Quảng cáo ba kích rừng nhưng được… trồng công nghiệp?
Hiện nay trên thị trường, ba kích được rao bán khá phổ biến. Tại các cửa hàng sản vật dân tộc cũng như các shop chuyên bán thảo dược online đều quảng cáo 100% ba kích rừng- “thần dược phòng the”.
Phần lớn người bán đều quảng cáo, ba kích có công dụng bổ thận, kiện gân cốt, trừ phong thấp, đặc biệt là công dụng tráng dương cực tốt cho cánh đàn ông. Tin vào những lời quảng cáo có cánh, nhiều quý bà sẵn sàng chi tiền mua ba kích về “tẩm bổ” cho chồng.
Theo tìm hiểu của PV, ba kích được rao bán phổ biến từ 200.000- 500.000 đồng/kg. Loại ba kích rừng có giá lên tới hàng triệu đồng/kg.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh (Đường Giải Phóng, Hà Nội) cho hay, thấy nhiều người mách ba kích có công dụng bổ thận, tráng dương nên chị đã mua 5kg ba kích về ngâm rượu cho chồng uống dần. Loại ba kích chị mua được quảng cáo là ba kích rừng do người dân tộc tự tay đi hái trên rừng già Tây Bắc.
“Thấy người bán nói sao tôi tin vậy chứ cũng không biết loại ba kích này có phải hàng xịn hay không. Tôi mua ba kích với gái 3.000.000 đồng/kg qua một shop trên mạng”, chị Hạnh nói.
Chị Hạnh chia sẻ, cách đây 2 năm, chồng chị đến khám tại một phòng khám nam khoa và bác sĩ chẩn đoán anh bị yếu sinh lý khiến chuyện “chăn gối” của vợ chồng chị bắt đầu “nhạt” dần. Thấy vậy, chị đã mua ba kích về ngâm rượu cho chồng uống với hy vọng sẽ “thắp lại lửa yêu”.
Chưa biết thực hư công dụng của “thần dược” ba kích đến đâu nhưng rất nhiều quý bà đã săn lùng ba kích rừng về “tẩm bổ” cho chồng. Tuy nhiên, theo giới sành dược liệu, với mức giá chỉ 300.000-400.000 nghìn đồng/kg thì chỉ là ba kích trồng, không phải ba kích rừng. Thậm chí, có nhiều nơi còn bán cây viễn chí ba sừng “đội lốt” ba kích để trục lợi.
Theo những người sành dược liệu, ba kích rừng thuộc hàng hiếm, giá đắt và thường phải đặt hàng trước. Phần lớn trên thị trường là ba kích trồng và ba kích Trung Quốc.
Qua mắt người dùng dễ như trở bàn tay!
Thầy lang Dương Trung Kiên (TP.Thái Nguyên) cho hay, ba kích tên khoa học là Morinda officinalis How thuộc họ cà phê (Rubiaceae). Ở Việt Nam có 3 loại phổ biến là ba kích quả rời, ba kích quả dính nhau và ba kích lông.
Theo thầy lang Kiên, trong Đông y, ba kích là loại dược liệu có vị ngọt, hơi cay, tính ấm vào kinh thận. Ba kích có tác dụng ôn thận trợ dương, cường gân cốt, trừ phong thấp.
“Ba kích không có tác dụng làm tăng đòi hỏi tính dục như mọi người thường nghĩ. Tuy không làm tăng đòi hỏi tính dục nhưng ba kích có tác dụng tăng cường sức dẻo dai, đối với nam giới hoạt động sinh dục yếu và thưa. Công dụng chính của ba kích là bổ và tăng lực”, thầy lang Kiên khuyến cáo.
Cũng theo các chuyên gia Đông y, không phải ai cũng có thể dùng ba kích, với những người âm hư hỏa vượng, đại tiện táo kết không nên dùng.
Nhiều người cảnh báo, hiện nay, người bán rễ cây viễn chí ba sừng (phân bố chủ yếu ở vùng núi phía bắc, tây bắc) “đột lột” ba kích tràn lan. Loại cây này, người dân tộc trên Sa Pa bán rất nhiều ở chợ. Cây viễn chí ba sừng thực ra cũng là cây thuốc tốt, dùng điều trị chống cảm cúm khi có dịch cúm và còn là cây thuốc tăng lực nhưng hoạt chất thì khác ba kích.
Theo các chuyên gia, nhìn bề ngoài củ mập, khúc khuỷu người ta thấy giống rễ ba kích là bán với tên ba kích. Nhất là một số người kinh doanh trên mạng, chụp hình cây viễn chí ba sừng bán với tên ba kích rừng, ba kích tím vì nó có mầu tím rất đẹp là không đúng sự thật làm người mua bị lừa.
Theo tìm hiểu của PV, ba kích trồng tại Việt Nam có giá từ 140.000- 160.000 đồng/kg, rễ cây viễn chí mua chỉ 50.000 đồng/kg tại Sa Pa, nếu đặt dân đi lấy chỉ 18.000-20.000 đồng/kg có thể lấy vài tạ một ngày. Với mức chênh lệch cao, người bán đã vô tư “đột lốt” cây viễn chí thành ba kích để kiếm lời.
N.Giang