Tử Cấm Thành là nơi sinh sống của nhiều đời vua chúa trong lịch sử Trung Quốc. Ngày nay đây là một trong những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, biểu tượng của Trung Quốc.
Những ai từng đặt chân đến Tử Cấm Thành đều phải trầm trồ trước sự uy nghiêm, hoành tráng của nó. Trải qua hàng nghìn năm, các nhà khảo cổ học, sử học và kiến trúc sư vẫn chưa bao giờ thôi bị cuốn hút bởi công trình kỳ vĩ ẩn chứa nhiều bí mật này. Từng cành cây, ngọn cỏ, ngay cả viên gạch lát sàn trong Tử Cấm Thành cũng đều ẩn chứa những câu chuyện riêng của nó.
Trang Sohu từng đưa tin, trong một lần kiểm tra Tử Cấm Thành, các chuyên gia đã phát hiện ra dấu hiệu hư hỏng của một vài viên gạch lát sàn trước cửa điện Thái Hòa. Để phục vụ việc tu sửa, họ tiến hành cạy, lật những tấm gạch lát sàn lên, nhờ đó, một bí mật chôn vùi suốt thời gian dài dần được hé lộ.
Theo đó, sau khi lật lớp gạch bên trên, các chuyên gia phát hiện ngay bên dưới lại có thêm một lớp gạch khác y hệt. Chưa dừng lại, khi tiếp tục lật lớp gạch ấy lên thì lại có thêm một lớp nền khác giống hệt như vậy xuất hiện. Cứ thế, có đến tổng cộng 15 lớp gạch lát nền được chồng lên nhau, xếp đều tăm tắp dưới sàn Tử Cấm Thành.
Tuy nhiên đáng chú ý là bên dưới không hề có cơ quan bí mật hay dòng nước nào. Điều đó khiến các chuyên gia vô cùng kinh ngạc, muốn biết bí mật đằng sau những tầng gạch này là gì? Tại sao người xưa phải lát tới 15 tầng gạch chồng lên nhau như vậy?
Cuối cùng, qua quá trình tra cứu sử liệu cũng như nghiên cứu và thảo luận, các chuyên gia đã phát hiện ra mục đích của 15 tầng gạch này là nhằm bảo vệ sự an toàn cho hoàng thất, đặc biệt là cho bậc đế vương.
Đại điện là nơi diễn ra nhiều nghi lễ quan trọng như lễ đăng cơ, đại hôn, ban thưởng, yến tiệc... Những nghi lễ này đều hết sức quan trọng, có thể coi là nghi lễ hàng đầu và cao quý nhất thời bấy giờ. Người xưa cực kỳ coi trọng những việc này, đặc biệt là ở những nơi như hoàng cung, vì vậy không được để xảy ra bất cứ sai sót nào.
Dù những bức tường của Tử Cấm Thành đã được thiết kế cao ngất, bao bọc xung quanh cung điện để tránh thích khách đột nhập. Cung điện cũng là nơi được canh phòng cẩn mật, trong ngoài đều có 3 lớp canh phòng. Song Hoàng đế vẫn không yên tâm, luôn lo sợ sẽ có kẻ xấu đào hầm, chui lên từ lòng đất đột nhập vào cung.
Vậy nên Hoàng đế Chu Đệ của nhà Minh mới yêu cầu những người thợ thủ công lát tầng tầng lớp lớp gạch bên dưới nền cung điện, để không kẻ nào có ý định xâm phạm được.
Những viên gạch lát này cũng được thiết kế hết sức tinh xảo. Mỗi viên gạch mất tới 720 ngày với nhiều công đoạn khác nhau mới cho ra thành phẩm ưng ý nhất. Không chỉ đẹp và tinh xảo, lớp gạch lát nền này còn có tác dụng điều hòa nhiệt độ, đông ấm hạ mát, giúp những người sống trong cung luôn cảm thấy thoải mái nhất.
Do liên quan đến việc an nguy của Hoàng thất, bí mật về thiết kế nền gạch tuyệt đối không được hé lộ. Chính vì thế, ngay sau khi Tử Cấm Thành được xây dựng xong, những người thợ thủ công lát sàn đều bị thủ tiêu, không một ai sống sót. Điều đó phần nào cho thấy sự lạnh lùng, tàn nhẫn của các bậc đế vương thời xưa.
Minh Hoa (t/h)