Mẫu Việt ngày càng "ế"?
Trong giới người mẫu, chuyện bị mẫu ngoại cạnh tranh đến mất hoặc bể show đã diễn ra cách đây vài năm. Đến nay, nó ở giai đoạn thoái trào hay còn gọi là cân bằng về nhu cầu, sự mới lạ của các chương trình, khán giả. Người ta ngồi lại để xem, thực chất nguyên nhân nào dẫn đến người mẫu của ta bị "ế" trong thời gian qua?
Phải khẳng định rằng, việc người mẫu nước ngoài sang lập nghiệp ở Việt Nam trở thành trào lưu đã thổi một luồng gió mới vào làng thời trang, từ hoạt động đến công việc tổ chức, sáng tạo của những bộ phận liên quan đến thời trang. Ngoài sự mới lạ về hình thức của họ như da trắng, tóc vàng, chiều cao thì sự chuyên nghiệp trong công việc, trong trình diễn và thái độ cầu thị, đúng giờ, làm việc đúng hợp đồng ... của người mẫu ngoại là điều chúng ta đáng ghi nhận nhất.
Qua theo dõi của một số người làm trong lĩnh vực này, họ đều xác nhận, người mẫu ngoại chuyên nghiệp từ giờ đến trách nhiệm và vai trò người mẫu trên sàn diễn nên họ đắt show diễn, có thời điểm giữ vị trí số một của đêm diễn, bỏ xa các siêu mẫu truyền thống của Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Ngọc Trinh có gương mặt và thân hình không thua kém gì các mẫu Tây nhưng cô lại chỉ nổi tiếng bởi những màn khoe thân bỏng mắt và những phát ngôn ngây ngô
Người mẫu Việt kiều Tommy Trần (giám đốc công ty người mẫu Tsquared) được xem là người có công đầu tiên đưa mẫu ngoại vào làng thời tranh Việt, tạo nên sự cạnh tranh "khốc liệt" giữa mẫu nội - ngoại, có công làm cho các siêu mẫu Việt bớt "chảnh" hơn đã tiết lộ với báo giới rằng: "Điểm nổi bật của người mẫu ngoại là tác phong làm việc chuyên nghiệp, đúng giờ, thái độ làm việc nhiệt tình, nghiêm túc và tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu của người sử dụng lao động từ giờ giấc cho đến chuyên môn".
Giám đốc Tommy Trần còn cho biết thêm: Người mẫu ngoại khi thoả thuận hợp đồng với đối tác, họ đều có người quản lý và luật sư. Vì thế, hợp đồng của họ rất chặt chẽ, họ không đòi hỏi tôi ở vị trí nào của cuộc trình diễn mà luôn quan tâm đến nội dung của cuộc trình diễn, thù lao được nhận và sẽ hợp tác làm việc như thế nào? Đây là điều người mẫu nội không có được.
Vì mẫu ngoại chuyên nghiệp hơn nên được trả thù lao cao hơn? Tìm hiểu về vấn đề này, PV Người Đưa Tin được biết, người mẫu ngoại sang Việt Nam hoạt động có hai dạng: Tự do và theo công ty tổ chức sự kiện. Theo dạng tự do, có thể họ là con em, người quen của người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, nên tự bố trí chỗ ăn, ở. Mẫu ngoại sang Việt Nam làm việc theo công ty tổ chức sự kiện, họ được bảo đảm điều kiện ăn, ở tại những căn hộ có giá thuê từ 1.000 đến 1.200 USD/tháng, được chi trả các khoản tiền điện, nước và thù lao trình diễn tuỳ theo thoả thuận giữa 2 bên.
"Ác quỷ" của siêu mẫu Việt?
Khi mẫu ngoại xâm nhập thị trường thời trang Việt Nam ngày càng nhiều, chiếm nhiều chỗ làm việc của siêu mẫu Việt thì trong mắt siêu mẫu Việt, quả thực họ có đẹp đến mấy cũng là "ác quỷ". Bởi mẫu ngoại đã chiếm thế độc tôn của siêu mẫu Việt, làm cho siêu mẫu Việt mất dần thị phần làm việc, không còn được "kén cá, chọn canh" nữa...
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, giá của siêu mẫu Việt thời điểm đó đã rớt thảm hại. Những siêu mẫu đình đám như Q., H., Y., T., Q.,... toàn phải "chạy xô" với các chương trình ca nhạc ra nước ngoài để lấy lại hình ảnh, sự tự tin cũng như thu nhập. Thế mới biết, làm việc trong lĩnh vực nào thì sự cạnh tranh "khốc liệt" là cần thiết để họ biết mình là ai, đang đứng ở đâu trong hệ thống công việc của mình.
Những người mẫu ngoại được điểm mặt là đem lại sự cạnh tranh "khốc liệt", làm thay đổi một phần tư duy "tiểu nông" của siêu mẫu Việt, đó là Andrea Aybar CarmonaMarc, Guihem, Viola Johansson, Saphi Lina, Nacho Navarro Regne... Andrea là con gái một doanh nhân Tây Ban Nha. Cô đến Việt Nam cùng cha cách đây đã 10 năm. Với nhan sắc, chiều cao lý tưởng cùng sự yêu thích thời trang, Andrea nhanh chóng trở thành gương mặt lạ của làng thời trang Việt. Andrea từng được góp mặt trong các chương trình thời trang lớn của các hãng thời trang danh tiếng như: Adidas, Levis, Bally, Mango, BCBG... Ngoài ra, cô mẫu ngoại này còn rất đa năng, làm MC cho 3 chương trình truyền hình trên kênh Real TV, kênh truyền hình được nhiều người xem nhất ở Tây Ban Nha.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mẫu ngoài ở các nước đến Việt Nam gồm: CH Czech, Nga, Romania, Siberia; ngoài ra còn có các nước châu Phi, Brazil, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc... Ngoài Andrea còn khá nhiều gương mặt mẫu ngoại được các "ông bầu" yêu thích, ký hợp đồng làm việc như chàng trai người Pháp gốc Việt Marc Guihem (nghệ danh Marcus, có bố là người Việt, mẹ người Pháp); cô gái người người Siberia, tên Katya Kazanova; người mẫu Thụy Điển xinh đẹp Viola Johansson; người mẫu gốc Nga Saphi Lina; nam người mẫu gốc Tây Ban Nha Nacho Navarro Regne...
Mẫu Tây Andrea nhận được nhiều lời mời từ các nhãn hàng thời trang bởi cô xinh đẹp và luôn chuyên nghiệp trên sàn diễn
Mẫu Việt cạnh tranh bằng gì?
Trong khi, mẫu ngoại đang thổi một luồng gió mới vào làng thời trang Việt thì người mẫu nội hình như không chịu được cuộc cạnh tranh "khốc liệt" đó đã làm mới tên tuổi của mình bằng nhiều scandal bẩn tới mức không thể chấp nhận được. Họ liên tục đưa ra các scandal làm "nóng" dư luận và "mới" mình như chụp hình nude, lộ "hàng", ăn mặc hở hang, phát ngôn gây sốc, quảng cáo "bẩn".
Đó là những siêu mẫu như Q., H., T, Qu... Khi bị dư luận lên án, họ "lý giải" rất con nhà nghề rằng, vì tôi yêu cuộc sống, vì nghệ thuật nên mới nude; tôi nói thật như tôi nghĩ; tôi quảng cáo theo kịch bản của nhà đầu tư chứ có tự ý sáng tạo đâu... Việc các mẫu đưa ra đủ lý do để biện minh cho mình khi bị "ném đá" là đúng nhưng lý do nào cũng thể hiện sự lố bịch, kém hiểu biết thì không chấp nhận được. Đây là điều đáng xấu hổ nhất mà các mẫu Việt cần rút kinh nghiệm khi xây dựng hình ảnh của mình.
Thực tế, Việt Nam có rất nhiều người mẫu đẹp, những cuộc thi tìm kiếm người mẫu hàng năm, tạo ra một đội quân catwalk hùng hậu. Xét về gương mặt, thân hình, khả năng trình diễn thì mẫu ta không thua kém mẫu ngoại. Thế nhưng, thái độ làm việc và sự đầu tư nghiêm túc cho nghề nghiệp thì mẫu ngoại vượt trội hơn rất nhiều. Người mẫu Việt luôn vội vàng trong việc thể hiện bản thân, khẳng định tên tuổi trong khi mẫu ngoại làm việc đều có chiến lược, đường hướng rõ ràng., có sự đầu tư lâu dài. Mẫu Việt vội vàng nổi tiếng, kiếm tiền nên lấn sân tùm lum sang lĩnh vực khác.
Người mẫu ngoại rất ít lấn sân, họ quan niệm rằng: "Làm cái gì cũng phải học. Tôi từng luyện tập, học nghề người mẫu suốt mấy năm ở Philippines và Úc. Nếu muốn đóng phim hay đi hát, trước hết phải xem có khiếu hay không và phải học hành đàng hoàng. Bởi tôi chẳng muốn mình là robot trước ống kính máy quay". Tâm sự của Marcus đã phần nào chứng tỏ, tư duy của mẫu ngoại khác mẫu Việt và khi đã theo nghề thì họ rất nghiêm túc, đầu tư cho nghề nghiệp xứng đáng cả về thời gian, công sức và tiền bạc. Người mẫu Thúy Hạnh cũng từng bày tỏ: "Người mẫu Việt thế hệ mới hoàn toàn có tiềm năng, cơ hội để trở thành người mẫu quốc tế. Thế nhưng, họ không hình thành được thái độ làm việc chuyên nghiệp nên thua ở sân chơi ngoại là điều dễ hiểu".
Huyền Nga