hỏi, những khó khăn bủa vây như: Tôi học sáng tác thì bao giờ tôi có thể sáng tác nhạc? Bài hát đó liệu có thành không công, được công chúng đón nhận không? thì sẽ rất khó sáng tác ra những tác phẩm âm nhạc thăng hoa. Mình thích thì mình làm thôi, có đam mê… hãy hành động vì đam mê đó”, Vũ Cát Tường bày tỏ.
Còn nhạc sĩ Khắc Linh chỉ lưu ý, các bạn trẻ yêu nghiệp sáng tác, hãy tiếp tục đam mê trong từng sáng tác của mình, song đừng để bị “ru ngủ” khi có một bài hay, được công chúng đón nhận mà hài lòng với kết quả đó, không ngừng học tập, trau dồi và đam mê thì thành công luôn bước tới”.
Xem thêm >>> The Voice: Thu Minh 'điêu đứng' vì chàng thí sinh 18 tuổi
Phương Anh