Một nguồn tin của Nga cho biết hiện có hai tàu ngầm Nga được trang bị tên lửa hành trình Calibre có mặt tại căn cứ hải quân Nga ở Tartus. Cũng theo nguồn tin này, hai tàu ngầm khác của Nga, cũng được trang bị tên lửa hành trình tương tự, mới đến cảng Tartus. Các tàu ngầm này thuộc hạm đội Biển Đen của Nga. Như vậy, hiện có tổng cộng 32 tên lửa hành trình Calibre của Nga có mặt ở khu vực này, Bulgarian Military ngày 8/9 cho biết.
Các nhà quan sát quân sự trong khu vực cho rằng khả năng Nga sẽ thực hiện một "thỏa thuận ngừng bắn" ở Daraa. Điều này sẽ diễn ra sau khi triển khai một cuộc tấn công phối hợp giữa đường không và đường biển cùng với sự góp mặt của tên lửa hành trình Calibre từ căn cứ hải quân Tartus.
Hiện tại, quân nổi dậy Syria và phe đối lập không chịu đầu hàng ở khu vực Daraa và đang chiến đấu khốc liệt với quân đội Ả Rập Syria. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Hải quân Nga sử dụng tên lửa hành trình Calibre trong khu vực. Có thông tin cho rằng trong 12 tháng qua Moscow đã tấn công nhằm vào các vị trí của khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bằng loại tên lửa này.
Trong khi đó, Sputnik ngày 8/9 đưa tin, các đơn vị của quân đội Syria cùng với quân cảnh Nga đã tiến vào Daraa al-Balad, thành trì cuối cùng của các nhóm tội phạm có vũ trang ở miền Nam quốc gia Trung Đông này.
Quân đội Syria tiến hành lục soát các ngôi nhà trong các khu dân cư, tìm kiếm vũ khí và các thiết bị nổ do các phiến quân chế tạo.
Trong khi đó, các phiến quân không chịu hạ vũ khí và hòa giải mà vẫn tiếp tục củng cố vị trí của mình trong khu vực ở Daraa al-Balad và ở quận Al-Sed.
Tình hình ở tỉnh Daraa của Syria xấu đi đáng kể vào tháng Tám, khi những kẻ khủng bố tấn công các cơ quan nhà nước và quân đội Syria, giết chết 4 binh sĩ và làm 8 người khác bị thương.
Nội chiến ở Syria không ngừng phức tạp
Cuộc nội chiến Syria kéo dài gần một thập kỷ. Những nỗ lực của các phong trào như Lực lượng Dân chủ Syria nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thất bại.
Các lực lượng dân chủ Syria được Mỹ và đồng minh hậu thuẫn, trong khi quân đội Syria chủ yếu được Nga trợ giúp. Moscow là quốc gia duy nhất được Tổng thống Bashar al-Assad chính thức mời tới Syria để giúp dẹp khủng bố.
Năm 2017, Mỹ đã tiến hành cuộc tấn công tên lửa lớn vào lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad sau khi xuất hiện một báo cáo rằng Tổng thống Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc tấn công. Syria và Nga phủ nhận các hành động như vậy.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã quyết định rút phần lớn quân đội Mỹ khỏi Syria, chỉ để lại một số binh sĩ bảo vệ các mỏ dầu của Syria với lý do tránh để “rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo”.
Với sự rút lui của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố cần phải đối phó với người Kurd và phong trào PKK ở phía Bắc đất nước, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là lý do tại sao ông Erdogan không ngừng gửi quân đến xây dựng một khu vực an toàn giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Với nhiều nước tham gia vào cuộc nội chiến nhưng tình hình khủng bố ở Syria vẫn còn căng thẳng và phức tạp. Những phiến quân, khủng bố vẫn liên tục mở các đợt tấn công khiến quân đội Syria và Nga không ngừng triển khai các kế hoạch dẹp loạn.