CNN dẫn thông tin từ ban quản lý Công viên hoang dã quốc gia Kruger của Nam Phi, cho biết vụ việc diễn ra vào thứ Hai ngày 1/4. 5 người đàn ông lén lút đột nhập khu bảo tồn động vật với mục đích săn tê giác để lấy sừng.
Nhóm người vô tình xâm phạm lãnh thổ của voi rừng và bị một con voi lớn tấn công. Hậu quả là một người trong nhóm thợ săn bị con voi dẫm chết. Nhóm người sau đó đã kéo thi thể nạn nhân ra đường lớn rồi nhanh chóng đào tẩu để trốn tội.
Ngay hôm sau (2/4), những tên thợ săn báo tin dữ cho gia đình nạn nhân, bảo họ liên hệ với lực lượng chức năng để nhận lại thi thể. Tuy nhiên phía công viên cho biết không tìm thấy bất kỳ thi thể nào trên đường hay gần khu vực những tên thợ săn miêu tả.
Cảnh sát ngay lập tức triển khai một cuộc tìm kiếm điều động hàng chục kiểm lâm và cả trực thăng. Sau hơn 2 ngày tìm kiếm, đến ngày 4/4 lực lượng mới tìm thấy manh mối đầu tiên là một mảnh quần dài rách nát cùng một phần cơ thể của nạn nhân.
Cuộc tìm kiếm tiếp tục diễn ra nhưng không mang lại kết quả, cảnh sát đưa ra kết luận thi thể nạn nhân đã bị ăn thịt bởi bầy sư tử.
Phía công viên đã gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân, đồng thời đơn vị cũng lên tiếng cảnh báo những mối nguy khó lường từ việc đột nhập khu vực sinh sống của các loài động vật hoang dã.
Đại diện công viên, ông Glenn Phillips cho hay:“Đột nhập trái phép công viên là một việc rất thiếu khôn ngoan, những loài động vật hoang dã vô cùng hung hăng và sẵn sàng tấn công bất kỳ ai xâm phạm lãnh thổ của chúng.”
Theo The Guardian, 3 người đàn ông tuổi từ 26 đến 35 đã bị bắt giữ tại khu vực ngoại ô Kamhlushwa và Komatipoort để điều tra về vụ việc.
Tại phiên tòa ngày 5/4, các nghi phạm đối mặt với các cáo buộc sở hữu vũ khí trái phép, săn trộm và đột nhập khu vực cấm. Hiện lực lượng chức năng tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của thợ săn xấu số.
Nam Phi là nơi sinh sống của gần 80% tê giác trên thế giới. Số lượng cá thể tê giác giảm mạnh do nạn săn trộm diễn ra vô cùng nhức nhối. Từ 2013-2017, ước tính mỗi năm có khoảng 1.000 con tê giác bị giết hại. Đến năm 2018 con số này đã giảm xuống chỉ còn 769 con. Tình trạng này xuất phát từ việc sừng tê giác là một món hàng quý hiếm tại thị trường phương Đông.
Công viên hoang dã quốc gia Kruger là nơi tập trung nhiều tê giác nhất trên thế giới. Hơn 70% vụ săn trộm tê giác diễn ra khu bảo tồn động vật này.
Bá Di