"Săn" rắn tí hon làm "thần dược" chữa bệnh phòng the

"Săn" rắn tí hon làm "thần dược" chữa bệnh phòng the

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Hiện nay, rất nhiều đấng mày râu đang ra sức săn tìm loài rắn giun để chữa bệnh phòng the. Bỗng nhiên, rắn giun được phong lên "thần dược" giúp cải thiện "bản lĩnh" đàn ông và có tác dụng bồi bổ cơ thể... Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, việc sử dụng thịt, rượu rắn giun rất dễ chuốc bệnh vào người.

"Thần dược" rắn giun

Tại huyện Bình Chánh, PV tình cờ gặp ông Hồ Văn Năm (58 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) đang đi bắt rắn để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Sau hồi trò chuyện về rắn giun, ông Năm cho chúng tôi theo chân để bắt loài rắn kỳ lạ này.

Ông cho biết: "Trước đây tôi đi vài tiếng đồng hồ đã có thể bắt được hàng chục con rắn giun. Nhưng không hiểu vì sao thời gian gần đây loại rắn này lại hiếm đến như vậy".

Khi chúng tôi hỏi làm sao để phân biệt được rắn giun và giun đất, ông Năm cho hay: "Đúng như tên gọi của mình, rắn giun rất giống với loài giun đất. Tuy nhiên, loại rắn này chỉ dài không quá 23cm, đầu tròn, có màu nâu bóng. Chúng thường sống dưới mặt đất, các đống đổ nát hoặc củi mục".

Sau một ngày tìm kiếm không có kết quả, PV tìm gặp ông Nguyễn Văn Xem (58 tuổi, ngụ quận Thủ Đức), một "dị nhân" chuyên "săn" rắn tại khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận. Theo lời ông Xem, loài rắn giun phải nhìn thật kỹ mới có thể nhận ra. Đặc biệt có thể dựa vào cái lưỡi của chúng.

Xã hội - 'Săn' rắn tí hon làm 'thần dược' chữa bệnh phòng the

Rắn giun kỳ lạ tại Việt Nam.

Trước nhu cầu tìm mua rắn giun của những đấng mày râu, một số người tận dụng cơ hội "hóa phép" giun đất thành rắn giun để trục lợi. Tại TP.HCM đã xuất hiện một số người rao bán loài rắn giun tí hon có công dụng kỳ diệu để cải thiện "phong độ" đàn ông. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế, những con rắn giun được rao bán thực chất là giun đất. Nhiều người rất bức xúc khi phải chi 300 ngàn đồng để mua một con... giun đất.

Anh Đ.V.B. (38 tuổi, ngụ TP.HCM), một nạn nhân mua phải rắn giun giả cho hay: “Tôi vừa mua cặp rắn giun với giá 600 ngàn đồng từ một người phụ nữ chuyên mua bán rắn dạo. Khi đem về nhà, tôi quan sát thì mới phát hiện chúng không có miệng và cái lưỡi rất đặc trưng của rắn. Mặc dù tôi lùng sục người bán rắn hai hôm nay nhưng chưa gặp".

Rắn giun không phải là "thần dược"

Trước những lời đồn thổi về tác dụng của rắn giun trong việc cải thiện "bản lĩnh" đàn ông và có tác dụng bồi bổ cơ thể, Bác sĩ Huỳnh Văn Bách, giám đốc phòng khám Huỳnh Bách cho biết, chuyện rắn giun ngâm rượu giúp cải thiện "phong độ" đàn ông là điều nhảm nhí.

Theo ông Bách, rắn giun cũng giống như nhiều loài rắn khác, chúng không có nhiều công dụng đối với người ăn hoặc uống rượu ngâm loại này. Gần đây, người dân hay đồn thổi uống rượu rắn giun giúp bổ dương nhưng đây là quan niệm sai lầm. Ngoài ra, việc ngâm rượu rắn phải được sự chỉ định của thầy thuốc, nếu người dùng tự ngâm có thể sẽ phải gánh "sự cố" như bị liệt dương hoặc cương dương quá mức...

Theo lương y Vũ Quốc Trung, giám đốc trung tâm Y dược Cổ truyền Sơn Hà, căn cứ vào các bài thuốc y học cổ truyền, thịt rắn có vị ngọt, mặn, tính ôn, quy kinh can, có tác dụng trừ phong thấp, định kinh giản, giảm đau, tiêu độc. Mật rắn có vị ngọt, cay, không đắng như các loại mật khác, có tác dụng giảm đau, giảm ho, chống viêm. Trong các tài liệu không nói tới tác dụng "bổ thận tráng dương", giúp tăng cường sinh lý đàn ông.

Trước việc một số đàn ông đổ xô đi mua rắn giun về ngâm rượu uống trong những ngày xuân sắp đến, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo, mọi người không nên coi rượu rắn giun là "thần dược".

Hơn nữa, không phải ai cũng có thể dùng được loại rượu này. Đặc biệt, với những người bị bệnh suy thận, bệnh gan, tăng huyết áp, tim mạch... việc sử dụng thịt và rượu rắn rất nguy hiểm, vì trong đó có chứa một hàm lượng độc tố. Do vậy, chuyện rắn giun có công dụng cải thiện "phong độ" đàn ông là thực tế khó xảy ra. Do vậy, mọi người cần phải hết sức chú ý kẻo tiền mất tật mang.

Rắn giun là loài vô hại

Rắn giun thuộc họ rắn. Con to nhất cũng chỉ bằng đầu đũa, con nhỏ chỉ bằng que tăm. Rắn giun không độc như dân gian thường nói. Bởi thân rắn rất nhỏ, miệng rắn không thể há to để cắn người, không gây độc.

H.N


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.