Tết Nguyên đán Mậu Tuất đã cận kề, sân khấu kịch tại TP.HCM đã có lịch chính thức các vở diễn để phục vụ người dân. Theo ghi nhận, mùa Tết năm nay, bên cạnh các vở diễn cũ, các sân khấu “chào sân” với nhiều vở diễn mới.
Sân khấu Ifecaf đang sửa chữa nên chỉ chọn 2 vở diễn mới đón tết là Thám tử tình si và Bởi vì ta yêu nhau bên cạnh các vở cũ vẫn ăn khách. Sân khấu này có lợi thế lâu năm, dàn diễn viên gạo cội với sự dẫn dắt của NSƯT Thành Lộc. Cả 2 vở đều có những mảng miếng hài vui nhộn, nhẹ nhàng, rộn ràng phù hợp với không khí đầu năm. Đằng sau nụ cười ấy là tình người và những giá trị nhân văn.
Sân khấu Thế Giới Trẻ có 5 vở diễn vào ngày Tết là Bao giờ mẹ lấy chồng, Tình kỹ nữ, Thiên thần, Cân luôn và Sao đại chiến. Cả 5 vở diễn đều mang tính giải trí vui nhộn, nhẹ nhàng lồng ghép những mối quan hệ xã hội. Khi xem, ắt hẳn khán giả không thể nhịn được cười với các mảng miếng nhưng cũng có lúc lắng đọng càng có ý nghĩa hơn khi xuân về.
Sân khấu Trịnh Kim Chi là nơi hiếm hoi vẫn chọn thể loại kịch kinh dị, xu hướng được ưa chuộng suốt 2 năm qua. Tại sân khấu này có Hồn nữ mơ hoang, Thầy giáo ma, Chuyến đi tử thần và Game ơi là show. Cả 4 vở đều được chuẩn bị từ tháng 11 để diễn Tết. Trong đó, Game ơi là show là vở kịch mang hơi hướng châm biếm dí dỏm thực trạng game show nhảm nhí hiện nay.
Kịch Hồng Vân được xem là nơi xuất xưởng nhiều vở kịch mới nhất trong mùa tết năm nay gồm Ngọc Lan trong gió, Bốn nàng độc thân, Rambi, Con của chồng tôi và Căn nhà im lặng. Tất cả các vở kịch đều mang đậm dấu ấn hài kịch phong cách của Hồng Vân.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh tạo dấu ấn với các vở diễn mới là Giấc mộng vàng son, Ừ đi, Ừ!, Sài Gòn có 1 ngã tư. Trong đó, theo người viết, nổi bậc hơn cả là Sài Gòn có 1 ngã tư. Vở kịch kể câu chuyện về ngã tư Quốc Tế ồn ào, nhộn nhạo có đôi nam thanh nữ tú yêu nhau nhưng lại bị cha của chàng trai cấm cản vì cô gái từng làm nghề bán thân. Người cha có 1 con chó cưng bị mất. Ông cho rằng, con trai và người yêu thông đồng “cướp” con chó để mình yêu thương, tác hợp cho họ.
Trùng đề tài, nói về Sài Gòn là vở diễn Hẻm nhỏ Sài Gòn của Nhà hát kịch TP.HCM. Đã khá lâu, đơn vị này mới cho xuất xưởng vở mới với sự bảo chứng từ bàn tay dàn dựng của đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu. Câu chuyện kể về con hẻm nhỏ có tuổi đời hàng trăm năm của gia đình ông Bình.
Ông Bình là nhân vật được người dân ở đây tôn trọng vì có lối sống đức độ, nhân nghĩa với dân tứ xứ. Ông cho người phụ nữ tên Ngọc mượn đất bán quán cà phê cóc nuôi chồng bạo bệnh, giúp chú Mười chạy xe ôm hay anh Tài hát dạo bán kẹo kéo…
Với sự đô thị hóa, con hẻm này nằm trong “tầm ngắm” của một công ty xây dựng với hy vọng biến thành tòa cao ốc và trung tâm thương mại. Số phận của con hẻm cũng gắn liền số phận của những phận đời nơi đây. Cả 2 vở diễn đều khiến người xem xúc động bởi sự yêu thương, đùm bọc, nhân văn của người dân Sài Gòn.
Vở kịch nêu lên vấn nạn, thực trạng của Sài Gòn hôm nay là những giá trị di sản đang bị xâm lấn, mất dần vì đô thị hóa. Ở đó có những phận người thuộc đáy xã hội, gặp nhiều nghiệt ngã nhưng vẫn chân thành, hướng thiện, gắn kết bên nhau để hóa giải đau khổ.
Tết từng được xem là “thời gian vàng” để các sân khấu kịch “hốt bạc”. Vài năm trở lại, trước cơn bão truyền hình thực tế, các sân khấu kịch sống lay lắt, thế nhưng, dịp Tết này, vẫn cố gắng dựng vở mới phục vụ người dân. Kịch Tết cũng có sự dịch chuyển từ kinh dị, hài nhảm sang tình người, tính nhân văn. Đây được xem là “canh bạc” của các sân khấu.