Sản phụ nghi án truyền nhầm máu ở Sơn Tây giờ ra sao?

Sản phụ nghi án truyền nhầm máu ở Sơn Tây giờ ra sao?

Thứ 6, 08/11/2013 13:15

Có bác sỹ tỏ ra kinh ngạc vì nhiều lần xét nghiệm ra kết quả nhóm máu AB, nhưng sau đó lại ra nhóm máu B. Bác sỹ BV Sơn Tây làm “phản ứng sinh vật tại giường” để truyền máu.

Bị băng huyết sau khi mổ lấy thai, sản phụ Nguyễn Thị Loan (22 tuổi trú tại phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được bệnh viện Đa khoa Sơn Tây truyền 16 đơn vị máu nhóm B. Thế nhưng, ngay sau khi truyền máu, bệnh nhân có dấu hiệu máu đông và được chuyển ngay lên tuyến trên cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Trao đổi với PV, giám đốc BVĐK Sơn Tây cho biết, đã có những sai sót trong quá trình tiếp máu, truyền máu cho bệnh nhân.

Xã hội - Sản phụ nghi án truyền nhầm máu ở Sơn Tây giờ ra sao?

Cháu bé con chị Loan đang được người nhà chăm sóc.

4 lần xét nghiệm là nhóm AB, sau hai ngày lại thành nhóm B

Lãnh đạo bệnh viện thừa nhận có sai sót

Riêng việc có hay không nghi vấn truyền nhầm nhóm máu cho sản phụ Loan, bác sỹ Phùng Xuân Trường, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết: "Tôi rất bất ngờ trước thông tin này, sau đó Ban Giám đốc đã liên hệ với bệnh viện Bạch Mai và Viện Huyết học Truyền máu TW. Kết quả cho thấy sản phụ Loan không bị truyền nhầm máu. Nếu như truyền nhầm nhóm máu thật thì sản phụ đã không thể qua khỏi rồi". Bác sỹ Trường cũng thừa nhận Phó giám đốc bệnh viện có sai sót trong việc ký duyệt quy trình truyền máu. "Chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm tra và xử lý nghiêm nếu có sai phạm", ông Trường nói.

Theo thông tin PV nhận được, sau khi làm thủ tục đến BVĐK Sơn Tây (Hà Nội) chờ đẻ, đêm 21/10, sản phụ Nguyễn Thị Loan được các bác sỹ tiến hành mổ đẻ. Sau khi cháu bé ra đời, các bác sỹ tiếp tục phải  thực hiện ca mổ cắt tử cung vì sản phụ bị bệnh rau tiền đạo. Trong quá trình phẫu thuật, chị Loan bị mất nhiều máu nên cần phải truyền bổ sung.

Sau khi đã truyền hết những bịch máu đã xét nghiệm, chị Loan vẫn ở trong tình trạng thiếu máu, nên bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã phải huy động thêm 4 bịch máu của bệnh viện Sơn Tây và 6 bịch lấy từ bệnh viện Đa khoa Ba Vì, bệnh viện 105 để truyền.

Sau ca mổ thứ hai, tình trạng sản phụ Loan vẫn ra nhiều máu và khó tiên đoán trước được diễn biến bất thường, nên các bác sỹ bệnh viện Sơn Tây đã chuyển sản phụ Loan lên bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Tại đây, các bác sỹ đã chẩn đoán bệnh nhân bị đông máu, nghi là do truyền nhầm nhóm máu nên đã chuyển bệnh nhân sang khoa Hồi sức tích cực - bệnh viện Bạch Mai để tiến hành cấp cứu.

Theo TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, sản phụ Loan là một bệnh nhân đặc biệt, được chuyển đến từ bệnh viện Sơn Tây trong tình trạng rất nặng. Sản phụ này bị chảy máu sau khi mổ lấy thai nên phải truyền máu vào. Về nguyên tắc trước khi truyền máu, bệnh viện phải làm xét nghiệm xác định lại nhóm máu. Tuy nhiên, kết quả lại thấy xuất hiện cả kháng nguyên A và B; làm xét nghiệm 4 lần để khẳng định thì kết quả tại thời điểm đó sản phụ có nhóm máu AB. Sau khi hỏi ý kiến các chuyên gia, chúng tôi quyết định chuyển bệnh nhân sang bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, theo tôi được biết, bệnh viện cũng làm xét nghiệm 4 lần và vẫn thấy xuất hiện kháng nguyên A và B; nhưng sau 2 ngày hồi sức thì lại là nhóm máu B. Tôi cũng không rõ vì sao lại có sự việc này", ông Ánh cho biết thêm.

Xã hội - Sản phụ nghi án truyền nhầm máu ở Sơn Tây giờ ra sao? (Hình 2).

Ông Nguyễn Đình Đính - PGĐ bệnh viện Sơn Tây là người trực tiếp ký truyền máu cho chị Loan mà không qua xét nghiệm.

Bệnh viện đã làm tắt quy trình?

Được biết, 10 đơn vị máu bệnh viện Đa khoa Sơn Tây huy động từ bệnh viện khác về để truyền cho sản phụ Nguyễn Thị Loan chưa được kiểm duyệt xem có phản ứng với máu của bệnh nhân hay không, mà lãnh đạo bệnh viện đã ký duyệt truyền cho sản phụ Loan.

Theo quy trình, với bất kỳ trường hợp nhập máu từ ngoài vào (kể cả đó là bệnh viện ngoài) cũng phải nhập qua khoa Xét nghiệm để thử xem có phản ứng kết tủa với máu của bệnh nhân hay không. Nhưng 6 bịch máu nhập từ bệnh viện Ba Vì và bệnh viện 105 truyền cho chị Loan thì không thực hiện quy trình này mà đem truyền luôn. Người ký duyệt cho quy trình làm tắt này là ông Nguyễn Đình Đính - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Sơn Tây.

Trước sự việc lùm xùm trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Đính, Phó Giám đốc bệnh viện cho rằng sau khi nhận máu từ các bệnh viện khác về, trước khi truyền máu cho bệnh nhân, chúng tôi tiến hành xác định phản ứng giữa máu truyền và máu của bệnh nhân. Theo thuật ngữ y khoa đó là phản ứng sinh vật tại giường, hay còn gọi là phản ứng chéo, nghĩa là hòa máu của bệnh nhân và máu chuẩn bị truyền nếu không đông nghĩa là cùng nhóm máu và sẽ truyền được.

"Trong trường hợp chị Loan, vì thời gian quá gấp gáp nên chúng tôi đã thử chéo và thấy máu không đông nên đã tiến hành truyền máu để cấp cứu kịp thời cho sản phụ", ông Đính lý giải.

Khi PV đặt câu hỏi với việc thử máu trước khi truyền theo phương pháp thủ công ấy hoàn toàn có thể gây tai biến và nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân thì vị bác sỹ này trả lời Lúc ấy do sản phụ nguy kịch quá nên chúng tôi phải tiến hành làm nhanh để cấp cứu cho sản phụ.

Xã hội - Sản phụ nghi án truyền nhầm máu ở Sơn Tây giờ ra sao? (Hình 3).

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khẳng định: Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây không truyền nhầm nhóm máu cho sản phụ Loan.

Sản phụ đã qua cơn nguy kịch

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ việc

Ngày 1/11, bộ Y tế có công văn yêu cầu sở Y tế Hà Nội kiểm tra thông tin trên báo chí về việc truyền nhầm máu cho sản phụ tại bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội). Công văn nêu rõ, để kịp thời xử lý các thông tin do báo nêu, bộ Y tế đề nghị sở Y tế làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thông tin, báo cáo lãnh đạo bộ Y tế các biện pháp chấn chỉnh chậm nhất là ngày 5/11.

Ngày 2/11, PV đã tìm về xã Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây để thăm gia đình sản phụ Nguyễn Thị Loan. Bế cháu bé gần hai tuần tuổi trên tay, mẹ chồng chị Loan cho biết cháu bé ngoan, phát triển bình thường.

Trước vấn đề dư luận đang quan tâm có hay không việc truyền nhầm nhóm máu cho sản phụ Nguyễn Thị Loan, GS- TS.Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW đã chính thức xác nhận bệnh viện Đa khoa Sơn Tây truyền đúng nhóm máu B cho sản phụ. GS-TS. Trí cho biết, trước những nghi vấn về truyền nhầm nhóm máu, chúng tôi cùng BV Bạch Mai đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra hết sức nghiêm túc, xác định nhóm máu của sản phụ, nhóm máu của những người hiến máu và các đơn vị máu đã truyền. Các kết quả kiểm tra đều cho thấy, bệnh nhân có nhóm máu B và tất cả đơn vị máu được truyền hoàn toàn là nhóm máu B.

GS-TS.Trí cho biết thêm: "Trong trường hợp này, sản phụ Loan bị chảy máu do rối loạn đông máu trong bệnh lý của sản khoa chứ không phải do truyền nhầm nhóm máu. Nếu đặt ra giả thuyết bệnh nhân bị truyền nhầm một lượng máu lớn như vậy, thì tính mạng sẽ bị nguy hiểm, chứ khó có cơ hội cứu sống. Các kết quả kiểm tra, xác định nhóm máu của BV Bạch Mai đều tương ứng với kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Đa khoa Sơn Tây. Tuy nhiên, thời điểm chuyển viện, bệnh nhân được xét nghiệm cho thấy nhóm máu AB, có thể do trong máu sản phụ có một phần (10-15ml) máu bé sơ sinh, đây được coi là kết quả giả. Trong quá trình điều trị, chúng tôi vẫn gặp một số trường hợp - dù không nhiều, có chút "lộn xộn" về nhóm máu như trường hợp sản phụ Loan. Với những bệnh nhân này cần được theo dõi thường xuyên. Và hiện, nhóm máu của sản phụ Loan đã quay về ổn định là nhóm máu B, sức khoẻ bệnh nhân đã hồi phục.

Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến tiếp theo.                       

 Hà Khê -  Cao Tuân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.