Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD

Thứ 3, 13/08/2024 07:00

Trong các chuyến công du nước ngoài, các nhà lãnh đạo đất nước luôn tận dụng từng giờ, từng phút để gặp gỡ, trao đổi và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Sau mỗi cuộc gặp là một bước tiến

Nhìn lại năm 2023, Việt Nam liên tục đón tiếp các chuyến công tác, làm việc với những phái đoàn doanh nghiệp, tập đoàn FDI lớn nhất từ trước đến nay, mang về nhiều kết quả thỏa thuận, hợp tác.

Điển hình như hồi giữa tháng 6/2023, một phái đoàn hùng hậu hơn 200 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đã tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sang thăm Việt Nam. 

Trong số đó, có hàng loạt tỷ phú như Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor Chung Eui-sun, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin…

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 2.
Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 3.
Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 4.
Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 5.

Lãnh đạo các tập đoàn Hàn Quốc dự cuộc tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 6/2023 (Ảnh: VGP).

Trong chuyến thăm và làm việc với một số tập đoàn công nghệ tại Thung lũng Silicon hồi tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã mời ông Jensen Huang, Chủ tịch, CEO Tập đoàn NVIDIA - hãng sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1,2 nghìn tỷ USD - đến thăm và làm việc tại Việt Nam, với mong muốn NVIDIA sớm đặt nhà máy sản xuất, lấy Việt Nam làm cứ điểm tại khu vực Đông Nam Á.

Đáp lại lời mời của Thủ tướng, chỉ sau chưa đầy 3 tháng, Chủ tịch, CEO Tập đoàn NVIDIA đã đến và bắt đầu một chương mới trong hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực AI, bán dẫn.

"Chúng tôi đã nói với Thủ tướng rằng sẽ cam kết hết sức để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của NVIDIA. Chúng tôi sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam", ông Jensen Huang nói trong cuộc tọa đàm với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Sau "lời hứa" của Chủ tịch Jensen Huang, đến lượt Phó Chủ tịch Keith Strier tới thăm Việt Nam (vào tháng 4/2024). 

Ngay ngày đầu tiên tới Việt Nam, ông Keith Strier và đoàn công tác của NVIDIA đã có cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Dù thông tin chi tiết cuộc gặp không được tiết lộ, song trong thông cáo chính thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết "cuộc gặp là một bước tiến" sau quá trình trao đổi tích cực và hiệu quả giữa hai bên, là "một tín hiệu đáng mừng" củng cố việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái bán dẫn, AI của Việt Nam.

Sau những cái bắt tay, không chỉ dừng lại ở kế hoạch, hãng sản xuất chip đắt giá nhất thế giới này dường như đã bắt đầu có những cam kết với Việt Nam.

Ngày 23/4/2024, Tập đoàn FPT và NVIDIA ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển hệ sinh thái giải pháp AI cho khách hàng toàn cầu. Một trong những nội dung quan trọng của thỏa thuận là FPT dự kiến đầu tư khoảng 200 triệu USD để xây dựng nhà máy AI (AI Factory), cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu, phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam.

Tiếp tục đến đầu tháng 7/2024, một phái đoàn của NVIDIA do TS. Ettikan Karuppiah - Giám đốc công nghệ vùng châu Á - Thái Bình Dương làm Trưởng đoàn đã đến Tp.HCM để khảo sát và trao đổi khả năng hợp tác trong thời gian tới. 

Đoàn có cuộc gặp Chủ tịch UBND Tp.HCM để trao đổi các vấn đề đào tạo phát triển AI cho Thành phố, hỗ trợ phát triển start-up (doanh nghiệp AI), thành lập AI Center of Excellence.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 7.

CEO Apple Tim Cook tại buổi gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP).

Còn nhớ, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với CEO Apple Tim Cook hồi tháng 5/2022 tại Mỹ, Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ tăng cường hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực có ý nghĩa về cả kinh tế và chiến lược.

2 năm sau đó, CEO Apple Tim Cook đã lần đầu tới Việt Nam trong hai ngày (ngày 15-16/2024) và có 6 cuộc gặp gỡ với quan chức Chính phủ, nhà phát triển phần mềm, nhà sáng tạo nội dung và nghệ sĩ.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng, vị tỷ phú đề cập mong muốn thúc đẩy hoạt động hợp tác, đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam, cam kết mua nhiều hơn linh phụ kiện do đối tác sản xuất trong nước, đồng thời đóng góp vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tăng khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Apple đã liên tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Apple bắt đầu lắp ráp AirPods tại Việt Nam vào tháng 3/2020. Sau đó, hàng loạt sản phẩm khác như AirPods Pro, iPad, MacBook và Apple Watch cũng lần lượt được sản xuất tại Việt Nam.

Trọng tâm trong hoạt động đối ngoại cấp cao của Việt Nam

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2024, Việt Nam có thể đón nhận 39-40 tỷ USD vốn FDI - cao hơn đáng kể so với con số 36,6 tỷ USD của năm 2023.

"Điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực, thể hiện mong muốn được tiếp tục đầu tư ở Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thể kỳ vọng thu hút đầu tư nước ngoài có thể đạt khoảng 39 - 40 tỷ USD, tương đương hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm 2023", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024.

Bộ Ngoại giao cho biết, trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác.

Trong chuyến công tác Hàn Quốc (30/6-3/7/2024) Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc dày đặc với 34 hoạt động cùng chính giới, chuyên gia, nhà khoa học và các tập đoàn hàng đầu của "xứ sở kim chi". 

Người đứng đầu Chính phủ đã tận dụng từng giờ, từng phút để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, quảng bá môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi của Việt Nam và gặp gỡ, chia sẻ nhằm thu hút các chaebol hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 8.
Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 9.
Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 10.
Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 11.
Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 12.

Những cái bắt tay của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo các tập đoàn lớn hàng đầu Hàn Quốc (Ảnh: VGP).

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc gồm CJ, Posco, LG, Daewoo E&C, GS Engineering & Construction Corp, Celltrion và ngân hàng KDB.

Tại đây, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đồng thời chứng kiến lễ ký 23 văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương hai nước về hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, y tế, giáo dục, bán dẫn, năng lượng và tăng cường hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Hay trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ (từ 30/7-1/8/2024), với chuỗi lịch trình dày đặc từ sáng tới tối ở Thủ đô New Delhi, Thủ tướng đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Ấn Độ trong các lĩnh vực như Adani (tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về hạ tầng, năng lượng), SMS Pharmaceuticals (một trong những doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn nhất Ấn Độ), BDR (nhà sản xuất sản phẩm điều trị ung thư lớn nhất tại Ấn Độ), Tập đoàn Phát triển hành lang công nghiệp quốc gia, Tập đoàn ONGC (tập đoàn dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất của Ấn Độ), Tập đoàn công nghệ thông tin HCL…

Kết quả, nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn của Ấn Độ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược và quyết tâm "rót vốn" vào loạt dự án lớn với số tiền hàng chục tỷ USD.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 13.
Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 14.
Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 15.
Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 16.
Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 17.

Thủ tướng tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Ấn Độ trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới quốc gia này (Ảnh: VGP).

Đơn cử, lãnh đạo Tập đoàn Adani khẳng định cam kết, quyết tâm đầu tư tại Việt Nam với các dự án được đề xuất có tổng vốn lên tới khoảng 10 tỷ USD như cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng (khoảng trên 2 tỷ USD); dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (khoảng 2,8 tỷ USD), sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai…

SMS Pharmaceuticals cũng đã thành lập liên doanh với công ty Việt Nam để đề xuất phát triển Khu công nghiệp Dược phẩm công nghệ cao tại khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) với mục tiêu thúc đẩy, thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 4-5 tỷ USD trong hơn 10 năm tới.

Những kết quả trên cho thấy, đằng sau các chuyến thăm của lãnh đạo Nhà nước Việt Nam là những "cái bắt tay tỷ USD" với các doanh nghiệp nước ngoài, là những dự án quy mô lớn được xây dựng và phát triển.

Song, điểm chung của các cuộc gặp, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cam kết luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Địa chỉ "đỏ" trong thu hút FDI

Với nhiều lợi thế, Bình Dương đang khẳng định là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư FDI. Trong 7 tháng năm 2024, Bình Dương đã thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI. Đến nay, toàn tỉnh có 4.342 dự án FDI, với tổng số vốn 40,9 tỷ USD.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, những năm qua dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh này ngày càng chất lượng hơn, xanh hơn, thông minh hơn. Các khu công nghiệp chuẩn xanh có tỉ lệ lấp đầy cao và thúc đẩy Bình Dương luôn nằm trong top tỉnh có nguồn FDI hàng đầu cả nước.

Nói với Người Đưa Tin, ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện Bình Dương là tỉnh tiên phong ban hành bộ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm, khu công nghiệp trên địa bàn.

"Tỉnh chủ động chọn lọc FDI vào địa phương với chính sách kêu gọi đầu tư có sự chuyển hướng sang những doanh nghiệp sản xuất mang tính công nghệ và giá trị gia tăng cao, có mối liên kết với các doanh nghiệp nội địa và có đặt trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) tại địa phương", ông Tuấn nói.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 18.

Ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương.

Theo ghi nhận, tỉnh Bình Dương hiện tập trung ưu tiên hợp tác với nhà đầu tư có tầm nhìn, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường để tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương vươn tầm quốc tế.

Chủ trương của tỉnh này đã thành công ở nhiều khu công nghiệp có quy mô lớn như khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 1, 2, 3) - đây được xem là khu công nghiệp kiểu mẫu về đón "làn sóng" FDI thế hệ mới.

Theo ông Võ Anh Tuấn, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương luôn tạo được tiền đề mở rộng các điều kiện để thu hút nhà đầu tư. 

Đơn cử bằng việc Bình Dương chủ động trong việc làm việc với các doanh nghiệp lớn ở đa quốc gia, giới thiệu, quảng bá hình ảnh về Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, môi trường đầu tư để mời gọi đầu tư, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác giữa Bình Dương và các địa phương, doanh nghiệp các nước có nền kinh tế lớn, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Australia, Singapore…

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 19.Ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương
Ngoài việc thu hút vốn đầu tư, tỉnh Bình Dương luôn cam kết tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và thân thiện với nhà đầu tư.

Nói về việc "giữ chân" các nhà đầu tư và những chính sách đột phá trong thu hút đầu tư FDI của Bình Dương, đại diện Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương ngoài việc thu hút vốn đầu tư, tỉnh luôn cam kết tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và thân thiện với nhà đầu tư.

"Điều này tạo điều kiện cho các dự án không chỉ được triển khai nhanh chóng mà còn bảo đảm tính bền vững và hiệu quả lâu dài", ông Tuấn chia sẻ.

Tại khu vực phía Bắc, Hải Phòng đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, thay đổi hình thức xúc tiến, quảng bá cũng như phát huy những thế mạnh vốn có. Nhờ vậy, những năm gần đây, Hải Phòng có sự vươn lên mạnh mẽ và liên tục nằm trong top đầu cả nước về thu hút FDI.

Năm 2023, với tổng số vốn hơn 3,4 tỷ USD (đăng ký mới 1,5 tỷ USD, điều chỉnh vốn tăng hơn 1,9 tỷ USD), Hải Phòng trở thành địa phương đứng 2 cả nước về thu hút FDI, chỉ sau Tp.HCM.

Năm 2024, Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút 2 - 2,5 tỷ USD FDI. Nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng năm 2024, địa phương thu hút gần 1,4 tỷ USD vốn FDI.

Đến nay, trên địa bàn Hải Phòng có tổng cộng gần 1.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 31 tỷ USD. Thành phố cửa ngõ cảng biển lớn nhất miền Bắc trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới với số vốn đầu tư "khủng".

Trong đó, có thể kể đến Tập đoàn LG của Hàn Quốc đầu tư hơn 7,24 tỷ USD, Tập đoàn Bridgestone của Nhật Bản đầu tư 1,22 tỷ USD, Tập đoàn Regina Miracle của Hong Kong (Trung Quốc) đầu tư hơn 1 tỷ USD, Tập đoàn Pegatron của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư hơn 800 triệu USD, Tập đoàn SK của Hàn Quốc đầu tư hơn 500 triệu USD…

Trước đây, để thu hút FDI, Tp.Hải Phòng chủ yếu đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện, chính sách thông thoáng đối với nhà đầu tư với tâm thế "dọn tổ đón đại bàng". Tuy nhiên, khi Hải Phòng gặp sự cạnh tranh quyết liệt trong thu hút FDI, Thành phố có một số thay đổi trong chiến lược thu hút FDI.

Cùng với tập trung "dọn tổ đón đại bàng", lãnh đạo Tp.Hải Phòng tăng cường những chuyến làm việc dài ngày ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế cũng như cơ chế, chính sách thu hút FDI của địa phương.

Chiến lược này của Tp.Hải Phòng được nhiều chuyên gia kinh tế ví như "vào hang hùm bắt cọp". Trên thực tế, bước đầu phát huy hiệu quả có thể nhìn thấy và đong đếm được.

Trong đó, tại chuyến thăm và làm việc với một số địa phương của Trung Quốc vừa qua, ngày 7/8, trong hội nghị xúc tiến đầu tư tại Tp.Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), lãnh đạo Tp.Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trị giá 200 triệu USD cho 7 dự án FDI của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Cũng tại hội nghị, Tổ hợp KCN DEEP C và Công ty CFL Holdings Limited ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai mở rộng dự án đầu tư hiện hữu có giá trị 100 triệu USD tại Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng.

Trước đó, cuối tháng 4/2024, lãnh đạo Tp.Hải Phòng có chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc - quốc gia đứng đầu về tổng số dự án và vốn FDI đăng ký thực hiện với 183 dự án và tổng số vốn 11,5 tỷ USD.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 2: Những cái bắt tay tỷ USD- Ảnh 20.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng (trái) làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức).

Tương tự Hải Phòng, nhằm đổi mới thu hút FDI, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vừa qua cũng có chuyến thăm, xúc tiến đầu tư tại 3 nước Đức, Áo và Italia. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, 7 tháng năm 2024, tỉnh thu hút hơn 235 triệu USD vốn FDI, bằng 88% so với cùng kỳ.

Trong 7 tháng, toàn tỉnh Hải Dương đã có 41 dự án được cấp mới với tổng vốn đăng ký hơn 172 triệu USD, trong đó có 9 dự án nằm ngoài khu công nghiệp và 32 dự án trong khu công nghiệp.

Tính đến nay, tỉnh Hải Dương có 574 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn hơn 10,5 USD. Các nhà đầu tư tại Hải Dương đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm 314 dự án trong khu công nghiệp, vốn đăng ký hơn 6,3 tỷ USD; 256 dự án ngoài khu công nghiệp với số vốn hơn 4,1 tỷ USD. Tổng lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 8,7 tỷ USD.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, thành công của các nhà đầu tư, của doanh nghiệp chính là nguồn lực đặc biệt quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sớm xây dựng Hải Dương thành tỉnh công nghiệp, hiện đại.

(Còn nữa)

Thu Huyền - Phùng Sơn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.