Phải mất cả ngày, thậm chí cả tuần ngủ rừng, ăn cơm chung với con vắt, thợ săn mới đến được khu rừng có đại bàng sinh sống. Có khi, họ phải nằm quan sát, theo cả tháng trời mới đủ tự tin để quyết định giăng bẫy, "tóm" đại bàng.
Theo chân thợ săn đại bàng
Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được vài người thợ chuyên săn đại bàng ở khu vực huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn và vùng giáp ranh huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Theo lời đồn, đó là những thợ săn nức tiếng với những chiến tích "độc hành vạn dặm" đến những nơi thâm Sơn, cùng cốc. Họ ngủ rừng hàng tháng trời, nhiều thời gian trong năm, họ ngủ rừng nhiều hơn ngủ nhà, để theo dõi, giăng bẫy, bắt đại bàng.
Nhờ có người quen ở xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, Lạng Sơn, chúng tôi đã thuyết phục được một số thợ săn cho đi theo săn đại bàng. Ông Lý Sùng Tỉn, 60 tuổi, là người nhiều kinh nghiệm đường rừng cũng như kỹ nghệ săn bắt đại bàng nhất nên đã được các thợ săn tôn làm "trưởng đoàn".
Nói về công việc vất vả, nguy hiểm này, ông Tỉn cười tủm: "Đó là cái thú của những người thợ săn. Cách đây hơn 20, lúc đó tôi còn trẻ, một mình vẫn cầm dao băng rừng, lội suối, ăn sương, nằm gió bám dấu vết đại bàng. Bây giờ tuổi già sức yếu, vào rừng lại rất nguy hiểm nên cần rủ thêm nhiều người". 3h sáng ngày hôm sau, khi bản làng còn chìm sâu trong giấc ngủ thì ông Tỉn dẫn chúng tôi cùng các thợ săn, đùm cơm cùng với nước uống, sẵn sàng vượt cung đường gần 100km đến xã Kiên Mộc, Lạng Sơn để săn "chúa tể bầu trời".
Thợ săn đang giăng bẫy bắt đại bàng.
Cái lạnh thấu sương, đứt tủy của rừng thiêng nước độc và sương sớm phủ mờ chốn thâm sơn cùng cốc vẫn không cản được bước chân của cánh thợ săn đang căng tràn khí huyết sục sạo rừng xanh tìm đại bàng. Chúng tôi cưỡi trên chiếc xe máy "Min - khơ" xẻ toạc màn đêm băng qua những cung đường vằn viện giống thác nước được ngụy trang bởi những tảng đá khổng lồ lô nhô như những cái bẫy của vực thẳm.
Ông Tỉn cho biết: "Xã Kiên Mộc là nơi duy nhất ở vùng này, có nhiều chim đại bàng. Tuy nhiên, ở đây chỉ còn mỗi một loại đại bàng đất, sải cánh dài hơn 1m, nặng khoảng 4 - 5 kg/con, lông khoang, mắt vàng, mỏ quặp, móng vuốt sắc, nhọn. Mấy năm trước, loại đại bàng này còn rất nhiều và có thể tìm thấy chúng ở bất cứ cánh rừng hoang vu nào, hoặc là những dãy rừng núi đá cao, hiểm trở trong vùng. Do bị con người săn, bắt nhiều nên nó cũng dần biến mất. Trước đây trong rừng Kiên Mộc còn có cả đại bàng lửa - loại đại bàng được coi là "chúa" của đại bàng. Đại bàng lửa có trọng lượng nặng hơn đại bàng đất, khoảng 10kg. Sải cánh dài gần 3m, móng dài, sắc và nhọn hoắt, trên đầu có mào, đặc biệt, nó có đặc điểm dễ nhận biết nhất, là mắt màu đỏ... Loại đại bàng này rất tinh nên ít người săn, bắt được chúng".
Trời tảng sáng, chúng tôi đã vượt qua trung tâm xã Kiên Mộc. Chúng tôi để xe ở bìa rừng, chuẩn bị leo lên đỉnh núi cao nhất vùng. Anh bạn đồng nghiệp của tôi tỏ vẻ lo lắng: "Để xe ở đây, lỡ trộm cuỗm mất, biết kêu ai?". Ông Tỉn cười đáp: "Mày có để xe cả tháng ở đấy, cũng không ai thèm lấy, ở đây không có trộm cắp gì đâu". Nói rồi, ông lôi đùm cơm nắm ra ăn, uống xong ngụm nước, ông vớ lấy cái điếu cày, rít sòng sọc mấy hơi, nhìn rất sảng khoái.
Cùng theo dõi động tĩnh của đại bàng
Mặt trời le lói sau cánh rừng già cũng dần dần xua tan sương sớm. Ông Tỉn dẫn chúng tôi leo đỉnh núi được coi là cao nhất vùng. Lên đến đỉnh rừng già, mặc dù mùa đông lạnh lẽo nhưng đoàn người vẫn bị mồ hôi thấm ướt áo. Câu chuyện về "chúa tể của bầu trời" mà ông Tỉn kể đã giúp chúng tôi quên mệt mỏi. "Đôi mắt tinh tường của đại bàng giúp chúng có thể nhìn thấy một con gà khi đang bay trên không trung cách xa mặt đất đến gần 3km. Khi bắt mồi, đại bàng thường bay theo hướng ngược nắng để con mồi chói mắt không thể phát hiện. Đại bàng có bộ móng vuốt sắc nhọn, giúp chúng dễ dàng "tóm" gọn con mồi, dù nó là rắn trườn dưới đất, cá bơi dưới nước hay chim đang bay trên trời. Đại bàng bay với vận tốc lên đến gần 300km/h. Nó có sức mạnh lớn như vậy nên phạm vi sinh sống của đại bàng rộng lên đến 60km2.
Thấy chúng tôi sốt ruột và thắc mắc, chẳng thấy đại bàng đâu, ông Tỉn trấn an: "Săn đại bàng phải kiên trì, hôm nay chưa thấy chúng thì mai đi tiếp, đi cho đến khi nào thấy được đại bàng mới thôi. Người thợ săn cũng giống như người lính trinh sát trong quân đội, công an vậy, phải kiên trì tìm, đợi "mục tiêu" chứ!".
Ông Tỉn tiếp lời: "Cũng như các loài chim thuộc bộ cắt, đại bàng sống tình cảm. Trong những tháng chuyển cành đầu tiên, đại bàng con chỉ đi theo mẹ để học cách săn mồi. Mồi săn được chim mẹ sẽ trực tiếp mớm cho chim con. Khoảng 12 tháng sau, khi chin non thuần thục cách săn mồi thì mới được chim mẹ cho ra sống tự lập". Chính vì vậy, muốn bắt đại bàng, phải hiểu được đặc tính của chúng. "Nhìn cánh chim đại bàng chao nghiêng giữa cánh rừng hay khi chúng quắp mồi mà vút lên cao theo tọa độ bao nhiêu và nghiêng về hướng nào thì thợ săn dựa vào đó mà tìm mỏm núi đá hay cây cổ thụ để tìm dấu vết của chúng, thì kiểu gì cũng săn được" - ông Tỉn bật mí.
Theo kinh nghiệm của ông Tỉn, thì việc theo dõi này có thể kéo dài hàng tháng, nhưng khi bắt thì chỉ trong vòng tích tắc. Khi biết đại bàng làm tổ ở đâu, người thợ săn phải nằm dài theo dõi. Khi thấy chúng tha rác về làm tổ thì cũng có nghĩa là đợt sinh sản sắp đến. Đợi khi nào đại bàng sinh nở xong, lũ chim non đòi ăn nhiều thì cặp "vợ chồng" đại bàng cùng bay đi kiếm mồi, đó là thời cơ để thợ săn giăng bẫy "thắt chân" đại bàng trên những cành cây gần tổ. Như vậy, có thể "tóm" gọn cả con đại bàng trống và mái, sau đó bắt luôn cả tổ con non về để nuôi ở nhà.
Ông Tỉn bật mí: Đánh bẫy đại bàng đi lẻ, khi chưa vào mùa kết đôi, thợ săn phải có mẹo riêng. Sau khi phát quang, dọn sạch một khoảng đất, ông Tỉn lôi trong bao tải ra những chiếc quặp sắt, có những chiếc răng cưa nhọn hoắt đan xen "khít khìn khịt". Chiếc bẫy chỉ bé bằng lòng bàn tay nhưng ông Tỉn phải dùng một chân đạp chốt, còn hai tay kéo hai cánh mới mở ra được. Trước khi đặt bẫy, ông Tỉn lấy giẻ cuốn quanh gọng bẫy để che những chiếc răng cưa lại, phòng khi đại bàng dính bẫy chúng không bị gãy chân... Ông Tỉn đặt bốn chiếc bẫy quanh một mô đất nhỏ, lấy lá cây rừng trùm lên những chiếc bẫy rồi tiếp tục phủ lên bên trên lớp lá một lớp đất mỏng để ngụy trang. Bên cạnh những chiếc bẫy ông Tỉn buộc vào một con gà để làm mồi nhử. "Khi đại bàng lao xuống quắp mà không giật được con mồi, nó sẽ đậu xuống đất. Khi đó, đôi chân bị nạn của chúng sẽ sa vào bẫy đã được giăng sẵn" - ông Tỉn kể về thủ thuật săn đại bàng lẻ với vẻ rất đắc ý.
Giăng bẫy xong, ông Tỉn cùng chúng tôi luồn vào gốc cây khác cạnh đó nghỉ ngơi và theo dõi. Đến chiều tối, có một con chim chao liệng tìm mồi. Ông Tỉn bảo: "Đại bàng đấy! Nó đã phát hiện ra con mồi".
Con đại bàng liệng hai vòng quanh khu rừng gần con mồi rồi lại tung cánh bay vút lên trời cao. Ông Tỉn tiếc nuối: "Đại bàng là loài khôn lắm. Nó bay liệng vài vòng để quan sát. Thấy không có gì nguy hiểm mới sà xuống bắt mồi. Lúc nãy nó liệng qua đã nhìn thấy áo của mày có màu lạ, nó biết có nguy hiểm nên đã bay mất hút".
Chúa tể của rừng xanh Đại bàng là tên gọi của chim ưng, một loài chim dữ, chuyên ăn thịt, cỡ lớn, đầu thuôn dẹt, mắt to, chân khỏe, sải cánh rộng và mỏ sắc quặp xuống. Nhờ có bộ lông lộng lẫy đầy uy lực mà đại bàng được coi là chúa tể của các loài chim, muôn thú chỉ nhìn thấy đã phải kinh hãi. |
Phóng sự của Hoàng Thế Tào
*Tên nhân vật đã được thay đổi