Đón xuân trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cận kề là lúc mọi người, mọi nhà đều tất bật sắm mua sắm hay quây quần bên gia đình, thì những cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) Công an Tp. Hà Nội đều được quán triệt tinh thần tập trung cao nhất cho công việc, các phương tiện chữa cháy như xe bồn chữa cháy, xe thang, vòi phun,...đều sẵn sàng khi có sự cố.
Họ phải gác lại những giây phút giao thừa thiêng liêng bên gia đình, để cùng đồng đội sẵn sàng đương đầu với khói lửa để bảo vệ an toàn cho người dân. Đây là công việc nhưng hơn hết là niềm tự hào khi đã khoác trên mình bộ áo lính cứu hỏa.
Đây là năm đầu tiên chiến sĩ Nguyễn Phúc Hậu (Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an Tp. Hà Nội) ở lại đơn vị đón Tết. Anh chia sẻ: "Lần đầu tôi ăn Tết xa nhà, cảm xúc của tôi có hơi buồn và hụt hẫng một chút. Nhưng ở đơn vị, không khí mọi người chuẩn bị công tác cho dịp tết cũng đem lại cho tôi cảm giác hạnh phúc và tinh thần sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Là một người chiến sĩ cứu hoả, tôi nhận thấy vai trò rất quan trọng của bản thân và luôn luôn phải trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Nếu có sự cố về cháy nổ xảy ra ưu tiên hàng đầu luôn là đảm bảo tính mạng cũng như tài sản của người dân”.
Trung tá Vũ Hoài Nam - Đội trưởng Đội Chữa cháy và CNCH khu vực 4 (Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an Tp. Hà Nội) dù đã quen với việc trực tết nhiều năm tại đơn vị, nhưng khi nghĩ đến cảnh nhà nhà đoàn viên, anh cũng không giấu được cảm xúc có chút buồn.
Nhắc về kỷ niệm đáng nhớ vào dịp tết, anh chia sẻ: “Hôm đó là sớm Mùng 3 Tết, chúng tôi nghe tin báo cháy tại tập thể cũ Ngọc Khánh (quận Ba Đình), bên trong còn có người mắc kẹt. Vì luôn tâm thế sẵn sàng chiến đấu nên lực lượng nhanh chóng được triển khai.
Căn hộ thiết kế có 1 cửa duy nhất, còn sau bịt kín bằng khung sắt khiến công tác tiếp cận khó khăn. Dẫu vậy, chúng tôi khẩn trương triển khai nhiều biện pháp để vừa cứu hoả vừa cứu người. Rất may, vì được cứu kịp thời nên nạn nhân đã thoát khỏi đám cháy và ổn định sức khoẻ”.
“Để giữ an toàn cho tính mạng, tài sản cho chính mỗi người và gia đình, tôi xin gửi thông điệp đến mỗi người hãy trang bị các thiết bị cảnh báo cháy sớm, mặt nạ phòng độc, phương tiện chữa cháy và thường xuyên theo dõi hướng dẫn xử lý khi gặp sự cố cháy nổ để có thể xử lý trước khi lực lượng chữa cháy tới”, anh Nam khuyến cáo.
Cứ như vậy, bất kể ngày lễ tết, hay ngày thường anh Nam và đồng đội tại đơn vị đã tham gia cứu hỏa hàng trăm vụ lớn nhỏ. Với những thành tích nổi bật, vừa qua Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực số 4 vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều tập thể, cá nhân được chính phủ, Bộ công an, Giám đốc Công an thành phố tặng bằng khen, giấy khen trong công tác và chiến đấu.
Đó vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm để mỗi cán bộ chiến sĩ phấn đấu, vững vàng hơn trên trận tuyến chống “giặc lửa”, góp phần ổn định, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
An toàn của người dân là quan trọng nhất
Thượng tá Lê Ngọc Thanh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố Hà Nội chia sẻ: "Một mùa xuân mới lại về, nhưng với những người lính cứu hỏa thì luôn phải sẵn sàng xông pha trong những trận chiến với “giặc lửa”. Với chúng tôi, điều quan trọng hơn cả là người người, nhà nhà đều trong trạng thái an toàn".
Về phương án, kế hoạch đảm bảo an toàn PCCC dịp Tết Giáp Thìn, Thượng tá Lê Ngọc Thanh cho biết, bám sát sự chỉ đạo của công an thành phố, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch số 41/KH-CAHN-PC07 về đảm bảo an toàn PCCC và CNCH, bảo vệ các hoạt động, sự kiện trước, trong và sau Tết dương lịch và Tết nguyên đán 2024.
Cụ thể, đó là tổ chức kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC&CNCH tại các địa điểm tổ chức các hoạt động, sự kiện như: lễ hội, biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, TDTT, bắn pháo hoa đêm giao thừa; các cơ sở trọng điểm; cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng bố trí lực lượng, phương tiện trực tại các địa điểm tổ chức các hoạt động để chủ động xử lý chữa cháy và CNCH tại chỗ và đảm bảo thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH tại đơn vị, sẵn sàng huy động, giải quyết, xử lý các tình huống đột xuất xảy ra trước, trong và sau tết.
Ý thức của mỗi người chính là quan trọng nhất
Từ những vụ cháy xảy ra trong thời gian qua, có thể thấy mặc dù diện tích cháy không lớn, nhưng hậu quả lại rất nghiêm trọng. Nguyên nhân là bởi khi xảy ra cháy, người dân không có phương tiện chữa cháy tại chỗ hoặc không biết cách thoát nạn, thoát hiểm an toàn nên gây ra cái chết đáng tiếc. Do đó, việc trang bị kiến thức cũng như những thiết bị thoát hiểm và cứu hộ là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong các trường hợp hỏa hoạn xảy ra bất ngờ.
Ông Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại PCCC Hải Phát cho rằng, ý thức của mỗi người luôn là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu trong công tác phòng chống cháy nổ. Trong cuộc sống, nhiều khi chỉ một phút lơ là, bất cẩn là có thể để xảy ra cháy.
Nếu như ý thức người dân chưa cao thì sinh sống ở nơi đầy đủ an toàn PCCC, cũng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy. Vì thế mỗi gia đình, cơ quan, doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ hệ thống, thiết bị PCCC phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, mỗi người phải biết sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ để khi phát hiện đám cháy nhỏ biết dập tắt, ngăn cháy thành ngọn lửa lớn.
Tết là thời điểm nguy cơ cháy nổ rất cao, để cảnh báo nguy cơ sự cố đến các thành viên trong gia đình một cách nhanh chóng nhất, ngoài trang bị những kiến thức PCCC cần thiết thì mỗi gia đình cần lắp đặt hệ thống báo cháy, các loại bình chữa cháy, thang dây, dây thoát hiểm, mặt nạ chống khói, búa chuyên dụng…Đặc biệt, thường xuyên xem các trương trình hướng dẫn hay buổi tập luyện về phòng chống cháy nổ, để khi xảy ra sự cố sẽ có kiến thức, kinh nghệm về PCCC.
Kim Thoa