Mua lại đồ vừa bị... "nhảy"
Nghe tin "con la già" bốn bánh của tôi vừa bị trộm "nhảy" mất vài thứ đồ độc, gã bạn chuyên buôn xe cười như nắc nẻ. Cười chán, gã khuyên tôi, muốn "chuộc" lại đồ cứ lên chợ "giời" thử một chuyến. Mặc dù đã nghe đến "đại bản doanh" - nơi buôn bán, giao dịch lớn nhất về phụ tùng ô tô ở Hà Nội, nhưng chính tôi cũng không dám nghĩ đến cái thứ đồ vừa cũ, vừa hiếm của xe mình lại có để bán. Bán tín, bán nghi, nhưng tôi cũng thử đến chợ một lần với hy vọng sẽ kiếm được thứ mình cần. Trước khi tôi đi, gã bạn không quên nhắc nhở: "Chợ "giời" vốn nổi tiếng về nhiều chiêu "móc túi" khách hàng, ai cũng biết điều này nhưng khi có nhu cầu thay thế phụ tùng không thể không đến đây".
Trên đường đi, tôi còn được gã bạn thao thao chỉ giáo: "Nếu bị mất cắp linh kiện, phụ tùng ôtô, xe máy bạn có thể đến chợ "giời" để tìm mua, có cơ hội cao để mua lại chính những phụ tùng mà xe của mình vừa bị mất cắp. Quy tắc riêng của chợ "giời", dù là hàng chôm chỉa, tháo xe..., nhưng mỗi loại phụ tùng đều có giá niêm yết. Chẳng hạn, gương xe Toyota Vios, Altis có giá niêm yết từ 8 - 10 triệu đồng/đôi, không có cửa hàng nào bán dưới mức giá trên, còn nhích cao hơn tùy thuộc vào tài bán hàng của từng người.... Còn phụ tùng mà khách yêu cầu thuộc hàng hiếm, hàng độc, chủ hàng chỉ cần nhấc điện thoại hoặc cử nhân viên đi tìm ở những cửa hàng khác, ít phút sau sẽ có hàng. Những phụ tùng dễ tìm thấy ở nơi đây nhất chính là những loại hay bị mất cắp như: Lôgô, lazang, gương, chữ gắn trên xe... Những loại hàng cỏ này tuy lời lãi không cao, nhưng đó là mặt hàng dễ mua, dễ bán và dễ sinh lời".
Càng gần Tết, chợ "giời" hoạt động càng tấp nập, chưa kịp bật xi nhan, táp vào lề một dãy cửa hàng trên đường Đỗ Ngọc Du (Hai Bà Trưng, Hà Nội), tôi đã được săn đón nhiệt tình. Nhìn hai hốc đèn pha xe, 4 miếng ốp lazang của xe tôi đã "bay", bà chủ một cửa hàng lớn đầu phố đi lại phán: "Hàng độc rồi, đời xe của em sâu quá, cửa hàng chị mà tìm không thấy thì đi cả phố cũng chịu", vừa nói, vị này hối nhân viên vào kho tìm. Chừng 5 phút sau, thông tin báo ra... "cháy". Lúc này, vị chủ mới rót chén nước mời khách hàng như bắt đầu vào chuyện: "Chú có cần lắm không, hay mua loại khác về chế. Nếu cần chờ thêm 15-20 phút để chị cho nhân viên qua mấy điểm tập kết hàng tìm nhưng giá hơi cao một chút". Tôi đồng ý với cái nháy mắt của gã bạn như nhắc lại câu nói: "Chuộc lại đồ bị nhảy".
Phố Đỗ Ngọc Du - nơi được biết đến với những phụ tùng ô tô... "đặc chủng".
Đúng như lời quảng cáo, sau cuộc "hành quân tổng lực" của 3 nhân viên trong cửa hàng, số đồ tôi cần đã có. Khó có thể xác định đôi đèn pha vốn của xe mình đã được đánh sáng quắc, nhưng nhìn 1 trong 4 tấm ốp lazang, tôi có thể nhận ra vết xước quen thuộc. Biết không thể chứng minh là đồ của mình bị mất tối qua, hỏi giá được bà chủ hô: "2 củ, bớt cho 2 trăm ngàn đồng". Tiền trao, cháo múc, lắp vào xe như thể là chính nó nhưng có phần long lanh hơn.
Ngậm nỗi đau quay đầu ra xe, tôi phần nào được an ủi khi ngó hàng bên cạnh, khổ chủ một chiếc BMW X6 bị bẻ nguyên hai cụm gương đang méo xệch chưa tìm được hàng. Nghe đâu có giá gần 10 củ (10 triệu đồng) nhưng phải chờ thêm vài hôm, nếu không muốn mua mới với giá đôi ba chục "củ".
Bắc thang lên hỏi...?
Do nhu cầu ngày một lớn về thay thế linh kiện, phụ tùng nên khu vực kinh doanh phụ tùng ở chợ "giời" những năm gần đây cũng phình to ra, nếu như trước đây chỉ rải rác ở khu vực phố Trần Cao Vân, Đỗ Ngọc Du thì nay choán sang cả phố Lê Gia Định, Nguyễn Công Trứ... Một chủ cửa hàng trên phố Đỗ Ngọc Du cho hay: "Do nhu cầu tăng mạnh nên 2 - 3 năm nay quy mô các cửa hàng phụ tùng ô tô ở chợ Trời lớn hơn hẳn, phụ tùng bán cho khách hàng được nhập về chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan... Do đó cùng một loại phụ tùng nhưng có tới dăm bảy loại giá khác nhau".
Đây chính là yếu tố để dân buôn cò con giở chiêu làm giá. Chẳng hạn giá bán một lá côn hàng xịn của xe Ford Transit là 2,4 triệu đồng/chiếc, nhưng với kiểu dáng, bao bì, nhãn mác y chang nhưng là hàng nhái của Trung Quốc, giá nhập vào chỉ 200.000 đồng/chiếc. Nếu gặp khách không am hiểu thì dân buôn sẽ đưa hàng nhái. Một trong những phụ tùng được thay thế nhiều nhất của ô tô là lọc dầu và lọc gió. Một chiếc lọc dầu, lọc gió chính hãng hiệu Denso lắp trên các dòng xe Toyota nhập từ Nhật Bản giá bán từ 200.000 - 300.000 đồng; trong khi đó hàng nhái giá chỉ 30.000 - 50.000 đồng.
Phương châm bán hàng của dân buôn bán phụ tùng ô tô ở chợ "giời" là "năng nhặt chặt bị", bởi kiếm được khách hàng lớn mua nhiều, mua theo lô thường rất ít mà đa phần là khách mua những món đồ, phụ kiện nhỏ lẻ từ những phụ tùng, phụ kiện hay phải thay thế trên xe như: Ốp đèn pha, đèn hậu, xi nhan, gạt mưa, ốp lazang, gương, kính... Do đó, mặt hàng chính dân buôn chú trọng để đầu tư kinh doanh là những đồ nhỏ lẻ này, bởi nó là mặt hàng "nuôi sống" cửa hàng.
Khi mặt hàng nào bán chạy nhất thì dễ có hàng giả, hàng nhái nhiều nhất, chỉ tính riêng lưỡi gạt mưa cũng có khoảng 10 loại khác nhau, giá bán cũng chia thành 10 giá khác nhau. Nếu khách hàng am hiểu, hoặc là thợ sửa xe, khách quen thì thường mua được đồ xịn, đúng giá, còn khách vãng lai, khách mua cho xe gia đình thì thường bị chặt chém hoặc mua phải hàng nhái mà vẫn phải trả tiền mua ngang bằng với giá phụ tùng chính hãng.
Đáng nói, với những thứ đồ đặc chủng như, còi hụ, đèn pin hay thậm chí là đèn quay của xe dẫn đoàn hay lực lượng cảnh sát,... nếu cần sẽ được đáp ứng đủ trong khu chợ này mà không hề bị lực lượng chức năng... "sờ gáy". Hỏi mua một chiếc đèn quay dẫn đường tôi được hét giá 3 trăm ngàn đồng và nếu thích "hoành tráng" hơn thì cả bộ dàn đèn cảnh sát đặt trên nóc xe có giá 1 củ (1 triệu đồng), bảo hành 1 tháng.
Ai "chống lưng" cho những kẻ... "luộc đồ"?
Trước tình hình trộm cắp các phụ kiện ô tô diễn ra ngày một dày trong tháng cao điểm gần tết, công an Hà Nội đã đẩy mạnh lực lượng ra quân dẹp các đối tượng này. Mới đây nhất, qua quá trình theo dõi, các trinh sát công an quận Hai Bà Trưng cùng công an phường phố Huế (Hà Nội) bắt được Đào Duy Cường (25 tuổi ở T.P Yên Bái, tỉnh Yên Bái) đang mang 5 bộ gạt nước ô tô, lôgô mặt sau nhãn hiệu Ford cùng nhiều lôgô ốp bánh nhãn hiệu Toyota tiêu thụ tại chợ Hòa Bình. Quá trình điều tra, cơ quan công an đã bắt được thêm 3 đối tượng khác trong đường dây trộm cắp phụ tùng ô tô này. Khám xét nơi ở đối tượng còn phát hiện một kho hàng gồm 4 thùng inox với số lượng hàng trăm đồ phụ tùng. Nhóm trộm khai nhận đã gây ra hàng chục vụ trộm cắp phụ tùng ô tô khác ở Hà Nội.
Trước đó không lâu, công an TP.Hồ Chí Minh cũng phá được một đường dây gồm 8 đối tượng chuyên trộm cắp, tiêu thụ phụ tùng ô tô. Đáng nói, tại cơ quan công an, những tên trộm khai nhận từ đầu năm 2010 đến nay đã bán hơn 200 chiếc gương hậu, 60 cần gạt nước, hàng chục mâm chụp bánh xe (ốp lazang) tại chợ Dân Sinh (quận 1) và chợ phụ tùng ô tô trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) theo đơn đặt hàng từ trước. Theo lực lượng chức năng, tại các chợ này, khi khách có nhu cầu mua phụ tùng để thay thế thì loại nào cũng có. Nhiều loại do khan hiếm, bọn chúng sẽ đặt hàng nhóm trộm để tìm đúng sản phẩm rồi cung cấp cho khách sau.
Việc xử lý những kẻ trộm cắp đã rõ, còn những nơi tiêu thụ các sản phẩm này thì sao? Một cán bộ phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) cho hay: "Việc xử phạt các cửa hàng bán phụ tùng ô tô ăn cắp rất khó vì không bắt được quả tang nên chỉ còn biết tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, buôn bán phụ tùng ô tô không mua bán, tàng trữ hàng hóa, phụ kiện không có nguồn gốc và sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan công an để xử lý".
Trần Quyết