Sâu chít là loại ấu trùng sống trong thân cây chít - đặc sản nổi tiếng ở nhiều tỉnh phía Bắc. Thoạt nhìn, sâu chít có hình dáng giống nhộng tằm nhưng nhỏ và dài hơn. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, mùa sâu chít thường kéo dài khoảng 4 tháng, từ tháng 11 năm trước đến cuối tháng 2 năm sau.
Thời điểm này, sâu chít được bán khá rầm rộ. Chị Diệp chuyên buôn bán các sản phẩm ngâm rượu thông tin với báo Vietnamnet: Một bó sâu chít 100 ngọn bán ra thị trường có mức giá từ 160 nghìn đến 180 nghìn đồng. Loại đã chẻ, tách riêng sâu ra khỏi ngọn thì có giá đắt hơn, dao động từ 950 nghìn đến 1 triệu đồng/kg. Đặc biệt, loại sâu chít đã tách ra và sấy khô có mức giá khoảng 4 triệu đồng/kg. Vì đầu mùa nên tìm mua sâu chít khá hiếm, khách muốn mua phải đặt trước 2-3 ngày.
Anh Hờ A Vừ, bản Tà Té, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông chia sẻ với báo Dân Việt: “Năm nào anh cũng lên rừng tìm sâu chít về bán lấy thêm thu nhập cho con đi học. Tuy nhiên để kiếm được những bụi chít có sâu thì phải đi rất xa, có khi đi cả ngày mới kiếm được 2kg. Nhưng với giá bán cao như hiện nay, thì 1 ngày anh Vừ cũng bỏ túi gần hơn 1 triệu đồng”.
Theo anh Vừ, việc lên rừng tìm kiếm sâu chít cũng như đi “đánh bạc”. Hôm nào gặp may, rừng chít nhiều sâu thì kiếm vài kg như chơi, nhưng cũng có hôm đi cả ngày chỉ kiếm được vài lạng. Theo kinh nghiệm của anh Vừ thì chỉ chọn lấy những cây chít còi cọc, không trổ bông, thân hơi phình to thì bên trong mới có sâu.
“Công việc đi rừng tìm sâu chít rất vất vả, đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai và kinh nghiệm, bởi vậy trẻ em và người già không đi được. Dụng cụ đi rừng lấy sâu cần mang theo là dao chặt, dao phát và bao tải. Ngày nào chủ định đi thì dậy từ sáng sớm, băng rừng, lội suối mấy tiếng đồng hồ mới tìm được những rừng có cây chít cao. Vất vả tìm kiếm, nhưng khi đốn xuống cũng chỉ chọn lấy được 3-5 cây là có sâu bên trong”, anh Vừ chia sẻ.
Để lấy được sâu chít tươi, không bị dập, người lấy sâu cũng phải biết cách, công việc đòi hỏi rất tỉ mỉ. Theo kinh nghiệm lâu năm trong nghề chế biến sâu chít, chị Nguyễn Thị Anh, tiểu thương chợ Trung tâm I, TP. Điện Biên Phủ Trước chia sẻ: “Sau khi mua những bó chít mang từ rừng xuống, để không quá 48 giờ đồng hồ là phải tách lấy sâu ra. Bởi nếu để quá thời gian sâu chết, chế biến khó và chất lượng không đảm bảo. Trước khi chế biến sâu chít, dùng dao tách đôi thân chít, lấy sâu ra và ngâm trong rượu có nồng độ nhẹ để làm sạch ruột sâu, sau đó chế biến sâu tùy theo ý thích của từng người, có người thì chiên giòn, có người ngâm rượu...”.
Ra khỏi đọt cây, những con sâu này được thả ngay vào chậu đựng rượu pha loãng để không bị biến chất và giúp sâu nhả hết chất bẩn. Người vùng cao thường dùng sâu chít để ngâm rượu hoặc chế biến thành các món ăn như rang lá chanh, tẩm bột chiên, nấu cháo,... Người Mông còn dùng sâu chít để luộc chung với củ riềng chấm muối hoặc xào với các loại đọt bí, su su.
Sâu chít có rất nhiều chất bổ dưỡng, ăn có vị bùi ngậy. Rượu sâu chít có tác dụng tăng cường sinh lực cho nam giới và làm đẹp da cho phụ nữ. Chính nhờ những tác dụng đó mà sâu chít được coi là "đông trùng hạ thảo" của người Việt Nam. Còn gì thú vị hơn khi được ngồi bên bếp lửa bập bùng trong tiết trời Tây Bắc se lạnh, thưởng thức những món ăn từ sâu chít, nhấp thử một chén rượu sâu chít thơm ngọt, cay tê đầu lưỡi.
>>>Xem thêm: “Thần dược” mối chúa rừng 5 triệu đồng/20 con khiến quý ông "ngã ngửa"
Phong Linh (tổng hợp)