Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Thị Yến, công ty luật Everest (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, vụ việc sản phụ Nguyễn Thị Thái Th. (SN 1988), trú tại quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội, tử vong vì tin vào mê tín là điều hết sức đáng tiếc.
Vì tin tưởng vào khả năng chữa bệnh cho mình nên chị Th. đã đến nhà ông Nguyễn Văn L., trú tại xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, để chữa bệnh dẫn đến việc chị này tử vong. Trong khi chị này bị tim bẩm sinh lại mới mổ sinh em bé, đáng lẽ nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám chăm sóc.
Theo luật sư Yến, hiện nay hoạt động mê tín dị đoan phát triển ngày càng mạnh, vượt qua các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo (quyền của công dân được Hiến pháp quy định). Mục đích của những người hành nghề mê tín, dị đoan nhằm thu lợi bất chính cho bản thân.
Bộ luật Hình sự hiện hành đã có quy định rất rõ về tội Hành nghề mê tín, dị đoan. Theo đó, hành vi hành nghề mê tín dị đoan là hoạt động lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, lạc hậu của người khác để hoạt động bói toán, đồng bóng nhằm trục lợi bất chính. Hành vi hành nghề mê tín dị đoan được thể hiện bằng các hành vi cụ thể sau:
Bói toán là hành vi đoán, phán chỉ về hiện tại, quá khứ và tương lai của người khác, chỉ dựa trên sự đoán mò theo kinh nghiệm về tâm lí con người mà không có cơ sở khoa học, như: bói bài tây, xem chỉ tay,...
Đồng bóng là hành vi tổ chức cúng lễ, lên đồng, cầu khấn… Các hình thức mê tín dị đoan khác có thể là các hành vi yếm bùa, cúng trừ tà ma,….
Hậu quả nghiêm trọng xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Hậu quả nghiêm trọng có thể là thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội trước đó đã có hành vi này và bị xử lý hành chính với cùng hành vi, thì người này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự dù không gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong trường của sản phụ Nguyễn Thị Thái Th., do chưa có kết luận của cơ quan điều tra, chưa thể xác định được nguyên nhân gây tử vong của chị Th. có phải do “cậu L.” hành nghề mê tín, dị đoan hay không.
Tuy nhiên “cậu L.” đã từng bị UBND huyện Tứ Kỳ ra quyết định xử phạt hành chính 20 triệu đồng do có hoạt động bói toán, mê tín dị đoan. Trường hợp nếu “cậu L.” tiếp tục vi phạm đối với hành vi hoạt động bói toán, mê tín dị đoan có thể bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 320 Bộ luật Hình sự. Trường hợp, “cậu L.” hành nghề mê tín dị đoan gây hậu quả chết người thì có thể bị truy tố theo khoản 2, Điều 320 Bộ luật Hình sự.
Điều 320 BLHS quy định tội Hành nghề mê tín, dị đoan quy định 1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: (a) Làm chết người; (b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; (c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
|