Ngày 5/4, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sau gần 1 tháng tiến hành kiểm tra trực tuyến, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã gửi công hàm thông báo cấp phép cho 13 cơ sở đóng gói và 70 mã số vùng trồng khoai lang của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Theo ước tính, diện tích trồng khoai lang được GACC cấp phép trong đợt đầu tiên này lên tới trên 1.000 ha và phân bố ở khắp các địa phương trên cả nước, gồm: Quảng Ninh, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Vĩnh Long, Đồng Tháp… Dự kiến, Vĩnh Long sẽ là địa phương tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng khoai lang đầu tiên của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng thông báo từ GACC rất có ý nghĩa với nông dân Việt Nam khi khoai lang sắp vào vụ thu hoạch. Hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đang tích cực phối hợp với các địa phương trong công tác chuẩn bị cho container khoai lang đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc trong khoảng 1 tháng nữa.
Ông Hoàng Trung cho biết, trước đó, ngày 9/11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và GACC đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với sản phẩm khoai lang xuất khẩu vào Trung Quốc.
Là cơ quan đầu mối về hướng dẫn thủ tục, kiểm dịch thực vật và đàm phán mở cửa thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ ngay sau khi nghị định thư được ký.
Cục đã phối hợp GACC để cùng chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho xuất khẩu; trong đó có nộp danh sách các hồ sơ về vùng trồng, cơ sở đóng gói khoai lang để phía bạn xem xét. Đồng thời, Cục đã họp bàn và lên kế hoạch kiểm tra trực tuyến với những đơn vị đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu sắp tới.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đồng hành, hướng dẫn cơ quan chuyên môn tại địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức sản xuất sao cho bài bản, bền vững.
Ông Hoàng Trung cũng cho biết trong đợt kiểm tra vừa qua của GACC, 10/23 cơ sở đóng gói không đạt. Tồn tại này cần được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất, để các chủ sở hữu cũng như đơn vị liên quan xác định rõ nguyên nhân và tìm cách khắc phục để hoàn thiện lại hồ sơ kỹ thuật.
“Nếu không đạt tiêu chuẩn, hàng hóa sẽ lập tức quay đầu. Ngoài ra, những cơ sở vi phạm có thể bị tạm ngừng xuất khẩu,” ông Hoàng Trung nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Trung, để một ngành hàng phát triển bền vững, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, người sản xuất cùng phải thấy được trách nhiệm của mình. Với địa phương, rõ ràng thêm một mặt hàng xuất khẩu sẽ đòi hỏi phải bố trí thêm nguồn lực, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật khi cùng tham gia vào khâu kiểm tra, giám sát một cách liên tục.
Với doanh nghiệp, họ vừa phải hỗ trợ đối với các vùng trồng, HTX, người dân trong chuỗi, vừa đảm bảo hồ sơ, đăng ký đúng quy định của GACC. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp trong nước cần xây dựng, hình thành những mối liên kết bền vững cả trong nước lẫn quốc tế. Họ nên ký nhiều hơn những hợp đồng dài hạn, thậm chí hợp đồng lớn với đối tác để tạo nhu cầu lâu dài, giúp người sản xuất yên tâm canh tác.
Với người sản xuất, bao gồm cả lao động trực tiếp, vấn đề về đạo đức kinh doanh được đặt ra. Chúng ta không thể chỉ chuẩn hóa trên giấy mà cần cụ thể hóa bằng hành động thiết thực, chẳng hạn tách bạch giữa hàng hóa đã được đóng gói và hàng hóa mới được đưa về. Những việc làm dù nhỏ nhưng qua thời gian sẽ thay đổi đáng kể nhận thức của đại bộ phận người dân.
Về phía Cục Bảo vệ thực vật, Cục đã chuẩn bị kỹ các phương án cho ngày đón container khoai lang đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc. Thứ nhất, Cục đã gửi văn bản thông báo tới các địa phương để họ chủ động thông tin cho chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Từ đó, những cơ sở này sẽ lập kế hoạch và chuẩn bị mọi điều kiện theo yêu cầu của Trung Quốc để kịp thời xuất khẩu trong vòng một tháng nữa.
Thứ hai, Cục đã lập kế hoạch và cam kết sớm tổ chức những lớp tập huấn hướng dẫn về các điều kiện cụ thể cho mã số vùng trồng, cũng như một số yêu cầu kỹ thuật liên quan. Đối tượng tập huấn là chủ các mã số, cán bộ chuyên môn ở địa phương để tất cả cùng kiểm tra, giám sát, cùng chung tay để thực hiện đúng, đủ các yêu cầu kiểm dịch trước khi đưa hàng lên cửa khẩu.
Thứ ba, Cục đã gửi văn bản truyền tải toàn bộ thông tin liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói khoai lang cho các chi cục kiểm dịch thực vật vùng, các trạm kiểm dịch thực vật để kịp thời nắm bắt, kiểm tra, kiểm soát theo quy trình mà Việt Nam đã cam kết trong nghị định thư. Phải tìm mọi cách để bảo đảm các lô khoai lang tươi xuất sang Trung Quốc có đầy đủ chứng thư kiểm dịch thực vật, thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói, đồng thời đáp ứng về vệ sinh, an toàn thực phẩm như phía bạn yêu cầu. Trong đó, đặc biệt là không nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm.
Thứ tư, những hình thức tuyên truyền, phổ biến cho đối tượng liên quan sẽ được xây dựng sinh động, trực quan và có tính lan tỏa. Đây cũng là định hướng giúp mọi chủ thể trong chuỗi ngành hàng khoai lang nâng cao tinh thần trách nhiệm như: doanh nghiệp xuất khẩu chỉ thu mua nguyên liệu từ những vùng đã được cấp mã số, hoặc quy cách đóng gói bao bì, in nhãn, mác, ghi thông tin phải chuẩn xác và truy xuất được nguồn gốc. Những hoạt động này sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý giảm thời gian kiểm dịch, tăng tốc độ thông quan tại cửa khẩu - một yếu tố vô cùng quan trọng khi xuất khẩu mặt hàng tươi.
Thứ năm, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đôn đốc địa phương là đi kiểm tra, giám sát tình hình sản xuất theo đúng tình trạng thực tế. Sau đó, gửi danh sách để Cục tổng hợp nhu cầu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cả nước, tạo cơ sở trước khi đàm phán với GACC.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Thanh Niên, Nông Nghiệp Việt Nam)