Giữa những ngày hè nhưng San Francisco mát mẻ thậm chí còn hơi lạnh như thời tiết ở Bắc Âu. Hoa ở San Francisco tuyệt đẹp. Có lẽ thời tiết lạnh kèm theo chút sương mù khiến những bông hoa có cơ hội se sua khoe sắc: đỏ thì đỏ rực, tím thì tím ngắt, vàng thì vàng ươm… Phong cảnh thành phố thật lãng mạn nên thơ với những luống hoa rực rỡ trong nắng sớm, đâu đó vẫn còn vương đọng những giọt sương li ti chưa kịp tan, những cơn gió thì đủ lạnh để người ta xích lại gần nhau hơn…
Cầu cảng vịnh San Francisco
Sương mù cộng thêm với gió từ biển thổi vào cầu cảng khiến cái lạnh chuyển thành cái rét khi chúng tôi phải đợi khá lâu để lên tàu du lịch tham quan vịnh San Francisco với cây cầu Cổng vàng nổi tiếng. Thế là mọi người tranh thủ ghé vào các cửa hàng lưu niệm để mua sắm áo mặc cho đỡ rét. Quần áo trong các cửa hàng này toàn “made in china”, ngắm nghía thêm một chút thì hầu hết là trang phục màu xanh, xám và đen trắng kẻ sọc. Có vẻ giống trang phục tù nhân trong các nhà tù liên bang Mỹ mà chúng ta vẫn thấy trong các bộ phim trên kênh HBO hay Cinemax. Thì ra đây cũng là những món hàng lưu niệm độc đáo bởi chuyến tham quan vịnh San Franisco không chỉ có chiêm ngưỡng cây cầu Cổng vàng mà còn được nhìn ngắm từ xa khu nhà tù trên đảo Alcatraz. Tuy vậy những chiếc áo xanh, xám hay sọc đó vẫn được bán rất chạy bởi nhiều khách tham quan bị bất ngờ trước cái lạnh ở đây. Chiếc áo khoác mỏng mà tôi mang theo từ sáng sớm đã khiến tôi trở nên may mắn vì không phải bỏ tiền ra mua một chiếc áo “độc đáo” chỉ để mặc một lần ở đây.
Được xây dựng bên bờ của đại dương lớn nhất thế giới, cầu có tên Cổng Vàng vì cầu bắc qua eo biển Cổng Vàng. Eo biển này nối Vịnh San Francisco với Thái Bình Dương, đó là cửa ngõ cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của California nói riêng và của nước Mỹ nói chung với thế giới bên ngoài. Cổng Vàng là một eo biển hẹp, rộng chỉ hơn một kilômét, mỗi lần thủy triều lên hoặc xuống, sự thay đổi mực nước giữa Đại Dương và Vịnh San Francisco khiến cường độ dòng chảy ở đây rất lớn, thêm vào đó là gió bão, sương mù… Mặc dù vậy, cây cầu từng được coi là “không thể xây dựng được” lại được hoàn thành chỉ trong một năm rưỡi. Cây cầu nổi tiếng bởi vẻ đẹp tráng lệ, tính hoàn hảo trong kiến trúc và sự hài hòa với phong cảnh thiên nhiên. Tuy nhiên sương mù khá dày đặc ngay cả lúc giữa trưa nên chúng tôi đã không chụp được trọn vẹn hình ảnh của cây cầu. Dưới chân cầu về phía thành phố San Francisco là Pháo đài Fort Point được xây từ giữa thế kỷ 19 để bảo vệ cửa biển Cổng Vàng.
Một ngã tư ở San Francisco
Chúng tôi tiếp tục hành trình tham quan khu trung tâm San Francisco. Thành phố nằm trên sườn của những quả đồi nên có nhiều đường phố là những con dốc thoai thoải gợi nhớ về những thành phố châu Âu nơi có những quán rượu nằm dưới tầng hầm, vào mùa hè hay mùa thu khách ngồi bên cửa sổ có thể thỏa thích chiêm ngưỡng những đôi chân đẹp đang vô tư dạo phố. Một chiếc tàu điện dừng lại giữa phố, sao thế nhỉ? Đi tiếp đến ngã tư lại thấy một chiếc tàu điện khác cũng đỗ giữa dốc. Mất điện! Lạ nhỉ. Ở Mỹ cũng mất điện? Cảm giác quen quen như đang ở Hà Nội.
Xe tiếp tục chạy, chúng tôi nhận ra mình đang tiến vào khu phố tầu nổi tiếng ở San Francisco bởi những hàng chữ Trung quốc chạy dọc trên biển hiệu cửa hàng. Có lẽ sau khi Calico và miền tây cạn kiệt khoáng sản, những người Hoa đã nhanh chóng tụ về San Francisco, nơi đã được họ gọi tên là “Cựu kim sơn” - núi vàng cũ. Với tài buôn bán kinh doanh dường như bẩm sinh, những người Trung hoa ở đây lại tiếp tục khai thác những ‘mỏ vàng” mới với việc tạo lập nên một Chinatown khá rộng lớn ở thành phố này. Không lẫn vào đâu được dáng vẻ của khu phố tầu khi xe dừng lại trước một cửa hàng ăn có những chú vịt quay vàng suộm được treo lủng lẳng ngay trên quầy. Vịt quay ở San Francisco hấp dẫn không kém gì vịt quay Bắc Kinh. Món vịt quay ngon lành khiến chúng tôi có thêm năng lượng để cuốc bộ dạo trên những con phố khá dốc.
Thêm một ngạc nhiên nữa khi chúng tôi phát hiện ra vô số quần áo phơi đầy mặt tiền tầng trên của những ngôi nhà. To nhỏ, lớn bé, trong ngoài… quần áo sau giặt được phơi đầy trên ban công và cửa sổ của các căn hộ, có lẽ chỉ cần quan sát số quần áo được phơi ở ban công hay cửa sổ là có thể đoán ra căn hộ đó có bao nhiêu người và mấy thế hệ đang sống ở đó.
Dừng chân ở một ngã tư, những bức ảnh chụp được là sự trái ngược giữa sự hiện đại văn minh với cái xô bồ, nhếch nhác. Có lẽ đó cũng là nét đặc trưng của San Francisco.
Kỳ sau: Las Vegas - “N trong 1”
Theo Anna Nguyễn/ICTPress